Những bí ẩn chưa được làm rõ xung quanh vụ nổ lớn tại sân bay Nga ở bán đảo Crimea

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nguyên nhân vụ nổ lớn tại sân bay Saky của Nga ở Crimea, chiều 9/8 ngày càng trở nên khó hiểu. Lầu Năm Góc ngày 12 nói họ không cung cấp "bất kỳ loại vũ khí nào có thể giúp quân đội Ukraine tấn công căn cứ Nga".
Ảnh vệ tinh cho thấy vụ nổ xảy ra tại nhiều điểm trong sân bay Saky (Ảnh: QQ).
Ảnh vệ tinh cho thấy vụ nổ xảy ra tại nhiều điểm trong sân bay Saky (Ảnh: QQ).

Giới quan sát quốc tế cho rằng tuyên bố chính thức của Mỹ rõ ràng là một nỗ lực “làm rõ quan hệ” nhằm ngăn chặn hành động trả đũa có thể có từ phía Nga. Mặc dù theo phía Nga, các thiết bị hàng không của căn cứ này vẫn còn nguyên vẹn, nhưng các bức ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 9 máy bay chiến đấu của Không quân Nga đã bị phá hủy; phương Tây gọi đây là "tổn thất nặng nề nhất của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine" tính đến nay.

Ai là thủ phạm? Mức độ thiệt hại lớn như thế nào?

Trang web The Hill của Mỹ ngày 13/8 đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 12/8 theo giờ địa phương nói rằng các vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine không được sử dụng để tấn công căn cứ không quân Nga ở Crimea, và quân đội Mỹ cũng không rõ nguyên nhân của vụ nổ tại căn cứ Saky.

Ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 9 máy bay bị phá hủy trong vụ nổ (Ảnh: QQ).

Ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 9 máy bay bị phá hủy trong vụ nổ (Ảnh: QQ).

Phía Nga vẫn luôn bác bỏ thông tin nói căn cứ này bị tấn công. Bộ Quốc phòng Nga ban đầu cho biết trong một tuyên bố rằng vào khoảng 15h20’ chiều ngày 9/8 theo giờ địa phương, một số bom, đạn hàng không được cất giữ tại sân bay Novofedorovka (tên gọi khác của sân bay Saky) đã phát nổ, nhưng không có ai bị thương trong vụ việc này, các thiết bị hàng không tại sân bay cũng không bị hư hại. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan hành chính của Crimea, ông Aksenov, sau đó cho biết có 1 người thiệt mạng và 14 người bị thương trong vụ nổ ở sân bay Novofedorovka, tất cả đều là dân thường. Một số cơ quan truyền thông Nga cho rằng, vụ nổ có thể là sự cố do ai đó vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy, nguyên nhân cụ thể của vụ tai nạn hiện vẫn đang trong quá trình điều tra.

Nhưng các bức ảnh vệ tinh do phương Tây công bố cho thấy nhiều máy bay chiến đấu tại căn cứ này đã bị hư hại trong vụ nổ. Trang web National Interest của Mỹ cho rằng những máy bay chiến đấu này đang đậu phân tán ở những vị trí khác nhau, không thể bị hư hại bởi một vụ nổ đơn lẻ, phù hợp với giả thuyết sân bay bị tấn công nhiều lần và thông tin nói 4 kho vũ khí và một khu để máy bay đã phát nổ.

Một phần căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea (Ảnh: QQ).

Một phần căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea (Ảnh: QQ).

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến ​​khác nhau về tổn thất cụ thể của quân đội Nga. Tờ Eurasia Times của Ấn Độ ngày 12/8 cho biết sân bay Saky bị tấn công là nơi đóng quân của Trung đoàn không quân tấn công độc lập hải quân số 43 thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy nhiều hangar chứa máy bay và các kiến trúc khác bị hư hại trong vụ nổ. Ít nhất 3 máy bay chiến đấu Su-30 và 5 máy bay tiêm kích-bom Su-24 bị phá hủy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ​​cho rằng quân đội Nga có thể đã mất tới 20 máy bay chiến đấu, đây có thể gọi là "tổn thất nặng nề nhất của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine".

Theo trang web The Hill của Mỹ, mặc dù các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ phủ nhận rằng vụ nổ ở căn cứ Saki có liên quan đến vũ khí của Mỹ, nhưng họ lại cho rằng vụ nổ là do một cuộc tấn công của quân đội Ukraine và đã “ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh không quân của Nga". Điều kỳ lạ là, các quan chức Ukraine đã không tuyên bố nhận trách nhiệm. Hãng Bloomberg ngày 11/8 cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ đề cập trong bài phát biểu toàn quốc của ông rằng "chỉ trong một ngày, quân chiếm đóng đã mất 10 máy bay chiến đấu, 9 trong số đó ở Crimea và một ở hướng Zaporizhia". Một quan chức Ukraine giấu tên cho New York Times biết mặc dù giới chức cấp cao Ukraine không xác nhận, nhưng ông tin rằng đây là một cuộc tấn công của lực lượng Ukraine.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Touchka-U của Quân đội Ukraine (Ảnh: Sohu).

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Touchka-U của Quân đội Ukraine (Ảnh: Sohu).

Vũ khí nào đã có thể được sử dụng?

Nhiều người trong giới quan sát quốc tế tin rằng việc Lầu Năm Góc vội vã phủ nhận họ có liên quan đến vụ nổ ở căn cứ Saky, rõ ràng là muốn thoát khỏi bị nghi ngờ. Tất cả các bên đều suy đoán rằng nếu đó thực sự là cuộc tấn công do quân đội Ukraine phát động, thì rất có thể vũ khí được sử dụng là do Mỹ cung cấp.

Theo phân tích của trang web The Drive của Mỹ, căn cứ Saky ở cách các khu vực tiền tuyến do quân đội Ukraine kiểm soát ít nhất 200 km, về mặt lý thuyết vượt xa tầm bắn của hỏa lực tầm xa Ukraine. Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tochka-U OTR-21 đang hoạt động của Ukraine có tầm bắn chỉ 120 km, và tên lửa chống hạm Neptune nội địa của họ có tầm bắn tối đa 280 km, nhưng thế giới bên ngoài phổ biến cho rằng số lượng trang bị rất hạn chế và đã bị tiêu hao hết trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Do đó, nhiều khả năng vũ khí được quân đội Ukraine sử dụng để tấn công căn cứ Saki là hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Hệ thống này có thể bắn đạn tên lửa tầm xa tầm bắn khoảng 70 km và tên lửa chiến thuật lục quân có tầm bắn hơn 300 km. Nhưng chính quyền Joe Biden trước đó đã từ chối cung cấp tên lửa chiến thuật lục quân cho Ukraine vì lo ngại Ukraine có thể sử dụng vũ khí tầm xa này để tấn công sang lãnh thổ Nga. Mặc dù Mỹ không công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, nhưng nếu quân đội Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công Crimea thì vẫn có thể dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ của Nga. Đó mới là nguyên nhân chính của việc Lầu Năm Góc vội vã phủ nhận có liên quan đến vụ nổ ở sân bay Saky.

Trang web The Drive cho rằng, cũng có khả năng quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ do Đan Mạch cung cấp. Loại tên lửa này được dẫn đường bằng radar chủ động và có khả năng tấn công mặt đất. Tên lửa Harpoon có tầm bắn 100 km, nhưng nếu phóng từ trên không, nó có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Trước đây người ta cho rằng các máy bay chiến đấu do Nga sản xuất ở Ukraine không thể phóng tên lửa của phương Tây do các tiêu chuẩn kết nối tên lửa khác nhau. Tuy nhiên, Mỹ mới đây thừa nhận máy bay chiến đấu Ukraine đã nhiều lần sử dụng tên lửa chống bức xạ "HARM" do Mỹ sản xuất để bắn trúng các radar của Nga, điều này cho thấy Ukraine đã có được loại máy bay chiến đấu có thể phóng tên lửa của phương Tây.

Hình ảnh về các cố vấn của SAS (Anh) huấn luyện cho binh sĩ lực lượng đặc biệt Ukraine (Ảnh: Sohu).

Hình ảnh về các cố vấn của SAS (Anh) huấn luyện cho binh sĩ lực lượng đặc biệt Ukraine (Ảnh: Sohu).

Những khả năng khác

Nếu Mỹ nói thật về vụ đánh bom căn cứ Saky, thì quân đội Ukraine liệu có thể đã tự mình thực hiện cuộc tấn công? Tạp chí The Spectator của Anh ngày 12/8 cho biết cuộc tấn công có thể đã được lực lượng đặc biệt Ukraine lên kế hoạch và thực hiện. Đầu năm nay, các cơ quan truyền thông Anh tiết lộ rằng lực lượng đặc biệt SAS của Anh đang huấn luyện cho các binh sĩ địa phương ở Ukraine. Báo này viết: "Thâm nhập phía sau phòng tuyến của kẻ thù và phá hủy các căn cứ không quân và các cơ sở quan trọng khác của đối phương là điều mà SAS rất giỏi. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, lực lượng này ở Bắc Phi đã tiêu diệt hơn 200 máy bay của Italy và Đức trong một loạt các cuộc tấn công khốc liệt."

Tờ Eurasian Times của Ấn Độ lại phỏng đoán rằng vụ nổ ở căn cứ Saky có thể không phải là một cuộc tấn công từ xa mà là do các lực lượng đặc biệt Ukraine đến gần căn cứ điều khiển máy bay không người lái tự sát cỡ nhỏ mang thiết bị nổ để tiến hành cuộc tấn công. Tuy nhiên, dựa trên các dấu vết hư hại tại căn cứ Saky, chất nổ được sử dụng trong vụ nổ được cho là vượt xa khả năng mang theo của các máy bay không người lái cỡ nhỏ.

Tờ Kyiv Post của Ukraine dẫn phân tích của nhà báo quân sự Ukraine Andrei Chaplenko cho rằng Ukraine có thể đã sử dụng hệ thống tên lửa Thunder-2 mới được phát triển. Kyiv Post nói rằng loại tên lửa này có tầm bắn hơn 280 km, và mỗi tên lửa Thunder-2 có thể mang gần nửa tấn thuốc nổ và "có thể phá hủy các mục tiêu trong phạm vi 10.000 mét vuông". Nhưng báo này thừa nhận rằng giả thuyết này không được các nguồn khác xác nhận.

Tóm lại, cho đến nay bí ẩn vẫn đang trùm lên vụ nổ ở sân bay Saky. Tuy nhiên, người ta tin rằng dần dần bức màn bí mật sẽ được vén lên…