|
Khủng bố sẽ là một vấn đề lớn của năm 2015. |
1. Khủng bố cũng sẽ là một thách thức của năm 2015. Cho đến thời điểm hiện tại, làn sóng khủng bố vẫn lan tràn với một tốc độ nhanh chóng trên phạm vi thế giới. Các phương tiện Internet của thời đại kỹ thuật số đã giúp cho các tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) chiêu mộ thành viên và tìm được nguồn ủng hộ tài chính. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng: “Giải pháp quân sự là cần thiết nhưng chưa đủ, bởi vì cái cần đạt đến đó chính là tái lập được hòa bình”. Do đó để giải quyết vấn nạn khủng bố, các nước phải có cách tiếp cận vấn đề này toàn diện hơn, tức trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục đến tư pháp…
2.Vấn đề Ukraina và quan hệ giữa Nga-EU. Cách giải quyết hồ sơ Ukraina giữa các nước EU đang cho thấy có sự chia rẽ: có nước thì tỏ ra quá cứng rắn với Nga, có nước thì muốn đối thoại.
Các nước châu Âu cần hiểu rằng, để giải quyết hồ sơ Ukraina cần có hai yếu tố chính. Thứ nhất, đó là tự thân hính phủ Kiev phải xây dựng được một chính quyền ổn định, đủ mạnh, dân chủ và hiệu quả; thứ hai, đó là các nước châu Âu phải có tiếng nói chung và phải làm sao đạt được “mối hợp tác có đi có lại” với Nga.
3. Thế giới có đủ sức để tận diệt Ebola hay không? Dịch bệnh này hiện tại đã làm thiệt mạng hơn 6.000 người và lây nhiễm hơn 16.000 người. Thế nhưng, nỗ lực vừa qua của cộng đồng quốc tế cho thấy con người đã phản ứng không đủ nhanh và thiếu tính tập thể. Dịch bệnh vì thế đã vượt ra khỏi những khu vực truyền thống như rừng núi để lan đến thành thị, đã vượt ra khỏi ranh giới của châu Phi.
Trong khi đó thì các nước có liên quan thiếu phương tiện tài chính, và đặc biệt là chưa đủ “quyết tâm chính trị”. Bởi thế cuộc chiến chống Ebola cần phải được tiến hành một cách đa phương và đồng loạt.
4. Chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Obama là chấp nhận thế cô lập để không phải tham chiến ở nước ngoài; hay là tiếp tục theo đuổi giấc mơ làm “sen đầm thế giới”, tức mang quân đi can thiệp ở những nơi thấy cần thiết. Vấn đề này đặt ra trong bối cảnh Mỹ không thành công ở nhiều mặt trận, chiến lược sử dụng máy bay không người lái không kích các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã thiếu hiệu quả. Trong khi đó thì vấn đề kinh tế và nhiều vấn đề khác trong nước đang làm đau đầu nhà cầm quyền. Chi phí quốc phòng quá lớn sẽ làm đau đầu các ông chủ Nhà Trắng trong tương lai: chi phí quốc phòng của Mỹ chiếm trên 40% toàn thế giới.
5. Liên quan đến Liên minh châu Âu, các chuyên gia tập trung vào khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung euro (eurozone). Tăng trưởng khu vực này vẫn đang ì ạch, tình hình chưa có dấu hiệu lạc quan, lãi suất ngân hàng vẫn cao, nợ công vẫn chồng chất. Trong bối cảnh đó thì chính sách thắt chặt chi tiêu công mà khu vực này đeo đuổi cần được thay thế bằng một chính sách khác để kích thích tăng trưởng. Trong tình hình hiện nay, “sự cẩn thận không phải là e dè mà phải là sự can đảm dám nghĩ dám làm”
6. Khủng hoảng Ukraina và các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, từ kinh tế cho tới quân sự. Đây là mối quan hệ giữa một bên là cường quốc xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu và một bên là một cường quốc có nguồn tài chính dồi dào và khát năng lượng. Có một điều chắc chắn là trong cuộc chơi này, EU bị thua thiệt, các thị trường đã mất ở Nga khó lòng tìm lại được, việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế dĩ nhiên có hại cho các nước phương Tây vốn là đối tác thương mại lớn của Nga.
7. Công cuộc chống tham nhũng tại Trung Quốc cũng nằm trong những vấn đề đáng quan tâm của năm 2015. Các chuyên gia đặt câu hỏi: Không biết cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ đi tới đâu? Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đến nay, chiến dịch diệt “ruồi” và “cọp” của ông đã thu được nhiều kết quả được dư luận đánh giá cao: 56 quan chức thuộc hàng “cọp” và 18.000 quan chức địa phương thuộc hàng “ruồi” đã bị điều tra hoặc truy tố. Thế nhưng, nhiều nhà quan sát cảnh báo: Công cuộc chống tham nhũng này là “một cuộc chiến đầy rủi ro” bởi nó đụng chạm đến nhiều “nhóm lợi ích” và “bất khả xâm phạm”.
8. Hồ sơ nổi cộm cuối cùng liên quan đến lĩnh vực dầu hỏa với việc giá dầu sụt giảm quá mạnh trong thời gian qua. Nạn nhân chính là những nước lệ thuộc vào xuất khẩu dầu và hầu như dự toán ngân sách dựa trên giá dầu như: các nước vùng Vịnh, Iran, Iraq, Venezuela, Nga, Kazakhstan hay Nigeria. Thế nhưng biết đâu “kẻ thua hôm nay có thể là kẻ thắng của ngày mai”?
Mộc Thạch (tổng hợp)
Theo: CAND