Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lấy ví dụ về lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chuyển đổi số, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các ban, bộ, ngành, địa phương chưa làm được việc này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thông tin được đưa ra tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban chủ trì diễn ra ngày 24/4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, là động lực tăng trưởng mới. Vì vậy, phải đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, trong đó chú trọng xây dựng hoàn thiện thể chế. Quá trình chuyển đổi số phải lưu ý một số nội dung, trong đó hoạt động phải đúng luật, đúng quy định; tiếp tục đẩy mạnh đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số, cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng số.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao hiệu lực quản lý trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phòng, chống thất thu thuế trong những lĩnh vực dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, điện tử.

“Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp minh bạch, kiểm soát được dòng tiền, nguồn hàng. Nếu không minh bạch thì khó kiểm soát”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Nhấn mạnh chủ đề phát triển kinh tế số với 4 trụ cột, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải nhận diện rõ những rào cản, điểm nghẽn, nguyên nhân và giải pháp liên quan đến chuyển đổi số, qua đó chia sẻ cách làm hay, những bài học kinh nghiệm quý giá; tập trung thảo luận các giải pháp trọng tâm để thực hiện, nhất là những giải pháp mang tính đột phá.

“Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Mỗi bộ, ngành, địa phương cần có đề án chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số còn chậm.

“Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Bộ, ngành nào mà Bộ trưởng, Thứ trưởng quan tâm tới chuyển đổi số thì kết quả khác ngay, điển hình như Bộ Công an, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cũng chỉ ra việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách hiện nay còn chưa kịp thời. Còn 390/1.086 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo các nghị quyết của Chính phủ. Còn 7/63 địa phương chưa ban hành nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, chưa thực sự thu hút người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu rất thấp, tính kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu còn kém, gây lãng phí.

330_thu truong ngoc.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia.

Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 chiến lược về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Về phát triển dữ liệu số, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.

“Mỗi bộ, ngành, địa phương phải có đề án chuyển đổi số như Bộ Công an đã làm và kết nối với Đề án 06”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao Bộ Công an phổ biến kinh nghiệm để các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số; hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh; xây dựng Hệ thống kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia và tại các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và ban hành phương pháp, tiêu chí đo lường chỉ tiêu thống kê về tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP và trong các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế số của nước ta sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.