Vài năm gần đây, V.League ngày càng phân cực, chức vô địch chỉ là chuyện của Hà Nội FC và một hai đội khác. Thậm chí có năm Hà Nội còn vô địch trước 5 vòng đấu, ngay sau lượt đi (13 vòng) đã thấy dáng dấp nhà vô địch. Cuộc chơi V.League chỉ còn gay cấn ở 2 vị trí cuối bảng xếp hạng. Hầu như mùa bóng nào cũng có 6-8 đội không có nhiều mục tiêu, dù để tham dự giải đấu cũng tốn 40-50 tỷ đồng.
K-League, mô hình rất khác
Số trận đấu của các CLB bóng đá Việt Nam cũng chỉ khoảng xấp xỉ 30, nên nhìn chung cầu thủ ít có điều kiện cọ xát học hỏi kinh nghiệm. Có thời, sân cỏ của quốc gia hơn 50 triệu dân này cũng vướng hệt như bóng đá Việt Nam bây giờ. Giải quốc gia với thể thức vòng tròn, gặp nhau 2 lượt sân khách-sân nhà như châu Âu. Khá nhiều đội, lượt về lâm vào tình trạng đã đủ điểm trụ hạng nhưng cũng không có khả năng vươn vào nhóm tranh đoạt huy chương.
Chỉ 12 đội nhưng K-League có 38 vòng đấu. Ảnh BTC K-League
|
Với những quốc gia nền quản lý bóng đá chưa đạt đến tầm chuyên nghiệp, đây là kẻ hở để nẩy sinh tình trạng mua, bán, nhường, tặng điểm. Những trận đấu như thế khiến cho trình độ cầu thủ không được nâng cao, rất nhiều cá nhân “té nước, theo mưa”.
Người Hàn tổ chức giải khá khoa học, K-League với sự tham dự của 12 đội bóng sẽ đá vòng tròn 3 lượt (tổng cộng 33 trận) để phân ra 2 nhóm. Tốp đầu gồm 6 đội sẽ bước vào loạt 5 trận cuối cùng phân hạng tìm ra nhà vô địch, tất nhiên 6 đội xếp cuối gặp nhau, để chạy đua suất xuống hạng.
Như vậy tuy chỉ có 12 đội, nhưng trong 1 mùa bóng, các CLB sẽ đá 38 vòng, nhiều hơn V.League có 14 đội nhưng chỉ có 26 vòng. Ngoài Hàn Quốc, một số nước ở châu Âu cũng áp dụng thể thức thi đấu này như Scotland, xứ Wales hay Israel. Chính sự cạnh tranh, gay cấn và quyết liệt của các trận đấu đã kéo các nhà tài trợ đến với sân cỏ và nâng tầm bóng đá xứ Kim Chi lên. Như thế, chỉ nội giải vô địch họ đã hơn chúng ta 12 vòng đấu. Cái chính là tạo động lực cho các đội cho đến những trận đấu cuối cùng.
Sống chung với Covid-19
Nếu như giải Hà Lan, Pháp đã buộc phải chấm dứt thi đấu và nhiều giải khác đang rục rịch theo chân thì sân cỏ Hàn quốc tự tin hơn rất nhiều. K-League sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 8/5/2020 sau khi Chính phủ chấp thuận các yêu cầu chống dịch Covid. BTC giải K-League cũng quy định khá chi tiết các trường hợp cầu thủ, HLV của bất cứ trận đấu nào dương tính với virus Covid.
Trường hợp giải bị chính phủ yêu cầu dừng đột xuất, không thể tiếp tục thì sẽ công nhận kết quả tại thời điểm đấy. Tất nhiên là các trận đấu đều diễn ra trong điều kiện không có khán giả, các thành viên BTC, đội bóng đều phải bị kiểm tra thân nhiệt trước trận đấu, bỏ qua các thủ tục chào hỏi, bắt tay. Kịch bản tổ chức được cho là chi tiết và khả thi.
K-League sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 8/5/2020 sau khi Chính phủ chấp thuận các yêu cầu chống dịch Covid-19. Ảnh BTC K-League
|
Theo ông HLV Chung Hae-Seong (CLB TP Hồ Chí Minh), ưu việt của mô hình này là số CLB ít nhưng số trận trong mùa giải cũng xấp xỉ giải châu Âu 18, 20 đội. Tính cạnh tranh đến giờ phút cuối nên K-League rất ít có những trận đấu thủ tục như V.League, về đích lại toàn cầu thủ dự bị ra sân.
Để tổ chức K-League trong dịp dịch Covid-19, người Hàn chỉ cần cắt đi một vòng đấu, đá vòng tròn hai lượt. Điều này sẽ giúp mùa giải diễn ra trong trọn vẹn năm 2020, không kéo dài sang năm 2021.
Cần đổi mới
BTC V.League 2020 cũng có thể học tập K-League chỉ đá vòng tròn một lượt, chọn 6 đội tranh ngôi vô địch, 8 đội còn lại đá trụ hạng. Sẽ có chút thiệt thòi khi nếu chỉ đá vòng tròn một lượt sẽ có đội lợi thế 7 trận sân nhà, nhưng trong bối cảnh đá không có khán giả, thì những đội đá 6 trận sân nhà cũng dễ chấp nhận.
Chắc chắn VPF sẽ phải đưa ra một phương án theo cách "ít ảnh hưởng nhất" đến các CLB để hoàn thành giải đấu năm nay. Nhưng về lâu dài, không chỉ V.League 2020, đã đến lúc VPF cũng cần cải tiến điều lệ giải vô địch để tránh đi những trận đấu thủ tục, trong đó K-League là mô hình rất đáng để tham khảo, học tập.
Có lẽ đã đến lúc VPF cần mời các chuyên gia bóng đá nước ngoài đến tư vấn, cải tiến V.League để ngày càng hấp dẫn hơn. Những tư duy trong quản lý, điều hành hiện nay đã chạm trần, dịp đại dịch Covid-19 cũng là lúc để chúng ta làm mới bóng đá Việt.