|
Bầu nhân sự cấp cao
Sau hơn 6 ngày làm việc (từ 12-19/2), kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV đã xem xét, thông qua nhiều quyết sách quan trọng, hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Về công tác nhân sự, Quốc hội đã bầu ông Vũ Hồng Thanh và ông Lê Minh Hoan làm Phó Chủ tịch Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
Quốc hội bầu bổ sung 6 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phê chuẩn bổ nhiệm 4 bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung.
Thông qua 4 luật
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét thông qua 4 luật, gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Nhiều nghị quyết quan trọng
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về Xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; 4 Nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Quốc hội cũng thông qua nhiều quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội. Đáng chú ý nhất là Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Nghị quyết này đề ra 5 nhóm giải pháp chính: Hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng chiến lược, sử dụng hiệu quả đầu tư công; Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết nhanh thủ tục và vướng mắc, khuyến khích đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; Đẩy mạnh và làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới và phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết cho phép cấp kinh phí theo cơ chế quỹ, khoán chi trong nghiên cứu khoa học, trao quyền sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sử dụng ngân sách Trung ương triển khai nền tảng số dùng chung và hỗ trợ xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn.
Một quyết định quan trọng khác là phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 203.231 tỷ đồng (hơn 8,3 tỷ USD), Dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp đường sắt, tạo việc làm, giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, nhằm giải quyết điểm nghẽn về thể chế và hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị, đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng.
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nghị quyết cho phép triển khai đồng thời đàm phán với đối tác và phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật do đối tác đề xuất và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề liên quan đến định mức đơn giá.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 2 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sáng 19/2, phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Với việc thông qua nhiều luật và nghị quyết, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Việc này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Đối với công tác lập pháp, theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều đại biểu đã ghi nhận: các dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước.
“Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông cũng thừa nhận: Còn nhiều vấn đề cụ thể của thực tiễn rất khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hiến định, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thông suốt, khả thi, hiệu quả, đạt được những mục tiêu đã đề ra.
“Những băn khoăn, lo ngại của các vị đại biểu Quốc hội là có cơ sở, cần hết sức lưu ý trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và công tác giám sát sau khi các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành, đảm bảo thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.