Những tay chơi mới đại náo thị trường thực phẩm

“Mối tình tay ba” giữa Hoàng Anh Gia Lai, Vissan và NutiFood trong việc chiếm lĩnh thị trường thịt, sữa bò là một nét chấm phá trong sự phát triển sôi động của thị trường thực phẩm chế biến gần đây.
Hợp tác với “tay chơi mới” Hoàng Anh Gia Lai, Vissan sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiếp cận thị trường bằng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm
Hợp tác với “tay chơi mới” Hoàng Anh Gia Lai, Vissan sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiếp cận thị trường bằng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ súc sản (Vissan) vừa đưa ra thị trường nội địa sản phẩm thịt bò tươi sống, thịt bò viên, giò bò, xúc xích các loại. Đây là kết quả đầu tiên của Dự án hợp tác chăn nuôi, chế biến sản phẩm thịt, sữa bò giữa Hoàng Anh Gia Lai, Vissan và NutiFood. Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai nuôi bò, Vissan bao tiêu toàn bộ thịt và NutiFood mua toàn bộ sữa.

Theo kế hoạch, năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phát triển đàn bò thịt với số lượng 100.000 con, năm 2016 là 200.000 con. Từ năm 2017, doanh nghiệp này sẽ nhập con giống từ Úc về nuôi và cho sinh sản tại Việt Nam.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, với những con bò được Hoàng Anh Gia Lai cung cấp, Vissan sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường bằng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với việc ra mắt dòng sản phẩm mới thịt bò tơ Úc tươi sống, Vissan sẽ tung ra thị trường các sản phẩm mới chế biến từ thịt bò Úc thông qua các kênh phân phối của các hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan, Satrafoods, SATRA Mart, Co.opMart, Maximark và Vinatex…

Trước đó, Vissan đã đầu tư 3.150 tỷ đồng vào cụm công nghiệp chế biến thực phẩm khép kín từ khâu giết mổ, pha lóc thịt đến chế biến cùng các nhà máy phụ trợ (đóng gói, chế biến gia vị...). Còn NutiFood cũng xây dựng nhà máy chế biến sữa nước trị giá 5.000 tỷ đồng từ nguồn sữa nguyên liệu từ việc hợp tác này.

“Mối tình tay ba” giữa Hoàng Anh Gia Lai, Vissan và NutiFood trong việc chiếm lĩnh thị trường thịt, sữa bò là một nét chấm phá trong sự phát triển sôi động của thị trường thực phẩm chế biến gần đây. Các doanh nghiệp đang nhận ra tiềm năng lớn cũng như mức lợi nhuận vô cùng hấp dẫn của thị trường này. Nếu như trước đây, nói đến thực phẩm chế biến, người ta thường nhắc đến Masan, Vissan, Vinamilk, Kinh Đô, Hapro…, thì nay, nhiều “tay chơi” mới đang chia sẻ “miếng bánh” béo bở này.

Gần đây nhất, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố đầu tư 2.000 tỷ đồng để gia nhập thị trường thực phẩm chế biến với thương hiệu VinEco. VinEco tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến hàng đầu trên thế giới để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sứ mệnh mà VinEco đưa ra là cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe của người dân Việt và các thế hệ tương lai, tiến tới việc đưa một số nông sản thế mạnh Việt Nam ra thế giới.

Còn Tập đoàn Sao Mai An Giang, sau thời gian dài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, xuất khẩu thủy sản, mới đây đã lấn sân sang lĩnh vực chế biến thực phẩm khi đưa ra thị trường sản phẩm dầu cá Ranee. Đây là sản phẩm chiết xuất từ mỡ cá tra, cá basa sau fillet. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Sao Mai An Giang cho biết, đây là hướng đi vô cùng khả quan khi hàng ngàn tấn phụ phẩm cá tra, cá basa fillet chỉ được dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất dầu bio - diesel với mức lợi nhuận vô cùng thấp.

“Trên thị trường thực phẩm, cạnh tranh trong phân khúc dầu thực vật rất gay gắt, dầu cá viên uống con nhộng cũng đã có nhiều nhà sản xuất. Nhưng dầu cá đem vào bếp ăn mà vẫn giữ được trọn vẹn các dưỡng chất tự nhiên thì Sao Mai An Giang là đơn vị đầu tiên trên thế giới làm được”, ông Thuấn nói.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cũng hé lộ kế hoạch chăn nuôi 1 triệu đầu lợn, với mục tiêu dài hạn là trang trại.

Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước vào lĩnh vực thực phẩm chế biến, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng không bỏ lỡ cơ hội. Cuối năm 2014, Mavin - thương hiệu thực phẩm chế biến có xuất xứ từ Australia - đã tấn công thị trường Việt Nam với việc thành lập Công ty liên doanh Thực phẩm Mavin chuyên sản xuất các sản phẩm được chế biến từ thịt như giăm bông, xúc xích, thịt xông khói…

Mô hình sản xuất khép kín của Mavin dựa trên sự kết hợp của 3 đơn vị: Tập đoàn Austfeed Việt Nam - cung cấp heo giống; Công ty cổ phần Dược thú y Cai Lậy - Mekovet và Công ty Mavin. Trước Mavin, CP, Cargill là những doanh nghiệp FDI gây được ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm Việt Nam.

Sự hiện diện của nhiều tên tuổi mới có thể khiến sức ảnh hưởng của từng doanh nghiệp giảm đi, đặc biệt là những thương hiệu cũ, nhưng trên bình diện chung của thị trường, đó là tin vui cho người tiêu dùng khi việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng ngày càng đa dạng và dễ dàng hơn.

Theo Đầu tư