|
Người dân Venezuela đổ xô đi mua giấy vệ sinh tránh trường hợp khan hiếm hàng |
“Bộ ba siêu lạm phát” của thế giới
Hungary là trường hợp siêu lạm phát tệ hại nhất từng được ghi nhận trong lịch sử xảy ra vào nửa đầu năm 1946. Mức lạm phát hàng tháng cao nhất 13.600 tỷ %. Khi đó, tờ tiền có giá trị lớn nhất của Hungary có mệnh giá lên tới 100 tỷ tỷ Pengo, so với mức 1.000 Pengo vào năm 1944. Giá cả tăng gấp đôi trong thời gian: 15,6 giờ. Ở lúc cao điểm, tốc độ lạm phát lên tới 195% một ngày.
Nguyên nhân chính của lạm phát tại Hungary chính là lĩnh vực nông nghiệp nước này chịu ảnh hưởng tồi tệ bởi Đại Suy thoái, nợ công quá cao phải phá giá đồng tiền và giải quyết hậu quả của chiến tranh thế giới thứ nhất.
Đồng đô la Zimbabwe có lịch sử “lạm phát vô tiền khoáng hậu" từ năm 2008, khi mức lạm phát tháng 7/2008 nước này lên đến 231 triệu %, gấp 20 lần so với tháng trước đó. Vào thời điểm hiện nay, tỷ giá hối đoái giữa đồng USD/đô la Zimbabwe là 1USD đổi lấy 35 triệu tỷ đô Zinbabwe. Từ tháng 1 đến tháng 7/2008 ngân hàng trung ương nước này đã cho phát hành liên tục tiền trị giá từ 20 triệu đô la đến 100 tỷ đô la Zimbabwe.
Nguyên nhân lạm phát siêu khủng của Zimbabwe được cho là bắt nguồn từ cải cách ruộng đất của nước này diễn ra từ thập niên 90 nhưng bất thành khiến khan hiếm lương thực. Bên cạnh đó, tác động của nợ công, nợ nước ngoài lớn với 119% GDP năm 2011 khiến nền kinh tế nước này kiệt quệ và tỷ lệ mất việc lên mức báo động.
Nước Đức năm 1923, tỷ lệ lạm phát cao nhất: 29.500% khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ tỷ giá với đồng USD ban đầu ở mức 4,2 mác/USD. Tuy nhiên, tháng 8/1923, người ta phải bỏ ra 1 triệu mác Đức để đổi USD. Giá tăng gấp đôi sau mỗi: 3,7 ngày. Và đến tháng 11/1923, con số này đã tăng lên 238 triệu mác. Đó là thời điểm xuất hiện sự rối loạn tâm lý mang tên “Zero Stroke” khi người dân Đức phải giao dịch với lượng tiền trị giá đến hàng trăm tỷ mác Đức mỗi ngày và chóng mặt với hàng dãy số 0 tưởng như bất tận. Người ta phải chở cả xe tải tiền chỉ để mua một ổ bánh mỳ hoặc cuộn giấy vệ sinh.
Ngoài bộ ba trên, nói đến siêu lạm phát, mất giá đồng tiền nhanh nhất thế giới, còn có Cộng hòa Nam Tư năm 1964, mức lạm phát hàng tháng cao nhất: 315 triệu %, giá cả tăng gấp đôi sau 1,4 ngày và tăng bình quan 64,6%. Tiếp đến là Hy lạp Mức lạm phát hàng tháng cao nhất: 13.800% vào tháng 10/1944 khi quân phát xít Đức chiếm đóng nước này.
Hai đồng tiền cận kề “siêu lạm phát”
Tháng 5/2015, thế giới tài chính thế giới chứng kiến sự mất giá không phanh đồng Bolivar của Venuezuela so với đồng USD. 7 ngày trung tuần tháng 5/2015, đồng tiền của nước này mất giá 25%.
Trong phiên giao dịch ngày 18/5, đồng bolivar được giao dịch ở mức khoảng 420 bolivar/USD, so với mức 300 bolivar/USD trong ngày 14/5 và 173 bolivar/USD hồi đầu năm 2015. Trên thị trường tự do, ngày 14/5, đồng bolivar của Venuezuela cũng mất giá mạnh, 1 USD đổi được 300.72 Bolivar, trong khi đó Vào năm 2012, 1 USD chỉ đổi được 10 Bolivar trên “chợ đen”.
Sự mất giá của đồng Bolivar đẩy nền kinh tế và đất nước Venezuela trước nguy cơ khủng hoảng. Do là nước thu nhập lớn dựa vào dầu mỏ, vì thế năm 2014 giá dầu thô thể giới giảm mạnh đã đánh mạnh vào nền kinh tế nước này. Tháng 1/2015, đất nước “hoa hậu” được xem là có giá xăng rẻ nhất thế giới khi chỉ cần hơn 20.000 VNĐ có thể mua được 1.800 lít. Tuy nhiên, hàng hóa luôn thiếu. Tại các siêu thị, hàng hóa, thực phẩm đều bị vét sạch chỉ ít phút sau khi trưng bày, đến giấy vệ sinh cũng là hàng khan hiếm người dân phải tích trữ.
Vào tháng 2/2015, Hãng tin Bloomberg cho biết, giá 1 hộp bao cao su (36 chiếc) có giá 750 USD tương đương bằng 1 chiếc Iphone Apple. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau đó dự báo lạm phát của Venezuela năm 2015 có thể lên tới 96,8%.
Khác nguyên nhân nhưng cùng hậu quả, đồng Hryvnia của Ukraine cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã mất giá gần 30% so với đồng USD. Mức độ trượt giá nhanh đã khiến nước này phải nới lỏng các chính sách tiền tệ: giảm tỷ lệ dự trữ, hạ lãi suất liên ngân hàng bằng USD…
Sự trượt giá của đồng Hryvnia khiến lạm phát của Ukraine tăng 25% trong tháng 12/2014. Nguyên nhân chính khiến nền kinh tế nước này lao đao là cuộc nội chiến diễn ra từ tháng 4/2014.
Mức lạm phát cao, tăng trưởng bị bẻ gẫy bởi chiến tranh khiến năm 2015, các dự báo về tăng trưởng và phát triển của nước này cũng bị các tổ chức tài chính thế giới đánh tụt thê thảm. Ngày 4/5/2015 Ngân hàng Thế giới nhận định, tỷ lệ lạm phát của Uraine năm 2015 có thể lên đến 40%. Ngày 31/5/2015 Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục đánh tụt triển vọng tăng trưởng của Ukraine từ - 5% xuống - 9% trong năm 2015. Lao động mất việc, hàng hóa khan hiếm chỉ dựa vào viện trợ nước ngoài (từ các nước Phương Tây).
Theo Dân trí