Hai năm qua, ông Park đã khá thành công với sơ đồ 3-4-3, trong các tình huống đá phòng ngự phản công. Nhưng có vẻ như các đội bóng Đông Nam Á đã phần nào bắt bài lối chơi đặc trưng của các đội tuyển Việt Nam. Bản thân ông Park trước khi lên đường dự SEA Games 30 đã từng chia sẻ: “Đã có lúc tôi nghĩ đến phương án chơi với 2 tiền đạo, nhưng không phải lúc này, tôi chưa có các cầu thủ ứng ý trong tay’.
Liệu cơm gắp mắm
Vẫn chơi với sơ đồ 3-4-3 nhưng U22 Việt Nam không có người chia bài tốt như Tuấn Anh.Trước đây, cầu thủ HAGL không mạnh trong tranh chấp, phải chờ đồng đội cướp đường bóng chuyền cho thì đội tuyển mới có cơ hội phản công. Nay cải thiện đáng kể kỹ năng tranh chấp, Tuấn Anh đã tự mình tranh bóng và chuyền bóng cho tuyến trên. Khả năng chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công của đội tuyển nhanh hơn rất nhiều, tất nhiên vì thế đối phương khó chống đỡ hơn.
Hiện nay các cặp tiền vệ trung tâm Hùng Dũng- Hoàng Đức, Thanh Sơn- Việt Hưng sau khi đoạt bóng thường có thói quen đi bóng vài nhịp rồi mới phản công đã tạo điều kiện cho đối phương dày đặc phòng ngự. Ngoại trừ Trọng Hùng, U22 Việt Nam không có cầu thủ có lối đi bóng lắt nhắt, khoan vào nách các trung vệ. Nên với việc số cầu thủ phòng ngự nhiều hơn các cầu thủ tấn công Việt Nam, chúng ta gặp khó khăn.
Ông Park đang toan tính đội hình đối đầu với người Thái. Ảnh VF.
|
Trong trận gặp U22 Indonesia, trong tình thế bị dẫn trước từ sai lầm của Tiến Dũng, ông Park đã lôi Trọng Hoàng từ một tiền đạo cánh xuống chơi ở vị trí hậu vệ biên. Ông tung Đức Chinh vào đá cặp với Tiến Linh, tất nhiên khi đó Quang Hải không còn bám biên như thường lệ mà chơi hộ công sau 2 mũi nhọn này. Lúc đó Văn Hậu và Trọng Hoàng sẽ quán xuyến 2 biên, cơ động cả trong tấn công lẫn phòng ngự.
Lối chơi bóng bổng
Với 7 cầu thủ có chiều cao trên 1.80m thì ông Park tập luyện nhiều đến các tình huống đá phạt góc. Ngoài việc Đức Chinh, Tiến Linh làm cầu nối đứng gần cột 1 hoặc cột 2 thì việc các trung vệ có chiều cao tốt cũng được yêu cầu lên tham gia. Nếu như trận thắng U22 Indonesia, bóng được tìm đến cái đầu của Thành Chung thì trong trận đá với U22 Singapore, bóng được Hùng Dũng chuyền đến cho Văn Hậu, đứng phía cột 2 trả lại cho Đức Chinh ghi bàn.
Bàn thắng từ cú sút xa tuyệt đẹp của Hoàng Đức có phần may mắn, nhưng nó xuất phát từ việc ông Park đã chỉ đạo cầu thủ của Viettel đá cao hơn thường lệ. Khi thể lực các cầu thủ U22 Indonesia giảm sút, ông thầy người Hàn đã gia tăng sức ép.
Đây là những bàn thắng mà các cầu thủ U22 Việt Nam đã phải tập đi, tập lại rất nhiều lần trong quá trình chuẩn bị SEA Games 30. Người ta còn thấy tình huống Hùng Dũng từ cột góc chuyền bóng cho cầu thủ tuyến 2 đứng ngay trước khu vực 16,5m bắt volley. Vài tình huống phạt góc, các cầu thủ Việt Nam đã dùng miếng chạy cắt mặt đánh đầu nhưng chưa thành bàn vì thiếu độ chính xác cầu thiết.
Đa dạng lối đá
Sự đa dạng trong cách ghi bàn đã khiến cho các đối thủ gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn động tác Hà Đức Chinh cầm bóng, rê dắt có phần luẩn quẩn trước 2-3 cầu thủ U22 Singapore người ta tưởng như được tung vào sân chỉ để đảm nhận nhiệm vụ thu hút người, quấy rối.
Chấn thương của Quang Hải khiến ông Park phải điều chỉnh chiến thuật. Ảnh CF
|
Nhưng khi có cơ hội, anh cũng đã bất ngờ ghi bàn trong sự ngỡ ngàng của đối phương. Ngay cả cách thay người của ông Park cũng khiến cho đối thủ bất ngờ. Khi Quang Hải chấn thương, ông lại đưa Hùng Dũng là tiền vệ trung tâm vào tay. Người ta vẫn có cảm giác, ông Park vẫn đang cất bài để đối phó với người Thái.
Đối với SEA Games, chỉ có 20 cầu thủ trong tay, mật độ thi đấu 2 ngày/trận thì việc bố trí xoay tua nhiều là điều cần thiết. Nhưng có lẽ U22 Việt Nam là đội duy nhất mỗi trận ra sân với hàng hậu vệ, thủ môn khác nhau là điều khác thường.