|
Thị trấn Kobani của Syria ngập trong lửa đạn - Ảnh: Reuters |
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), trụ sở tại London (Anh), vừa công bố báo cáo đầu tiên mang tênKhảo sát xung đột vũ trang (ACS), phơi bày một sự thật đẫm máu.
Dù số vụ xung đột trên thế giới giảm mạnh từ năm 2008, số người chết trong các cuộc xung đột lại tăng gấp 3 lần trong vòng 7 năm do “mức độ bạo lực tăng vọt một cách vô phương kiểm soát”. Tổng cộng có 63 cuộc xung đột vũ trang khiến 56.000 người thiệt mạng vào năm 2008, nhưng trong năm 2014, hơn 180.000 người chôn thân trong 42 cuộc xung đột. Trong đó, cuộc xung đột tại Syria, cùng với sự trỗi dậy của IS, là tác nhân mạnh nhất hủy hoại bức tranh toàn cảnh về an ninh của thế giới.
Lò lửa Syria
|
Phát biểu nhân dịp công bố báo cáo mới, Giám đốc phụ trách các mối đe dọa xuyên quốc gia của IISS, Nigel Inkster đã đề cập đến mức độ hung tàn không thể tưởng tượng nổi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Và năm 2014 đã đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào thánh chiến dưới danh nghĩa Hồi giáo trên toàn cầu.
Theo đó, phong trào này chuyển từ chủ nghĩa khủng bố khá thô sơ trở thành “hoạt động xây dựng chính quyền”. Việc IS đánh chiếm thành công thủ phủ Ramadi của tỉnh Al-Anbar từ tay chính quyền Iraq trong tuần qua là “chứng cứ về các chiến thuật phức tạp” với tính kỷ luật cao, chứng tỏ thực lực hơn hẳn lực lượng chính quy của quân đội Iraq, theo tờ The Guardian.
Có thể nói, sự hung hãn không gì so sánh được của IS đang đẩy thế giới vào tình trạng chết chóc nhất trong nhiều thập niên qua. Theo báo cáo ACS, nhiều người đã bị giết hại trong cuộc xung đột tại Syria vào năm 2014, và số người chết ở chiến trường này hơn hẳn tổng số người thiệt mạng tại các điểm nóng khác như Iraq, Nam Sudan, Mexico và toàn bộ vùng Trung Mỹ.
Cụ thể, kể từ khi bùng nổ vào năm ngoái, cuộc chiến tại Syria đã khiến 200.000 người chết và 3,4 triệu người phải bỏ xứ. Trong đó, 70.000 người thiệt mạng trong năm 2014 và 1,4 triệu người phải lên đường di tản kể từ khi IS tuyên bố thành lập một nhà nước Hồi giáo mới nhằm thay thế đế quốc Ottoman đã sụp đổ vào cuối Thế chiến 1. Những nhánh ăn theo phong trào IS cũng đã trỗi dậy tại châu Phi và bán đảo Ả Rập, và thậm chí đến tổ chức Boko Haram tại Nigeria cũng hô hào thành lập liên minh với IS để xây dựng đế chế Hồi giáo.
Những điểm đen khác
Đồ họa cho thấy con số tử vong tại những điểm nóng xung đột của thế giới - Ảnh: IISS/Đồ họa: Hồng Tài
|
Ngoài Syria, các điểm nóng xung đột khác bao gồm Iraq, Mexico (với số người thiệt mạng cùng là 18.000 trong năm 2014). Báo cáo mới còn cho thấy số người chết tiếp tục tăng tại Afghanistan sau cuộc rút quân của liên minh phương Tây, từ 3.500 trong năm 2013 lên 7.500 người vào năm ngoái. Cũng theo ACS, xung đột Israel - Palestine đã giết chết khoảng 2.500 người trong năm 2014, hầu hết là dân thường, trong khi các cuộc chiến tại Libya, Yemen và CH Trung Phi cũng góp phần vào xu hướng chết chóc gia tăng.
Theo giới quan sát, báo cáo ACS của IISS đã vạch ra sự thay đổi về bản chất và quy mô của các cuộc chiến trên toàn cầu, từ đó gióng lên hồi chuông báo động đối với các nhà vạch kế hoạch chiến lược tại thế giới phương Tây. Nỗi quan ngại hiện thời của EU trước sức ép di dân từ hướng châu Phi đang dồn dập đổ bộ bờ biển của cựu lục địa, nhưng đây chỉ mới là sự khởi đầu.
Mức độ bạo lực tăng cao từ các cuộc xung đột đồng nghĩa với một thực tế đầy ảm đạm: 2013 là năm kỷ lục của người tị nạn, với hơn 50 triệu người phải rời bỏ quê hương trên đường chạy nạn, cao nhất kể từ năm 1945, tức thời điểm chấm dứt Thế chiến 2. Xu hướng này ngày càng trầm trọng hơn theo thời gian.
Thông qua khảo sát, IISS cảnh báo cái giá mà các cộng đồng tiếp tục phải trả vì xung đột là buộc phải lên đường di tản, và về dài hạn dẫn đến sự sụp đổ của các dịch vụ công cộng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế. Ngân hàng Thế giới ước tính có đến 1,2 tỉ người, khoảng 1/5 tổng số dân trên thế giới, bị ảnh hưởng từ những xung đột hoặc bất ổn.
Theo ông Inkster, người từng là giám đốc chiến dịch của cơ quan tình báo Anh MI6, các cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq cho thấy những giới hạn khi vận dụng quyền lực rắn, và những nước tham gia vào hai chiến trường này đối mặt với sự ác cảm và mất lòng tin từ nhiều bên. Đó cũng là lý do dẫn đến sự do dự của các nước phương Tây trước các cuộc xung đột bùng phát tại Trung Đông.
Trong cuộc họp báo qua điện thoại mới đây, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Holt, phụ trách các Tổ chức quốc tế về gìn giữ hòa bình thế giới, đã trình bày những thách thức đối với các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Bà cho biết trong vài năm qua, các sứ mệnh dưới ngọn cờ của Liên Hiệp Quốc đang được trải rộng tại các điểm nóng của thế giới. Hiện Liên Hiệp Quốc đang triển khai 16 sứ mệnh, chủ yếu tập trung tại châu Phi và Trung Đông, với quân số hơn 130.000 lính mũ nồi xanh đến từ hơn 100 quốc gia. Các sứ mệnh này trải dài từ Nam Sudan, Congo đến Li Băng, Haiti, từ Mali, CH Trung Phi đến Bờ Biển Ngà, Liberia.
Dù được mở rộng, những thách thức tại các khu vực vẫn chưa chấm dứt xung đột đã tạo nên sức ép đối với lực lượng mũ nồi xanh, từ thiếu thốn về phương tiện, hậu cần, đến nhân lực về mặt hỗ trợ xây dựng các nền tảng như cơ sở hạ tầng, cũng như các lực lượng có thể triển khai nhanh chóng đến nơi nổ ra khủng hoảng.
Kể từ tháng 6.2014, VN cũng góp phần vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, với đại diện là hai phái viên quân sự tham gia vào công tác của phái bộ tại Nam Sudan. Bên cạnh việc hoan nghênh sự gia nhập của Việt Nam, bà Holt lên tiếng kêu gọi các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng cường hoạt động góp sức cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại những điểm nóng xung đột.
Theo: Thanh Niên