Những mối liên hệ thú vị đằng sau thương vụ trái phiếu 450 tỷ đồng mà EVNFC vừa mua

VietTimes -- Đơn vị phát hành trái phiếu - CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng - ít nhiều có mối liên hệ với trái chủ EVNFC, đại lý phát hành và một số công ty khác... 
Ảnh chụp trang chủ EVNFC
Ảnh chụp trang chủ EVNFC

CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng (AFG Đà Nẵng) vừa công bố thông tin về việc phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 5 năm.

Bản công bố thông tin cho biết, mức lãi suất áp dụng cho năm thứ nhất của lô trái phiếu này là 9%/năm. Kể từ năm thứ hai, lãi suất sẽ được thả nổi và tính bằng bình quân lãi suất tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng trả sau của “nhóm” 4 ngân hàng (Viecombank, BIDV, VietinBank và Agribank) cộng với biên độ 3%/năm.

Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực (EVNFC) chính là nhà đầu tư duy nhất mua toàn bộ trái phiếu của AFG Đà Nẵng. CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) làm đại lý phát hành.

Để đảm bảo cho đợt phát hành này, AFG Đà Nẵng đã sử dụng các tài sản và quyền tài sản được hình thành theo “Hợp đồng hợp tác đầu tư số ký giữa CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng và chủ đầu tư dự án là CTCP Phương Mai”. Chi tiết nội dung của hợp đồng này không được tiết lộ.

Mối liên hệ giữa AFG Đà Nẵng và CTCP Phương Mai

Theo tìm hiểu của VietTimes, AFG Đà Nẵng là công ty có tuổi đời khá trẻ khi được thành lập vào tháng 9/2017, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Tầng 5 - tòa nhà Lighthouse, 1254 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường Hòa Cường Nam, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.

So với số tiền huy động được, AFG Đà Nẵng có quy mô vốn điều lệ khá khiêm tốn, ở mức 50 tỷ đồng. Trong đó, sở hữu 51% cổ phần là CTCP Amino Finance Group (Amino Finance Group), tiếp đến là CTCP Amber Capital và CTCP Lemanh Brothers với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 36% và 13% vốn điều lệ.  

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của AFG Đà Nẵng là ông Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1983) có địa chỉ thường trú tại Hà Nội. Ông Kiên cũng là người đại diện của Amino Finance Group và một công ty khác là Công ty TNHH I Capital.

Trong khi đó, đối tác ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với AFG Đà Nẵng - CTCP Phương Mai (Phương Mai) - được thành lập từ năm 2002, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại 137 Trần Quý Cáp, Phường Phương Sài, Tp. Nha Trang, Khánh Hòa.

Phương Mai có Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Trung Kiên (sinh năm 1980). Tương tự vị CEO của đối tác, ông Phạm Trung Kiên cũng có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Không dừng lại ở đó, mối liên hệ giữa 2 vị CEO thế hệ 8x và cùng tên Kiên còn thể hiện ở một công ty khác.

Được biết, ông Phạm Trung Kiên còn là người đại diện theo pháp luật của CTCP Ampire, CTCP Tư vấn và Đầu tư TC An Bình, CTCP AFG Nha Trang (AFG Nha Trang).

Trong đó, tính tới tháng 9/2017, AFG Nha Trang cũng có cùng quy mô vốn và cơ cấu sở hữu tương tự AFG Đà Nẵng.

Nhưng thay vì đăng ký hoạt động kinh doanh chính là tư vấn đầu tư như “phiên bản” Đà Nẵng, AFG Nha Trang có ngành nghề chính là Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

EVNFC là trái chủ duy nhất sở hữu 450 tỷ đồng trái phiếu của AFG Đà Nẵng
EVNFC là trái chủ duy nhất sở hữu 450 tỷ đồng trái phiếu của AFG Đà Nẵng

Mối liên hệ giữa AFG Đà Nẵng và EVNFC

Để làm rõ hơn sự kết nối giữa AFG Đà Nẵng và EVNFC trong thương vụ phát hành trái phiếu kể trên, cần phải tìm hiểu về một mối quan hệ khác, cụ thể là giữa Amino Finance Group và EVNFC.

Amino Finance Group được thành lập vào tháng 12/2009, ban đầu có tên là Công ty TNHH Đầu tư Amino. Vào năm 2016, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Amino Finance Group.

Giữ cương vị Chủ tịch và người đại diện trong nhiều năm là ông Nguyễn Hoàng Hải (sinh năm 1978). Vào tháng 3/2018, ông Nguyễn Trung Kiên đã thay thế ông Hải để trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty, giữ vai trò Giám đốc. Động thái này có thể đến từ việc Công ty TNHH I Capital - nơi ông Kiên đang đóng vai trò là người đại diện - chính là chủ sở hữu của Amino Finance Group.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, EVNFC đã tham gia một số giao dịch đáng chú ý với Amino Finance Group.

Theo đó, Amino Finance Group đã thực hiện thế chấp 12 triệu cổ phần CTCP Helio Power thuộc sở hữu của công ty này tại EVNFC. Được biết, CTCP Helio Power là chủ đầu tư (hợp tác với CTCP Đầu tư Helios) của dự án Điện mặt trời Mũi Né và cũng có nhiều giao dịch tài chính với EVNFC.

Trong một thương vụ khác, vào tháng 8/2018, Amino Finance Group đã thực hiện thế chấp tại EVNFC tài sản đảm bảo là toàn bộ nguồn thu, các khoản tiền được phân chia phát sinh từ Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/2018/HĐHTĐT/AMINO-HHC giữa công ty này và CTCP Bánh kẹo Hải Hà (Haihaco - Mã CK: HHC).

Hình bóng nữ doanh nhân Mai “Mesa”

Sau một thời kỳ biến động cơ cấu cổ đông liên tục tại Haihaco, mối liên hệ giữa công ty này và Amino Finance Group ngày càng được thể hiện rõ.

Trong số 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2022 được bầu ra sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường ngày 13/2/2018 của HHC, có tới 3 thành viên là những nhân sự cấp cao của Amino Finance Group.

Cụ thể, bà Bùi Thị Thanh Hương (Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HHC) là Giám đốc kinh doanh; bà Nguyễn Thị Lan (Thành viên HĐQT HHC) là Kế toán trưởng; bà Vũ Thị Thúy (Thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng HHC) cũng là một lãnh đạo cấp cao của Amino Finance Group.

Ở một diễn biến khác, ngày 23/4/2018, HHC đã ký hợp đồng dịch vụ chứng khoán số 01/2018 với CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) - đại lý phát hành lô trái phiếu của AFG Đà Nẵng. Đồng thời, VFS cũng được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xác định là “người có liên quan” tới 2 Thành viên HĐQT của HHC là ông Lê Mạnh Linh và ông Trần Anh Thắng.  

Hợp đồng ký kết dù có giá trị giao dịch là 140 tỷ đồng, chiếm tới 30,9% tổng tài sản HHC (tại kỳ báo cáo tài chính kết thúc ngày 31/3/2018), lại diễn ra khi chưa được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ cũng như HĐQT. Vì nguyên nhân này, tháng 4/2019, UBCKNN đã quyết định xử phạt hành chính HHC số tiền 70 triệu đồng.

Như VietTimes đã từng đề cập, nhiều Thành viên HĐQT HHC ít nhiều đều có mối liên hệ với bà Lưu Thị Tuyết Mai (hay còn được biết tới với tên gọi là bà Mai “Mesa”). Vị nữ doanh nhân này cũng tham gia HĐQT HHC kể từ ngày 13/2/2018.

Chân dung nữ doanh nhân Lưu Thị Tuyết Mai (Ảnh: Forbes Việt Nam)
Chân dung nữ doanh nhân Lưu Thị Tuyết Mai (Ảnh: Forbes Việt Nam)

Tới ngày 18/4/2019, bà Lưu Thị Tuyết Mai bất ngờ có đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT HHC. Trong đơn, bà Mai cho biết không thể sắp xếp được thời gian để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT HHC “do một số công việc cá nhân”.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2019 của HHC diễn ra vào ngày 29/4/2019, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm vai trò Thành viên HĐQT đối với bà Lưu Thị Tuyết Mai, bà Nguyễn Thị Lan, ông Trần Anh Thắng, và bà Doãn Hồ Lan - Trưởng Ban Kiểm soát.

Còn đối với trường hợp của EVNFC, bà Lưu Thị Tuyết Mai cùng với “nhóm” cổ đông khác từng được biết đã sở hữu tổng cộng tới 26,45 triệu cổ phần, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 10,58%. Đây là một tỷ lệ sở hữu đáng chú ý tại công ty có cơ cấu sở hữu “rất loãng” như EVNFC.

Cần nhắc lại một chi tiết cũ mà VietTimes đã đề cập, rằng trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của EVNFC, đã có một nhóm cổ đông làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu hoãn tổ chức Đại hội để làm rõ một số vấn đề, trong đó có có cả việc đề cử 2 ứng viên vào HĐQT khóa 2018 – 2023, là ông Hoàng Văn Ninh (đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 12,71% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Hoàng Hải (diện diện cho nhóm cổ đông chiến 14,66% vốn điều lệ).

Nhóm này cũng đặt vấn đề về một số khoản cho vay và giải ngân của EVNFC với một nhóm các công ty mà họ gọi là “sân sau”, trong đó có cả những công ty thuộc nhóm của bà Lưu Thị Tuyết Mai./.