Để tồn tại và phục hồi trong và sau đại dịch, các doanh nghiệp khách sạn cần có những thay đổi sâu sắc và toàn diện nhằm thích ứng với tình trạng bình thường mới.
Điều này đặt ra các câu hỏi: Tình trạng bình thường mới tác động đến ngành khách sạn như thế nào? Những thách thức phía trước là gì? Và các chủ khách sạn hàng đầu nên thực hiện những hoạt động gì?
Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng
Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, hàng triệu người đã bị nhiễm bệnh khi đi du lịch, mặc dù tình trạng hiện tại đã tốt hơn nhưng thói quen của mọi người đã hoàn toàn thay đổi. Họ trở nên vô cùng nhạy cảm với việc tương tác trực tiếp và cần một sự đảm bảo, chắc chắn từ doanh nghiệp hơn là một chương trình giảm giá. Đây là một trong những trở ngại mà ngành khách sạn cần phải cân nhắc.
Nếu như trước đây chất lượng của các chuyến du lịch dựa hoàn toàn vào dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp, thì bây giờ xu hướng này đã có sự thay đổi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 78% người được phỏng vấn nói rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của họ khi đi du lịch hiện nay là tìm kiếm những khách sạn có công nghệ không tiếp xúc (Contactless Technology). Điều này đã thay đổi quan điểm của khách hàng về cách thức dịch vụ chăm sóc khách hàng trong tương lai.
Các hành động do chủ khách sạn thực hiện
Nhiều khách sạn đã thực hiện các hành động liên quan để cải thiện tình hình hiện tại. Những việc làm này nhằm tiết kiệm chi phí cũng như xoa dịu tâm lý e ngại của khách hàng khi đi du lịch.
Lấy Trung Quốc làm ví dụ mặc dù là nguồn gốc của sự bùng phát Covid-19 và các doanh nghiệp đã trải qua thời kỳ ngừng hoạt động lớn nhất thế kỷ khi đất nước rơi vào tình trạng đóng cửa. Để duy trì hoạt động, doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải đổi mới.
- Khởi chạy dịch vụ giao đồ ăn: Việc khách sạn cạnh tranh với các nhà hàng địa phương nghe có vẻ không mấy khả quan nhưng đây là một trong những giải pháp giúp khách sạn có thể duy trì doanh thu của mình. Các khách sạn có thể giao đồ ăn cho cá nhân hay những doanh nghiệp nhỏ. Đây là một ý tưởng độc đáo nếu khách sạn phục vụ những món ăn đặc biệt.
- Tuân thủ nghiêm ngặt các chính sách của chính phủ: Mặc dù tình hình chung trên toàn thế giới đang trở nên tốt hơn, các chủ khách sạn vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu quy định về sức khỏe để đảm bảo an toàn cho mọi khách hàng. Các thủ tục như theo dõi nhiệt độ của du khách, ghi lại thông tin cá nhân và cung cấp chất khử trùng tay trước khi ra vào khách sạn là những việc làm cần thiết cho mọi doanh nghiệp. Ngoài ra, tất cả những thông tin, hành trình của du khách cũng cần phải luôn sẵn sàng để báo cáo cho các cơ quan chức năng bất cứ lúc nào được yêu cầu.
- Chuyển đổi hệ thống sang “không tiếp xúc”: Nhiều khách sạn lớn ở Trung Quốc đã áp dụng công nghệ “không tiếp xúc” mới cho phép họ tự động hóa dịch vụ khách hàng của mình thông qua ứng dụng và máy móc để giảm sự tiếp xúc của con người. Đối với những doanh nghiệp có ít nguồn lực hơn, họ cũng đã bắt đầu hạn chế sử dụng tiền mặt và dựng những những địa điểm cách ly để giảm thiểu tiếp xúc nhiều nhất có thể.
Những thách thức trong việc mở lại khách sạn
Việc mở lại các dịch vụ khách sạn là không hề đơn giản. Bất chấp nhiều nỗ lực kích thích của chính phủ, thị trường khách sạn vẫn khó có thể tăng trường trong thời gian vưa qua vì các du khách vẫn luôn có một nỗi lo vô hình về làn sóng dịch bùng phát lần nữa nên mọi bước đều cần phải chính xác nhất.
Có rất nhiều thách thức mà các chủ khách sạn sẽ phải đối mặt, chẳng hạn như chi phí mở cửa lại. Trước đây chưa bao giờ khẩu trang bảo hộ, nước rửa tay, thiết bị khử khuẩn lại được tính vào một khoản chi phí, nhưng giờ đây chúng đóng một phần rất quan trọng trong chi phí vận hành khách sạn. Việc huấn luyện quy trình mới cho nhân viên và thuê công ty kiểm dịch cũng sẽ là những chi phí mà quản lý khách sạn cần xem xét.
Một thách thức khác mà các khách sạn sẽ phải đối mặt là định giá lại thị trường. Tìm hiểu thị trường, cung cầu đồng thời chuẩn bị cho những sự kiện bất ngờ xảy ra là vấn đề mà các chủ khách sạn cần giải quyết. Họ sẽ cần làm việc với các nhóm bán hàng hoặc đại lý địa phương để hiểu rõ hơn về việc thay đổi hành vi và kỳ vọng của khách hàng trước khi đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề.
Áp dụng công nghệ trong trạng thái bình thường mới
Công nghệ “không tiếp xúc” là một trong những công nghệ được tin dùng nhất hiện nay, đặc biệt là đối với ngành Du lịch – Khách sạn.
Với khách sạn, công nghệ “không tiếp xúc” đơn giản nhất có thể được thực hiện thông qua chiếc điện thoại thông minh của khách hàng. Ví dụ như dịch vụ đặt đồ ăn uống và thanh toán thông qua ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng hoặc mã QR.
Có một vài nền tảng như Nevotek hoặc Grace được thiết kế đặc biệt cho khách sạn để cung cấp giao tiếp không tiếp xúc cho dịch vụ của doanh nghiệp. Các ứng dụng này cũng có thể được tích hợp dễ dàng với các hệ thống quản lý hiện có của khách sạn.
Đối với các giải pháp chuyên biệt hơn, chủ khách sạn có thể xem xét “FaceMe”, một công cụ giám sát đã bổ sung các tính năng mới được thiết kế đặc biệt để giúp các doanh nghiệp mở cửa trở lại trong điều kiện Covid-19 vẫn diễn ra. Họ cung cấp hệ thống phát hiện khẩu trang, camera nhiệt và cảnh báo. Công việc của chủ khách sạn là đảm bảo công nghệ nào phù hợp với hoạt động kinh doanh và ngân sách của họ.
Mặc dù Covid-19 là một thách thức bất ngờ đối với tất cả các doanh nghiệp, nhưng nó cũng đã mở ra cánh cửa cho vô số cơ hội chưa được khám phá đối với những doanh nghiệp linh hoạt chuyển đổi.
Các chủ khách sạn cần cập nhật những thay đổi trong thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng và các chính sách của chính phủ để đưa ra những giải pháp quay trở lại thị trường một các tốt nhất. Đây là lúc doanh nghiệp cần phải đổi mới bản thân và sáng tạo hơn. Sẽ luôn còn nhiều khó khăn nhưng những con người vững vàng nhất là những người luôn sẵn sàng đổi mới chính mình.
Theo TRG International