Những doanh nghiệp đã cứu nền kinh tế Mỹ khỏi lạm phát, suy thoái, mất việc làm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từ các công ty khoan dầu đến các nhà sản xuất chip, các doanh nghiệp này đều phản ứng trước tình trạng giá tăng vọt bằng cách tăng nguồn cung, giúp giảm lạm phát mà không xảy ra suy thoái kinh tế.

Những doanh nghiệp đã cứu nền kinh tế Mỹ khỏi lạm phát, suy thoái, mất việc làm

Nền kinh tế Mỹ đã khiến hầu hết mọi người ngạc nhiên vào năm ngoái. Thứ nhất, lạm phát giảm nhiều hơn dự kiến. Một thước đo được theo dõi chặt chẽ vào tuần tới có thể sẽ cho thấy lạm phát sẽ ở mức khoảng 3% vào cuối năm 2023 – thấp hơn 2 điểm phần trăm so với một năm trước đó.

Thứ hai, Mỹ không chỉ tránh được suy thoái mà còn tăng trưởng ấn tượng 2,6%, theo khảo sát các nhà kinh tế học mới nhất của tờ Wall Street Journal. Con số này tốt hơn nhiều so với mức 0,5% mà họ đã dự đoán vào tháng 4 năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,7% thay vì đạt mức cao nhất là 4% như các nhà kinh tế dự đoán.

Tăng trưởng nhanh và tỷ lệ thất nghiệp thấp thường không đi đôi với lạm phát giảm. Nhưng lần này, điều đó thực sự xảy ra bởi kể từ khi đại dịch bùng phát, lạm phát và đà tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong nguồn cung hàng hóa và dịch vụ hơn là do tác động của nhu cầu - tức chi tiêu của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Nhu cầu nhiều hơn có xu hướng thúc đẩy tăng trưởng và giá cả tăng lên. Nguồn cung tăng có xu hướng thúc đẩy tăng trưởng nhưng giá lại giảm.

“Chu kỳ này rất khác biệt”, Jan Hatzius, Kinh tế trưởng tại Goldman Sachs cho biết.

Từ năm 2020 đến năm 2022, các doanh nghiệp Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu do nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch và được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích của chính phủ. Họ thiếu các thiết bị, lao động, khả năng giao vận và đất đai. Kết quả là giá cả tăng vọt.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không ngồi yên khi có cơ hội kiếm lời từ giá cao và nhu cầu không được đáp ứng. Bởi vậy, họ tăng sản lượng bằng mọi cách có thể - huy động vốn, tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực.

Mặc dù lãi suất cao, trình độ nhân công cao hơn và nhu cầu giảm bớt đã làm giảm tính cấp thiết của việc tăng sản xuất. Các cuộc tấn công của phiến quân được Iran hậu thuẫn nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hóa ở Biển Đỏ và việc một số máy bay Boeing bị cấm bay gần là cho thấy rằng chuỗi cung ứng vẫn dễ bị tổn thương. Một số nhà kinh tế học vẫn dự báo về một cuộc suy thoái. Mặc dù giá cả đang tăng chậm hơn nhưng nhiều người vẫn khó chịu vì phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ nếu so với 3 năm trước.

Sự phục hồi đáng chú ý về nguồn cung đã giải thích lý do tại sao trong năm 2023 giá cả tăng chậm hơn, bất chấp nhu cầu tăng nhanh.

2-6637.png
Một sự kiện tuyển dụng của Southwest Airlines tại Coors Field, Denver (Ảnh: WSJ)

Hàng không

Theo Cục Thống kê Lao động, các hãng hàng không Mỹ đã vận chuyển nhiều hành khách hơn 13% trong 10 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước đó, tuy nhiên giá vé máy bay cho cả năm lại thấp hơn 5%. Điều này một phần là do nhiên liệu máy bay rẻ hơn, ngoài ra là do công suất vận chuyển trong nước tăng nhanh hơn lượng hành khách, dẫn đến số lượng máy bay ít hơn. Trên toàn quốc, các hãng hàng không đã cung cấp thêm 91% số ghế ngồi vào tháng 10 năm ngoái so với tháng 1/2021 và nhiều hơn 11% so với trước đại dịch.

Khi ngành du lịch khủng hoảng vào năm 2020, các hãng hàng không đã hủy bỏ nhiều tuyến bay, ngừng hoạt động nhiều máy bay và khuyến khích nhân viên nghỉ hưu. Sau thời điểm lệnh phong tỏa kết thúc, làn sóng du lịch “trả đũa” gia tăng khiến các hãng hàng không không có sự chuẩn bị. Vấn đề chính của họ là thiếu nhân lực.

Bắt đầu từ năm 2022, hãng Southwest đã tổ chức các sự kiện tuyển dụng quy mô lớn. Tháng 6 năm ngoái, tại một sự kiện tuyển dụng, trong số 572 người tham dự, hãng này đã thuê 258 người. Để chuẩn bị cho lượng lớn nhân viên mới, các trung tâm đào tạo của Southwest đã bổ sung thêm các lớp học và mở rộng quy mô đào tạo.

Kết quả là, Southwest đã tăng công suất lên khoảng 15% vào tháng 9/2023 so với một năm trước đó. Hãng đã thực hiện số lượng chuyến bay kỷ lục vào tuần cuối của ngày Lễ Lao động mà hầu như không gặp trở ngại nào. Hãng hàng không này có 74.000 nhân viên tính đến tháng 10, tăng 19.000 người so với cuối năm 2021 và cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

Tình trạng thiếu phi công, vốn cần nhiều năm đào tạo, đặc biệt nghiêm trọng. Các hãng hàng không lớn thường tuyển dụng phi công từ các hãng hàng không địa phương, hoặc tổ chức chương trình đào tạo của họ. Chương trình đào tạo của Southwest Airlines đã hoàn tất khóa đầu tiên vào năm ngoái. Theo FAPA.aero, một công ty tư vấn phi công, các hãng hàng không lớn cuối cùng đã thuê hơn 12.000 phi công trong cả năm 2022 và 2023, cao hơn gấp đôi so với trước đại dịch.

Để tận dụng tối đa số phi công mà họ có, một số hãng hàng không đã tập trung hơn vào các tuyến đường bay có nhu cầu cao và thay thế các máy bay nhỏ hơn bằng những chiếc lớn hơn. Vào tháng 12/2022, United Airlines đã cung cấp 115 chuyến khởi hành từ Key West, Florida, sử dụng các máy bay phản lực từ 70 đến 76 chỗ ngồi. Tháng trước, hãng có 94 chuyến bay theo lịch trình, hầu hết do United khai thác trên những chiếc Boeing 737 có tới 126 chỗ. Điều đó mang lại thêm 25% số ghế, trong khi số chuyến bay ít hơn 18%.

3-8015.png
Một đội khoan đang làm việc trên một giàn khoan Midland, Texas (Ảnh: Reuters)

Dầu khí

Trên thị trường dầu mỏ, vấn đề từ phía nguồn cung không phải là do thiếu lao động hay thiếu thiết bị, mà là vấn đề địa chính trị.

Sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát, các nước phương Tây đã giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Trong những năm trước, các công ty thăm dò và sản xuất dầu của Mỹ thường phản ứng trước tình hình giá dầu tăng cao bằng cách tăng hoạt động khai thác. Lần này, các công ty dầu mỏ, do áp lực phải tăng lợi nhuận cho cổ đông, dự kiến ​​lợi sẽ hạn chế chi tiêu và thay vào đó ưu tiên trả cổ tức và mua lại cổ phiếu.

Nhiều nhà sản xuất tư nhân đã quyết định tăng sản lượng. Một số công ty như Midland, Elevation Resources có trụ sở tại Texas, đã thực hiện điều này chỉ với một giàn khoan duy nhất của họ. Công ty này hoạt động tại Permian, Tây Texas và New Mexico, mỏ dầu thô hoạt động mạnh nhất ở Mỹ. Sau khi một giếng được khoan, phải mất khoảng 6 tháng mới có thể cho ra dầu, vì vậy phải đến năm 2022 công ty này mới bắt đầu tăng sản lượng.

Kể từ quý 4 năm 2022, sản lượng dầu khí của công ty này đã tăng 1/3, lên khoảng 10.000 thùng dầu và khí đốt mỗi ngày, một kỷ lục của họ. Công ty Elevation đã khoan 15 giếng vào năm ngoái, tăng từ 12 giếng vào năm 2022.

Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục hàng tháng trong tháng 9. Trong 10 tháng đầu năm 2023, con số này đạt trung bình 12,9 triệu thùng/ngày. Con số đó nhiều hơn khoảng nửa triệu thùng so với con số mà Cơ quan Thông tin Năng lượng đã dự báo cho năm 2023.

Thị trường dầu mỏ mang tính toàn cầu nên người tiêu dùng Mỹ chỉ được hưởng lợi gián tiếp từ sản lượng cao hơn. Tuy nhiên, hiệu ứng đó vẫn rất quan trọng. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hợp tác với Nga, đã cố gắng nâng giá bằng cách hạn chế nguồn cung. Và các cuộc tấn công gần đây vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn các chuyến hàng. Nếu không tăng sản lượng đá phiến của Mỹ, những yếu tố trên sẽ đẩy giá dầu và xăng lên cao hơn.

5-4006.png
Dự án căn hộ Camden Durham đang được xây dựng trong tháng này (Ảnh: Trust)

Nhà ở

Khi lãi suất giảm vào năm 2020, nhu cầu về nhà ở mới tăng vọt. Sau thời điểm lệnh phong tỏa kết thúc, nhiều người trẻ tuổi ở Mỹ muốn thoát khỏi những khu nhà chật chội khiến giá thuê nhà và giá nhà tăng cao.

Các nhà kinh tế và chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng nguồn cung nhà ở mới không đủ. Hoạt động xây dựng đã bị trì trệ kể từ cuộc suy thoái 2007-2009. Vật liệu và nhân công thiếu hụt. Đất không sẵn có ở những nơi mà người dân Mỹ muốn sống.

Bất chấp những dự đoán, một số nhà phát triển bất động sản tăng cường các dự án để hưởng lợi từ giá thuê tăng vọt. Jesse McConnico đến từ John Burns Research and Consulting, một hãng tư vấn bất động sản, cho biết: “Mọi người muốn có một phần trong số đó”.

Trong những tháng đầu năm 2021, các văn phòng cho thuê của công ty Camden, hoạt động trên khắp Sunbelt, đã rung chuyển vì tình trạng ảm đạm. Campo, giám đốc điều hành của Camden, cho biết: “Đột ​​nhiên vào tháng 3 và tháng 4, văn phòng của chúng tôi chật cứng người”. Đến quý 4 năm đó, hợp đồng thuê mới đối với 58.300 căn hộ của Camden cao hơn 16,5% so với một năm trước đó.

Với lãi suất thấp và thị trường vốn sôi động, Camden đã phát hành 1,3 tỉ USD cổ phiếu vào năm 2020 và 2021 để mở rộng danh mục dự án mới của mình. Giống như hầu hết các hãng xây dựng, Camden phải đối mặt với tình trạng thiếu vật liệu, thiết bị và nhân công. Để thu hút công nhân đến làm việc trong thời gian diễn ra World Cup 2022, công ty đã đặt TV ở các công trường xây dựng và phục vụ đồ ăn nhẹ cùng với bữa trưa.

Từ năm 2020 đến 2022, Camden động thổ 7 dự án với tổng số hơn 2.000 căn nhà và căn hộ. Một tòa nhà chung cư 420 căn ở Durham, New York đã khai trương trước kế hoạch 6 tháng vào năm 2023. Camden mở rộng sang lĩnh vực cho thuê nhà ở dành cho một gia đình. Mùa thu năm ngoái, họ bắt đầu cho thuê 189 căn ở Houston.

Theo RealPage, các dự án của Camden đã đóng góp cho con số kỷ lục 439.000 căn hộ được hoàn thành vào năm ngoái ở Mỹ. Theo một ước tính, có 600.000-650.000 căn nữa sẽ được hoàn thành trong năm nay.

Tại Camden, giá thuê mới đã giảm 3,3% trong quý 4 năm ngoái, tính đến cuối tháng 10, so với quý 4 năm 2022. Các dự án mới còn ưu đãi miễn phí một tháng tiền thuê nhà.

Do lãi suất cao hơn, ông Campo cho biết các căn hộ chưa xây dựng sẽ “tạm dừng cho đến khi chúng tôi hiểu rõ hơn về tình hình thế giới”. Ngay cả khi các chủ đầu tư thoái lui, những căn hộ được xây trong những năm qua sẽ tiếp tục tràn vào thị trường, giảm bớt áp lực lên giá thuê. Các thước đo lạm phát nhà ở vẫn ở mức cao, nhưng áp lực giá sẽ giảm trong năm nay.

4-1838.png
Một kho hàng gần như trống rỗng tại đại lý Ford Motor ở Colma, California, trong thời kỳ lượng hàng tồn kho giảm vào năm 2021 (Ảnh: Bloomberg)

Chip

Sự thiếu hụt chip bán dẫn trong giai đoạn đại dịch đã có tác động bất ngờ và đáng kể, đẩy giá nhiều sản phẩm sử dụng chip, đặc biệt là ô tô, lên cao. Khả năng tăng sản lượng của ngành công nghiệp chip đã giúp tăng nguồn cung và giá trần của các sản phẩm sử dụng chúng.

Những chiếc xe mới chứa hơn 1.000 con chip – những con chip này đơn giản hơn và rẻ hơn nhiều so với những con chip có trong các ứng dụng cao cấp như trí tuệ nhân tạo (AI).

Khi đại dịch bắt đầu, các công ty ô tô do lo ngại tình trạng doanh số thấp kéo dài nên đã hủy đơn đặt hàng chip của họ. Các nhà cung cấp đã phân bổ lại công suất để chế các sản phẩm khác như chip dùng cho máy tính cá nhân, vốn có nhu cầu cao trong giai đoạn mà làm việc và học tập từ xa lên ngôi. Cuối cùng, khi các công ty ô tô đặt được đơn đặt hàng mới, họ phải đối mặt với tình trạng chờ đợi rất lâu. Với ít xe được bán hơn, giá cả tăng vọt cùng với lợi nhuận.

Ngành công nghiệp bán dẫn có tính chu kỳ cao. Trước nhu cầu mạnh mẽ như vậy, các nhà sản xuất chip phải quyết định có nên tăng thêm công suất hay không. Ưu điểm: doanh số bán hàng tăng cao. Nhược điểm là nhu cầu có thể sụt giảm, khiến việc tăng công suất trở nên không cần thiết.

Vào tháng 10/2021, Vivek Jain trở thành người đứng đầu hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng tại Analog Devices, công ty sản xuất khoảng 75.000 loại chip cho các sản phẩm công nghiệp, ô tô và điện tử. Tại cuộc họp hội đồng quản trị đầu tiên vào tháng 12 năm đó, ông đã vạch ra lộ trình tăng cường năng lực sản xuất.

Một cách nhanh chóng là mở rộng sản xuất tại một nhà máy chế tạo ở Camas, Washington, từ 5 lên 7 ngày một tuần. Jain cho biết, do thị trường lao động eo hẹp, “chúng tôi nghĩ mọi việc sẽ khá khó khăn”. Tuy nhiên, ông nói, các nhân viên hoan nghênh lựa chọn làm việc 12 giờ mỗi ngày, 3 hoặc 4 ngày một tuần, thay vì tuần làm việc 5 ngày thông thường.

Công ty đã tăng cường công suất tại các nhà máy chế tạo ở Beaverton, Oregon, và Limerick, Ireland, bằng cách lắp đặt thêm các công cụ sản xuất chip. Một số nhà sản xuất công cụ đang thiếu chip đã thoả thuận với Analog để ưu tiên các đơn đặt hàng của nhau. “Đó là một cuộc trao đổi tốt”, Jain nói. Ông ước tính công suất chip của họ đã cao hơn 40% so với trước đại dịch.

Đối với các nhà sản xuất ô tô, tình trạng thiếu chip phần lớn đã chấm dứt. Kết quả là hàng tồn kho đang tăng lên và giá cả trong tháng 12 thấp hơn so với một năm trước đó, theo Cox Automotive.

Nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Lạm phát, mặc dù thấp hơn nhiều so với một năm trước, vẫn cao hơn so với năm 2019 và tiền lương vẫn tăng nhanh hơn mức tương thích với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Liệu lạm phát có giảm thêm nữa hay không và Mỹ có tránh được suy thoái kinh tế hay không sẽ còn phụ thuộc vào nhu cầu. Các vấn đề bên phần cung đã được giải quyết./.

Theo Wall Street Journal