Triển lãm “Nhịp thời gian” trưng bày 56 tác phẩm của ba họa sĩ Trần Huy Oánh, Phạm Công Thành và Đặng Thanh Huyền sẽ khai mạc chiều 19/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày tới hết ngày 23/11.
56 bức tranh là bộ sưu tập của họa sĩ, GS. Phạm Công Thành, một người thầy; họa sĩ, PGS. Trần Huy Oánh, nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, và nữ họa sĩ trẻ Đặng Thanh Huyền.
Ý tưởng của ba họa sĩ là triển lãm tranh “Nhịp thời gian” vào đúng dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bởi họa sĩ Phạm Công Thành và họa sĩ Trần Huy Oánh đều là những người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng mỹ thuật.
Những người thầy mà dẫu đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, mái tóc đã bạc trắng nhưng nhịp thời gian dường như không bao giờ ngừng trong huyết quản các nghệ sĩ - những hoaj sĩ có tên tuổi trong nền mỹ thuật Việt Nam.
“Nhịp thời gian ấy có một sức lan tỏa mãnh liệt trong tôi, thôi thúc tôi làm điều gì đó, như những nỗ lực tiếp nối, tìm tòi sáng tác từ những cảm xúc cá nhân và từ những điều học được ở các thầy” – Họa sĩ trẻ Đặng Thanh Huyền tự sự.
Tranh "Ca trù" của họa sĩ Phạm Công Thành
|
Thời gian là thứ quý báu nhất mà cuộc sống ban tặng cho mỗi người. Cung thời gian luôn là nguồn cảm hứng vô cùng ý nghĩa cho sáng tác hội họa. Một góc phố nhỏ, những con người bình dị gặp gỡ hàng ngày, những thời khắc chuyển mùa...
“Nhịp thời gian” với khán giả là một khúc giao mùa khi “Nắng chiều” rót mật trên hàng cây, là điệu “Ca trù” bỏ lơi trong heo may xao xác thổi về, là “Thiếu nữ quàng khăn”, là “Đợi” khi lá chuyển vàng rơi đầy ngõ nhỏ, là “Cảm xúc giao mùa”, là “Sớm tinh sương” đủ để cảm nhận cái không khí se lạnh buổi sáng...
Bộ sưu tập của họa sĩ, GS. Phạm Công Thành – một họa sĩ hiện thực vinh danh cái đẹp hoàn mỹ gồm 10 tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn từ 1985 “Những trang nhật ký” đến “Điện đã về bản” sáng tác năm 2010, chủ yếu với chất liệu sơn dầu.
GS. Phạm Công Thành luôn yêu thích nghệ thuật dân gian và lối vẽ hiện thực. Ông vẽ những gì có sẵn trong thiên nhiên và cuộc sống, tái hiện lại những vẻ đẹp hoàn mỹ, phong cảnh đồng quê, vùng núi tĩnh lặng, những bản làng đầy ắp các nhân vật với những khuôn mặt tươi rói, hồn hậu. Mỗi nét vẽ đều chi tiết, công phu, kỹ lưỡng thấm đượm chất trữ tình, chất nhân văn chỉ với một mục đích phản ánh hiện thực những điều tốt đẹp, sự trong sáng của con người và cuộc sống.
Quan điểm nghệ thuật của GS. Phạm Công Thành rất đơn giản, đó là sự tái hiện lại trong tranh những gì ngoài thiên nhiên và xã hội vốn có. Thiên nhiên luôn luôn đẹp, cuộc sống luôn đa dạng và thú vị. Tái hiện lại được đúng và chân thực những điều này đã là sự khó khăn mất rất nhiều thời gian và tâm sức.
Tranh "Nắng chiều" của họa sĩ Phạm Công Thành
|
Họa sĩ Trần Huy Oánh mang đến “Nhịp thời gian” 20 tác phẩm được vẽ gần như theo suốt cả cuộc đời đóng góp cho mỹ thuật hội họa của ông, từ “Bà mẹ Sán dìu” sáng tác năm 1964 đến “Họa sĩ già và người mẫu” sáng tác năm 2018, với các chất liệu sơn dầu, chì than, màu nước, màu bột trên vải, giấy và bìa.
Người yêu hội họa dịp 30/4 vừa rồi được thưởng thức bộ sưu tập “Ký họa thời chiến” của họa sĩ Trần Huy Oánh, là những ghi chép ở hậu phương miền Bắc, tuyến lửa khu 4 - Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên; Trường Sơn và Tây Nguyên trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh (giai đoạn 1965-1973). Những ký họa chân thực, sinh động, đẹp và có nhiều ý nghĩa của một thời không thể nào quên trong lịch sử dân tộc.
Các sáng tác của họa sĩ Trần Huy Oánh luôn là những mẫu mực trong sáng tạo trên nhiều chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, màu nước, ký họa và khắc gỗ. Với một bút pháp hiện thực phong cách hiện thực, bố cục đẹp, bút pháp phóng khoáng, khỏe khoắn, các tác phẩm của ông thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước.
Tranh "Cô gái Nhật Bản" của họa sĩ Trần Huy Oánh
|
Ở triển lãm lần này, các tác phẩm của họa sĩ Trần Huy Oánh dành trọn vẹn cho sự tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Hướng về cái đẹp hài hòa, ông đã khiêm nhường tôn trọng thần thái cuộc sống của mỗi nhân vật, vẫn tuân thủ những bút pháp hiện thực, phong cách hiện thực, bố cục đẹp hài hòa, phóng khoáng, các tác phẩm bộc lộ những khả năng đặc biệt của một họa sĩ bậc thầy, nhiều rung động.
Bộ sưu tập của nữ họa sĩ trẻ Đặng Thanh Huyền bao gồm 26 tác phẩm chọn lọc được ấp ủ trong thời gian 3 năm từ 2016 với “Hương sắc Hà thành” đến gần đây “Mưu sinh” và “Chở che”… phần lớn với chất liệu sơn dầu.
Đặng Thanh Huyền chỉ mới lần đầu xuất hiện trước công chúng nghệ thuật với triển lãm đầu tay mang tên “Hương sắc Hà thành” hồi đầu tháng 3/2019. Những tác phẩm nữ họa sĩ vẽ về Thủ đô như một món quà tặng cho vùng đất đã nuôi mình lớn.
Tranh "Lung linh sắc nắng" của họa sĩ Đặng Thanh Huyền
|
Tranh của Huyền, ẩn sau những nhát cọ trẻ trung, hồn nhiên trong veo như đôi mắt trẻ thơ, những bố cục đôi lúc táo bạo đến bất ngờ… là một vẻ đẹp đầy nữ tính của những sắc màu cây cỏ, hoa lá, thiên nhiên, cây cầu Thê Húc lung linh của bầu trời đêm huyền ảo màu xanh lục...
Huyền thuộc lớp nghệ sĩ trẻ, sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong bối cảnh các giá trị xã hội có nhiều đổi thay, nữ họa sĩ có những cách nhìn, cách nghĩ khác lớp nghệ sĩ đi trước về cùng một đề tài sáng tác.
Khởi đầu từ phong cách hiện thực lãng mạn tới ấn tượng, nữ họa sĩ khao khát tìm một lối đi cho riêng mình với những tác phẩm mang những thông điệp đầy tính nhân văn tới những vấn đề xã hội, môi sinh…
Tranh của Huyền đặt người xem vào một cảm xúc giữa cái thật của hiện tại và khát vọng về một sự đổi thay của ngày mai. Đó là “Dòng đời” với “Mưu sinh” và “Chở che”, đó là “Đói” và “Biển mồ côi” tới “Bình yên trên biển”...
"Hương xưa" của họa sĩ trẻ Đặng Thanh Huyền
|