Những ngân hàng Việt “sống” trong im lặng

Có nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đang “sống”, nhưng nhiều năm nay thị trường không có bất kỳ thông tin nào về kết quả kinh doanh, lợi nhuận, cổ tức… của họ.
Những ngân hàng Việt “sống” trong im lặng

Sau khi làn sóng hợp nhất, sáp nhập được khởi động từ cuối năm 2011 với việc hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn (thành ngân hàng TMCP Sài Gòn), nhiều người cho rằng thị trường sẽ chứng kiến một làn sóng sáp nhập "rầm rộ" của các ngân hàng nhỏ.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nhỏ như VietBank, BaoVietBank, VietABank, GPBank, OceanBank, MDBank, PGBank… vẫn tỏ ra thờ ơ và đứng ngoài "cuộc chơi". Thông tin về những ngân hàng này trên thị trường cũng trở nên lặng lẽ hơn.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (VietBank) được thành lập vào tháng 12/2006, bao gồm các cổ đông là Ngân hàng Á Châu (ACB), Công ty Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm, Công ty TNHH Xây Dựng Thương Mại Diệu Hiền.

Tại VietBank, ACB giữ tư cách là cổ đông sáng lập nhưng không công bố cụ thể khoản đầu tư tại ngân hàng này là bao nhiêu. Tuy nhiên, 2/8 thành viên HĐQT của VietBank lại có sự liên hệ đến ACB gồm bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và ông Trương Hùng.

Tại ACB, bà Lan đang giữ chức vụ Phó Ban Kiểm toán nội bộ còn ông Trương Hùng là Giám đốc Chi nhánh Phú Lâm (Quận 6).

Ngoài ra, đại gia thuỷ sản Diệu Hiền đình đám trên báo chí thời gian qua cũng có mối quan hệ cùng VietBank thông qua Công ty TNHH XD TM Diệu Hiền, đơn vị đồng sáng lập VietBank. 

Mặc dù vẫn tồn tại, nhưng từ năm 2012 đến nay, thị trường không có bất kỳ thông tin nào về hoạt động của ngân hàng này như lợi nhuận, cổ tức, kết quả kinh doanh. Theo BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2012,  Vietbank đạt lợi nhuận sau thuế 16.8 tỷ đồng trong năm 2012, lao dốc mạnh so với con số 364 tỷ đồng của năm 2011, tăng trưởng cho vay âm 14%.

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) được thành lập từ năm 2008 với cổ đông chi phối là Tập đoàn Bảo Việt.

Năm 2013 lợi nhuận sau thuế của BaoVietBank đạt 105 tỷ đồng, bằng 146% kế hoạch năm và tăng trưởng 15,2% so với năm 2012. Tính đến ngày 31/12/2013, tổng tài sản của BaoVietBank đạt 16.856 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.

Tuy nhiên, từ quý III/2014, khi Tập đoàn Bảo Việt thông báo BaoVietBank không còn là công ty con của tập đoàn và chỉ còn là công ty liên kết thì thông tin về hoạt động của ngân hàng này như lợi nhuận, tổng tài sản, cổ tức cũng biến mất.

Theo Tập đoàn Bảo Việt, tuân thủ lộ trình đã đặt ra trong đề án thành lập BaoVietBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn này sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này để tuân thủ theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng 2010. Theo đó, tính đến tháng 9/2014, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Bảo Việt tại ngân hàng giảm từ 52% xuống 49,52% và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi BaovietBank tăng vốn theo lộ trình.

Tính tới ngày 24/9/2014, BaovietBank đã hoàn thành việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ đợt 1 từ 3.000 tỷ lên 3.150 tỷ đồng. Thông tin về việc ai đã mua số cổ phiếu phát hành thêm này cũng cũng không được công bố. Theo công bố của tập đoàn Bảo Việt, hiện tập đoàn đang đầu tư 1.560 tỷ đồng ở BaovietBank.

Trước làn sóng hợp nhất, sáp nhập, năm 2012 thị trường cũng có thông tin về việc BaoVietBank sẽ sáp nhập nhưng lãnh đạo này đã lên tiếng phủ nhận thông tin này. Tháng 6/2014 ngân hàng này được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.200 tỷ đồng song đến nay vẫn chưa thực hiện thành công. Và đến nay tuy vẫn tồn tại nhưng thông tin về hoạt động của ngân hàng này cũng trở nên lặng lẽ.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ra đời từ năm 2003 trên cơ sở hợp nhất Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng. Ngày mới thành lập, VietABank có vốn điều lệ hơn 76 tỷ đồng, cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất là Ban Tài chính Thành ủy TP.HCM với tỷ lệ 29,8%. Trước hợp nhất, Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn có quan hệ sở hữu với 6 đơn vị, đặc biệt trong đó có ACB và Ngân hàng Nông thôn Đà Nẵng.

Tính đến thời điểm hiện tại, VietABank có vốn điều lệ là 3.100 tỷ đồng và cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương do ông Phương Hữu Việt là chủ tịch HĐQT. Ông Việt cũng là chủ tịch HĐQT của VietABank.

Ông Việt đầu tư vào VietABank từ tháng 8/2011 với tỷ lệ sở hữu gồm cả cá nhân và đại diện cho cổ đông sở hữu là 17,36% cổ phần của VietABank và tham gia vào HĐQT của ngân hàng này. Từ tháng 8/2011 đến nay, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT VietABank.

Tuy nhiên, ngay sau khi trở thành cổ đông lớn, VietABank đã dính vào vụ “lùm xùm” liên quan đến việc nhóm cổ đông của ông Phương Hữu Việt đã đem cầm cố và chuyển nhượng cổ phần VietABank cho nhiều TCTD mặc dù chưa hoàn thành quá trình mua bán cổ phần với VietABank.

Ngay sau đó, ba ngân hàng là OceanBank, MaritimeBank, GPBank đã lần lượt gửi văn bản về Ngân hàng đề nghị phong toả số cổ phần do Tập đoàn Việt Phương và ông Việt nắm giữ.

Cùng với vụ “lùm xùm” đó là sự đi xuống trong kết quả hoạt động kinh doanh rồi. Cụ thể, năm 2012, lợi nhuận trước thuế của VietABank là 211 tỷ đồng, năm 2013 giảm mạnh xuống còn hơn 76 tỷ đồng.

Vào giữa năm 2014, VietABank tái cấu trúc ngân hàng bằng cuộc cải tổ toàn diện với việc chuyển trụ sở ra Hà Nội và dự kiến thay đổi cả thương hiệu nhận diện. Tuy nhiên cho đến nay, thị trường không có thêm thông tin nào liên quan đến hoạt động của ngân hàng này.

Báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2014 cho biết, hoạt động huy động vốn của VietABank tăng trưởng âm 17,6%. Trong bối cảnh đó, việc tăng vốn điều lệ để bổ sung nguồn vốn mới cho ngân hàng là bắt buộc, đặc biệt đối với những ngân hàng có nhu cầu tái cấu trúc.

Năm 2014, VietABank đặt kỳ vọng sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng (từ mức 3.100 tỷ), nhưng không thành công. Trước đó, mục tiêu tăng lên mức 3.500 trong năm 2013 cũng không đạt được, trong khi lộ trình tăng vốn của VietABank là đến năm 2015 phải tăng lên mức 5.000 tỉ đồng, theo Nghị quyết của Đại hội cổ đông vừa qua.

Năm 2015 cũng là năm cuối cùng mà VietABank đặt ra mục tiêu phải hoàn thành việc tái cơ cấu theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Một phương án khác có thể là hợp nhất hay sáp nhập với ngân hàng khác, theo Nghị quyết của Đại hội cổ đông. Nếu VietABank tiếp tục gặp khó, đây có lẽ là kết cục của ngân hàng này.

Ngân hàng TMCP Dầu khí (GP Bank) được thành lập từ năm 1993 với tên gọi tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Đến năm 2007, cùng với làn sóng chuyển đổi lên ngân hàng thành thị, ngân hàng được đổi tên thành GPBank với tốc độ tăng vốn điều lệ chóng mặt.

Năm 2005, GPBank có vốn điều lệ là 135 tỷ đồng. Đến năm 2007, đổi tên thành GP Bank với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Năm 2009, tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và năm 2010 tăng lên 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên cũng từ đó đến nay, thông tin về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận, tổng tài sản, cổ tức của ngân hàng này đã biến mất. Đến cuối năm 2011, khi Ngân hàng Nhà nước siết lại hoạt động ngân hàng, GPBank thuộc diện ngân hàng phải tái cấu trúc toàn diện dưới sự giám sát của cơ quan này. Ngay sau đó, ngân hàng này đã thu hút sự chú ý của thị trường khi có thông tin bán cho đối tác nước ngoài 100% cổ phần, đó là ngân hàng UOB (ngân hàng của Singapore).

Tuy nhiên, cổ đông nước ngoài cũng chẳng thấy mà thông tin về ngân hàng này cũng "chìm lặn" luôn. Đầu năm 2015, thị trường lại xuất hiện tin đồn về việc GP Bank sẽ bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng nếu như không có phương án khắc phục tình trạng âm vốn.

Mới đây, đại diện ngân hàng này cho biết đang đàm phán để bán cổ phần cho một đối tác trong nước. Hiện chưa rõ kết cục của ngân hàng này thế nào khi sắp đến hạn mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho quá trình tái cấu trúc là tháng 6 năm nay.

Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) được thành lập năm 1993 với tên gọi tiền thân là Ngân hàng TMCP nông thôn Hải Hưng. Năm 2007, cùng với làn sóng chuyển đổi lên ngân hàng thành thị, tên OceanBank cũng xuất hiện trên thị trường từ đó. Năm 2011, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng và ổn định cho đến nay.

OceanBank bắt đầu rơi vào khủng hoảng khi lần lượt lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này bị vướng vào vòng lao lý. Đầu tiên là sai phạm về cho vay của nguyên chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm và ông Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó tổng giám đốc. Sau một thời gian, bà Nguyễn Minh Thu, người kế nhiệm ông Thắm làm chủ tịch HĐQT cũng vướng vào vòng lao lý. Cũng từ đó, thông tin về hoạt động của ngân hàng này cũng rơi vào im lặng.

Mới đây, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết sẽ mua lại 0 đồng với OceanBank nếu ngân hàng này không có phương án khắc phục tình trạng âm vốn.

Tuy nhiên, số phận của OceanBank thế nào sẽ có câu trả lời vào tháng 6/2015 khi Ngân hàng Nhà nước chốt lại những phương án tái cơ cấu.

Ngoài ra, một số ngân hàng vẫn đang “sống” trong im lặng một thời gian khá dài, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có phương án tái cơ cấu cho họ. Cụ thể, một số ngân hàng đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc từ năm 2014 như Southernbank sáp nhập vào Sacombank, MDBank sáp nhập vào MaritimeBank. Đầu năm 2015, lại có thêm thông tin về một đợt sáp nhập ngân hàng khác như SaigonBank và Vietcombank, PGBank và VietinBank, MHB và BIDV.

Theo: BizLive