NHNN không dành ưu ái đặc biệt cho Hoàng Anh Gia Lai

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức xác nhận với phóng viên về việc cơ quan này sẽ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu khoản nợ của Hoàng Anh Gia Lai để Chính phủ xem xét quyết định. 
Hoàng Anh Gia Lai có rất nhiều tài sản là rừng trồng cao su ở các khu vực trọng yếu (ảnh: báo Gia Lai)
Hoàng Anh Gia Lai có rất nhiều tài sản là rừng trồng cao su ở các khu vực trọng yếu (ảnh: báo Gia Lai)

Ông Đông không tiết lộ chi tiết số nợ cần cơ cấu tại thời điểm này của Hoàng Anh Gia Lai mà chỉ cho biết doanh nghiệp này đang có dư nợ tại 8 ngân hàng, chứ không phải 11 ngân hàng như thông tin trước đó.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị cho vay lớn nhất, chiếm khoảng 50% dư nợ tại Hoàng Anh Gia Lai. 

Hiện NHNN đang hoàn thiện tờ trình Chính phủ về phương án tái cơ cấu cụ thể. Tuy nhiên, ông Đông cũng cho biết thêm, việc tái cơ cấu nợ là bình thường, ngành ngân hàng vẫn xem xét thực hiện khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Không có sự ưu ái đặc biệt nào với Hoàng Anh Gia Lai", ông Đông nhấn mạnh.

Theo số thống kê trước đó thì tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó có sự góp mặt của gần chục ngân hàng thông qua vay nợ trực tiếp hoặc “ôm” các khoản vay từ phát hành trái phiếu của chính doanh nghiệp này. Ba chủ nợ lớn nhất của HAGL gồm: BIDV với hơn 10.000 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng và VP Bank với 2.800 tỷ đồng...

Đối với BIDV, tại Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này được tổ chức cuối tháng 4/2016 vừa qua, khi cổ đông chất vấn về dư nợ của Hoàng Anh Gia Lai, ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc đã cho biết hiện dư nợ của BIDV còn 10.500 tỷ đồng, một nửa là dư nợ và một nửa là trái phiếu.

“Họ gặp khó khăn về thanh khoản chứ không mất khả năng trả nợ. Những dự án cao su trước đây với tổng hơn 50.000 ha cao su ở dọc biên giới Việt Nam Lào là khu vực trọng yếu. Nếu Hoàng Anh Gia Lai bán đi toàn bộ dự án khu vực này, chúng tôi hoàn toàn thu được nhưng sẽ có liên hệ chặt chẽ tới quốc phòng đất nước”, ông Tú nói.

Còn Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà đã cho biết: “Hoàng Anh Gia Lai quan hệ với BIDV 20 năm nay, vay trả song phẳng nhưng do tình hình thị trường nên có chậm. Khi họ khó khăn, cả 10 ngân hàng cho vay đều thấy cần trách nhiệm đồng hành hỗ trợ. Nếu bán toàn bộ thu đủ nợ gốc và có lãi nhưng họ bán rồi thì ai làm. Chúng ta phải có trách nhiệm vun đắp bình ổn thị trường chứ không bới móc ra”.

Ngoài BIDV đã có những bình luận về khoản nợ tại Hoàng Anh Gia Lai, còn đại diện các ngân hàng khác khi được hỏi đều từ chối thông tin thêm và hướng giải tái cấu trúc khoản nợ của "bầu" Đức.

Theo thông tin từ báo Tiền phong, vừa qua, các ngân hàng chủ nợ của HAGL đã “nhóm họp” tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình NHNN xin tái cơ cấu một số khoản nợ. Các ngân hàng thương mại đã xin cho HAGL được giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi một số khoản nợ (điều này một số ngân hàng đã chủ động làm trước đó). Xét thấy khó khăn của HAGL do nhiều yếu tố biến động của thị trường, tài sản đảm bảo vẫn còn nên các ngân hàng đã đồng thuận kéo dài thời gian trả lãi và gốc cho phù hợp hơn với công ty.

Được biết, điều mong đợi nhất của chính các “chủ nợ” và HAGL là được phép cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ một số khoản vay (để doanh nghiệp này đủ điều kiện vay tiếp và dòng tiền hoạt động để có cơ hội trả nợ cho các ngân hàng) đã được NHNN chấp thuận.  Điều đó cũng đồng nghĩa, thời gian tới HAGL sẽ được cứu.

Theo ĐTCK