Thực trạng một số hiện vật lịch sử
Nói đến ngành viễn thông Việt Nam, nhờ có Đài Vệ tinh mặt đất Hoa Sen 1 đặt tại tỉnh Hà Nam do Liên Xô viện trợ năm 1980, lần đầu tiên Việt Nam đã được kết nối viễn thông qua vệ tinh mặc dù dung lượng khi đó chỉ có 16 kênh thoại và 1 kênh truyền hình. Cũng nhờ có đài Hoa Sen, khán giả truyền hình Việt Nam đã được xem truyền hình trực tiếp Olympic Moscow và chứng kiến chuyến du hành vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân khi đó. Để ghi nhận cho tiến bộ khoa học này, có một nhạc sĩ đã sáng tác bài hát về Đài Hoa Sen.
Ngày nay, công nghệ viễn thông tại Việt Nam đã hiện đại hơn rất nhiều so với khi khi đó. Và đương nhiên, đài Hoa Sen đã không còn khai thác, sử dụng từ lâu. Đã có người đặt vấn đề với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) để tổ chức tham quan đài Hoa Sen nhằm hiểu được về công trình lịch sử này. Tuy nhiên, công trình này chỉ còn sót lại chảo parabol hiện đã được tháo dỡ và "an tọa" tại Trung tâm kỹ thuật vệ tinh Quế Dương (Hà Nội).
Cũng phải nói đến những máy tính cỡ lớn ở thời kỳ 1980 trở về trước của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Thống kê, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam… thì nay cũng không còn vì về cơ bản đã được bán thanh lý khi công nghệ tính toán chuyển sang dùng những chiếc máy vi tính hiện đại và nhỏ gọn hơn rất nhiều.
Thời kỳ những năm 1980 trở về trước, Đài Truyền hình Việt Nam phải sử dụng các máy telecine để chuyển hình ảnh từ phim nhựa thành tín hiệu truyền hình nhằm phục vụ nhu cầu phát sóng. Sau này khi công nghệ video hoàn toàn thay thế, được biết các máy telecine này đã bị thanh lý và không biết có nhà sưu tầm nào mua lại thiết bị này hay không.
Có lẽ còn rất nhiều ví dụ khác về câu chuyện của những thiết bị công nghiệp, công nghệ, đã từng một thời đóng vai trò quan trọng trong các Bộ, ngành.
Cần giữ gìn các di sản công nghiệp cho tương lai
Theo PGS TS Nguyễn Văn Huy – nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, các Bộ, ngành có lẽ phải có ngân sách dành cho việc bảo tồn, lưu giữ những thiết bị có giá trị lịch sử; có sự hợp tác với nhau trong việc giữ gìn di sản truyền thống của ngành, lĩnh vực, đơn vị. Giữ gìn ở đây không chỉ là giáo dục mà phải quan tâm tích luỹ các tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử để làm phòng truyền thống, bảo tàng ngành. Những hiện vật đó rất quan trọng với thế hệ sau.
Không chỉ có niềm đam mê cùng ý thức lịch sử, TS Nguyễn Chí Công – một chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) có uy tín đã giành ra không gian không nhỏ tại nhà riêng của mình ở Hà Nội để thành lập Bảo tàng CNTT. Và hiện tại, đây cũng là bảo tàng duy nhất về CNTT tại Việt Nam. Cá nhân ông đã lưu giữ, sưu tầm và kêu gọi đóng góp được rất nhiều hiện vật có giá trị của lịch sử CNTT Việt Nam. Thậm chí, ngay cả đến Tập đoàn FPT cũng có lúc phải mượn các hiện vật của ông để trưng bày trong những dịp kỷ niệm thành lập. Thế nhưng những nhà sưu tầm như TS Nguyễn Chí Công hết sức ít ỏi và không thể bao phủ hết các ngành nghề.
Thế hệ trẻ Việt Nam chắc chắn rất cần biết về lịch sử công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước mà trong đó không thể thiếu các di sản công nghiệp được lưu giữ lại một cách nghiêm túc. Nên chăng các Bộ, ngành cần có sự quan tâm nghiêm túc về việc lưu giữ các di sản công nghiệp cho thế hệ mai sau.