Những phụ kiện “đốt tiền" vô ích khi mua xe mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

Khi mua xe mới, nhiều người sẵn sàng bỏ thêm nhiều tiền để lắp phụ kiện theo lời mời chào, nhưng không phải món nào cũng thực sự hữu ích.

Không ít người khi mua xe mới thường được nhân viên bán hàng hoặc các gara tư vấn lắp thêm hàng loạt phụ kiện với lời hứa hẹn về sự tiện lợi, sang trọng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn kỹ thuật và sử dụng thực tế, nhiều món đồ lại không cần thiết, thậm chí còn gây phiền toái về sau.

Dưới đây là những món phụ kiện mà người mua xe nên cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền.

1. Ốp crom: Bóng bẩy nhưng vô dụng

Nhiều người biết khi nhận xe mới đã lắp ốp crom ở tay nắm cửa, viền đèn, nắp xăng… để tăng độ “sáng bóng” cho xe. Tuy nhiên, hầu hết các loại ốp này đều là hàng dán keo 2 mặt, dễ bong tróc, xỉn màu theo thời tiết và nắng mưa.

op-tay-cua-toyota-innova.jpeg

Thậm chí, nếu không gắn đúng kỹ thuật, chúng có thể làm trầy lớp sơn zin khi tháo ra. Về lâu dài, lớp ốp này không mang lại giá trị sử dụng mà chỉ khiến xe trông lòe loẹt, thiếu thẩm mỹ.

2. Ốp bọc da vô-lăng, cần số giá rẻ: Mất cảm giác lái

Gắn thêm ốp bọc da vô-lăng hoặc cần số bằng những sản phẩm rẻ tiền có thể gây mất độ bám tay, trơn trượt, đặc biệt là vào mùa nóng hoặc với tài xế có tay ra nhiều mồ hôi.

tấm ốp vô lăng.png

Với xe đời mới, các hãng đã thiết kế bề mặt vô-lăng tối ưu về cảm giác cầm nắm. Việc lắp thêm phụ kiện ốp bọc không những không cần thiết mà còn ảnh hưởng đến cảm giác điều khiển – một trong những yếu tố an toàn quan trọng.

3. Dây đèn LED gầm, đèn “xi-nhan nháy kiểu Audi”

Dây đèn LED gắn gầm hoặc đèn chạy ban ngày dạng “trang trí” thường chỉ mang tính thẩm mỹ, không có công năng về chiếu sáng hay an toàn.

74C72F97-C8A9-401F-B463-646043890D41.jpeg

Với các loại đèn “xi-nhan chảy nước” không chính hãng, lắp đặt sai kỹ thuật còn dễ gây chập điện, ảnh hưởng hệ thống điện. Chưa kể việc này còn có thể vi phạm quy định đăng kiểm nếu cường độ sáng vượt mức cho phép.

4. Màn hình android giá rẻ, cảm biến không rõ nguồn gốc

Một số người chọn thay màn hình nguyên bản bằng màn hình Android kích thước lớn, giá rẻ để có thêm kết nối YouTube, bản đồ… Tuy nhiên, nếu lắp đặt bởi cơ sở không uy tín, có thể dẫn đến lỗi hệ thống điện, ảnh hưởng camera lùi, điều hòa, thậm chí mất bảo hành từ hãng.

màn hình android.jpg
Một màn hình android giá rẻ lắp trên ô tô. Ảnh: Đình Quý

Tương tự, các bộ cảm biến lùi/áp suất lốp không rõ nguồn gốc có thể đưa thông số sai lệch, khiến người dùng mất niềm tin vào thiết bị hỗ trợ an toàn.

5. Dán film cách nhiệt siêu rẻ: Tiền mất, hiệu quả không có

Film cách nhiệt giá rẻ thường chỉ dán cho có hình thức, không có khả năng cản tia UV hay giảm nhiệt. Thậm chí, một số loại film dỏm còn khiến tầm nhìn mờ nhòe khi đi đêm hoặc khi trời mưa, bong tróc, phồng rộp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

IMG_3435-600x337.jpeg
Phim cách nhiệt không đảm bảo chất lượng bị phồng rộp, bong tróc theo thời gian, thời tiết.

Trong khi đó, một loại film chất lượng cao tuy đắt hơn, nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt về chống nóng, bảo vệ nội thất và tăng tuổi thọ xe.

6. Bọc ghế da rẻ tiền: Xuống cấp nhanh, ảnh hưởng nội thất gốc

Bọc lại ghế da là xu hướng phổ biến, nhưng không ít người chọn loại da công nghiệp rẻ tiền. Loại này thường nhanh bong, rạn nứt, có mùi khó chịu, thậm chí phai màu khi tiếp xúc với nắng.

3-13.jpeg
Bọc da cho nội thất ghế ngoài thẩm mỹ cần lưu ý chất liệu bọc. Ảnh minh họa.

Nếu tháo lắp không đúng kỹ thuật, còn có thể làm hỏng lớp nỉ nguyên bản bên dưới – điều này khiến xe mất giá nhanh nếu cần bán lại.

7. Máy lọc không khí/ion mini gắn cổng USB: Công dụng chưa rõ ràng

Nhiều người được tư vấn mua máy lọc không khí mini dạng gắn đầu USB, giá vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, hiệu quả lọc bụi, khử mùi của các thiết bị nhỏ này gần như không đáng kể trong khoang xe.

9fef172f88e53abb63f4.jpg
Một thiết bị lọc không khí mini để trên xe ô tô. Ảnh: Đình Quý.

Thay vào đó, vệ sinh điều hòa định kỳ và sử dụng nước hoa chất lượng là lựa chọn hợp lý hơn.

8. Dán viền chống trầy cửa xe: Hiệu quả thấp, dễ xấu xe

Loại viền cao su hoặc dải dán chống trầy mép cửa thường dán vào rìa cửa để tránh va đập. Tuy nhiên, với hầu hết xe hiện nay, viền cửa đã được xử lý sẵn bằng gioăng cao su. Việc dán thêm không cần thiết, dễ bong, ố màu và làm xe trông cũ kỹ hơn. Thậm chí còn là chỗ gây đọng nước mưa, dễ han rỉ vỏ xe.

0de0b0a5528aa3a5e54bdaef45f3820f.jpeg

9. Nắp bình xăng trang trí kiểu thể thao

Nhiều gara mời chào nắp xăng kiểu thể thao với logo AMG, TRD, M-Sport… hoặc gắn thêm tấm ốp mạ crom bảo vệ.

NẮP-BÌNH-XĂNG--650x433.jpeg

Dù chỉ là chi tiết nhỏ nhưng sự “lệch tông” này làm mất đi tính đồng bộ thiết kế xe. Ngoài ra, việc khoan vít để cố định có thể gây han gỉ ở nắp bình xăng về sau.

10. Chống ồn dán tràn lan – không hiệu quả nếu làm sai cách

Gói chống ồn toàn xe có thể tiêu tốn hàng chục triệu đồng, nhưng nếu sử dụng vật liệu không đạt chuẩn hoặc kỹ thuật không đúng (chỉ dán phần tôn, không xử lý hốc bánh, không kín khe) thì hiệu quả cách âm không rõ rệt. Trong một số trường hợp, còn làm xe nặng thêm và ảnh hưởng tiêu thụ nhiên liệu.

Ảnh chụp Màn hình 2025-05-04 lúc 6.42.21 CH.png
Sàn xe bị mục, rỉ sắt vì dán tấm chống ồn chất lượng kém.

Bên cạnh đó, một số loại tấm dán dùng keo chất lượng kém, dễ gây tác dụng ngược han rỉ cho bề mặt dán keo. Khi khắc phục sẽ tốn kém, thậm chí mất thẩm mỹ.

Khi mua xe mới, bạn nên cân nhắc kỹ các phụ kiện được mời chào. Không phải món nào trang bị thêm cũng đồng nghĩa với tốt hơn. Đôi khi, giữ nguyên bản xe theo thiết kế hãng và chỉ bổ sung những tiện ích thiết yếu như camera hành trình chất lượng, film cách nhiệt cao cấp, thảm sàn dễ vệ sinh… sẽ là cách tiêu tiền thông minh hơn sắm nhiều đồ.