Trong báo cáo với tiêu đề "Thần sấm không có sét" do Mạng An ninh Quốc gia Mỹ (NSN) đăng tải, hai tác giả Bill French và Daniel Edgren đưa ra những nhận xét đáng chú ý về tính phù hợp đối với khu vực của chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning II mà quân đội Mỹ có thể triển khai tới châu Á - Thái Bình Dương.
Chương trình F-35 trước đó vấp phải chỉ trích nặng nề, không những do chi phí đội lên quá cao, mà còn bởi những điểm yếu trong khâu vận hành mẫu chiến đấu cơ này. Bản báo cáo của NSN là đòn mới nhất giáng vào chương trình vũ khí đắt giá của Mỹ, với chi phí sắp chạm mốc 500 tỷ USD.
Khả năng cận chiến
Bản báo cáo của NSN nhấn mạnh, điểm yếu của F-35 được vạch ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều lời phàn nàn về mẫu chiến đấu cơ này. Vài tuần trước, David Axe, tác giả cuốn sách "Chiến tranh nhàm chán" (War is Boring), tiết lộ ghi chép của một phi công bay thử miêu tả rằng F-35còn yếu hơn cả mẫu F-16 tiền nhiệm trong giao chiến trên không.
Cụ thể, trong bản báo cáo bay thử nghiệm dài 5 trang sau cuộc diễn tập trên Thái Bình Dương, gần căn cứ không quân Edwards, California, diễn ra hồi tháng một, viên phi công cho biết F-35 yếu thế hơn rõ rệt về năng lượng, và cách duy nhất để ngắm bắn được F-16 là thực hiện kỹ thuật bẻ lái "góc tấn lớn".
Tuy nhiên, điểm bất lợi của cách lái này là thường chỉ hiệu quả một lần. Sau cú bẻ lái, máy bay sẽ mất khả năng cơ động và rơi vào thế phải phòng thủ. Trong khi đó, đối với cận chiến, năng lượng có ý nghĩa quyết định. Nếu đối phương có nhiều động năng hơn và năng lượng để thực hiện các cú bẻ lái lớn hơn thì bạn sẽ bị tiêu diệt.
Nỗ lực để tấn công F-16 với khẩu đại bác 25mm của F-35 trong thử nghiệm trên Thái Bình Dương cũng thất bại. Bởi thay vì khiến đối phương bất ngờ bằng cách nhanh chóng nâng đuôi để vọt lên, tốc độ của phần mũi lại yếu, khiến mục tiêu dễ dàng né tránh trước khi bị nã đạn.
Đến khi F-16 đổi vị trí cho F-35, F-35 lại không thể tránh đòn tấn công của mẫu máy bay cũ kỹ hơn cũng vì tốc độ của phần mũi yếu. Ở cuộc thử nghiệm trên, F-35 không mang theo bom hay vũ khí, trong khi chiếc F-16 mang hai bồn nhiên liệu phụ dưới cánh, khiến nó chịu bất lợi về khí động học.
F-35 phù hợp hơn với những cuộc không chiến ngoài tầm quan sát của phi công (BVR). Ngay cả ở cự ly đó, các tác giả của bản báo cáo NSN khẳng định năng lực của F-35 vẫn không được như cam kết ban đầu.
F-35 chỉ có thể mang hai tên lửa không đối không tầm xa được gắn tại hộc kín trong thân, hoặc 4 tên lửa, nếu không chở thêm đạn. Báo cáo của NSN dẫn lời trung tá Richard Koch, lãnh đạo cấp cao của Bộ chỉ huy Chiến đấu Trên không của không quân Mỹ, cho hay ông "toát mồ hôi lạnh" khi nghĩ rằng F-35 cất cánh chỉ với hai vũ khí áp chế trên không.
"Nhưng ngay cả khi mang theo 4 tên lửa, F-35 vẫn bị áp đảo về hỏa lực", tác giả báo cáo của NSN nhấn mạnh. Các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của nước ngoài như Su-27 có tới 10 điểm gắn vũ khí cố định bên ngoài để mang tên lửa hoặc các vũ khí khác. Các mẫu chiến đấu cơ tương tự thiết kế dựa trên Su-27, ví dụ như Su-35, cũng có đến 12 điểm gắn vũ khí.
Tầm tác chiến
F-35 không sở hữu những đặc tính phù hợp để có thể thành công trong kịch bản phải tác chiến trên một phạm vi rộng lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, các tác giả khẳng định.
Theo bản báo cáo, tầm bay ngắn của F-35 đồng nghĩa với phạm vi hoạt động sẽ bị hạn chế ở những "sân khấu" lớn. Bên cạnh đó, máy bay cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đương đầu với các lớp phòng thủ kiểu chống xâm nhập, trong khi đối phương lại có khả năng nhắm tới các căn cứ không quân tiền tiêu của Mỹ.
Quan điểm chiến lược của Mỹ những năm gần đây luôn đi liền với việc đối phó với chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) ở châu Á - Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch dự phòng cho những tình huống bất ngờ gắn với khả năng nổ ra chiến tranh với Trung Quốc. Bắc Kinh đang là bên tập trung đầu tư mạnh tay vào công nghệ A2/AD với mục tiêu khiến các lực lượng chiến đấu thông thường của Mỹ chịu nhiều tổn thất nếu can thiệp.
Biểu đồ so sánh cho thấy F-35 thua kém hơn hẳn mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 Su-30MK của Nga về khẩu độ của radar và tỷ suất lực đẩy/tải trọng. Ảnh: Ausairpower.net |
Với quy mô địa lý khổng lồ của châu Á, kết hợp cùng việc Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch điều 60% lực lượng không quân tới khu vực này trước năm 2020, những điểm yếu của F-35 còn có khả năng đe dọa tới năng lực sẵn sàng chiến đấu của Mỹ tại đây.
Theo báo cáo trên, dù được trang bị hệ thống điện tử, có khả năng tàng hình cùng các cảm biến hiện đại, F-35 lại thua kém cả những chiến đấu cơ thế hệ 4 trong biên chế không quân Nga và Trung Quốc, ví dụ như Sukhoi Su-27 hay Thẩm Dương J-11, về tầm tác chiến. Đây dường như là yếu tố quan trọng hơn cả ở châu Á - Thái Bình Dương. F-35 chỉ có tầm tác chiến 1.111 km, dù tốt hơn mức 630 km của tiền nhiệm F-16, nhưng vẫn kém Su-27 (1.204 km) và J-11 (1.398 km), báo cáo khẳng định.
Giả định trong tương lai chiến tranh nổ ra bên bờ eo biển Đài Loan, Trung Quốc sẽ là bên nắm trong tay lợi thế lớn hơn so với Mỹ nhờ chiều sâu lãnh thổ, giúp họ điều động chiến đấu cơ tại những vị trí trọng yếu, từ đó mở rộng ảnh hưởng sang các vùng trời lân cận. Hơn nữa, Bắc Kinh hiện có tới 41 sân bay lưỡng dụng, nằm trong bán kính tác chiến mà không cần tiếp nhiên liệu, tính từ Eo biển Đài Loan, bản báo cáo đánh giá.
Chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 Lightning II là mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm do hãng Lockheed Martin phát triển với 3 phiên bản: F-35A (cất/hạ cánh thông thường), F-35B (cất/hạ cánh ngắn hoặc thẳng đứng) và F-35C (dành cho tàu sân bay).
F-35 có sải cánh từ 10,7m - 13,1m, trọng lượng cất cánh tối đa 22.680kg, vận tốc tối đa 1931km/h, tương đương 1,8 lần tốc độ âm thanh, tầm bay 3000km, trần bay 15.000m. Về hỏa lực, F-35 được trang bị một pháo 25mm GAU-12 (180 - 220 viên đạn), hai buồng chứa vũ khí bên trong thân, có thể chứa tổng cộng 4 tên lửa không đối không 120C AMRAAM hoặc 132 ASRAAM, 4 điểm cố định gắn vũ khí. F-35 có tầm tác chiến tối đa 1.111km đối với bản F-35C. Tuy nhiên, F-35B chỉ có tầm tác chiến 833km. |
Hoàng Nguyên theo VnExpress