|
Bộ trưởng Giao thông và Thông tin Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Arslan. Ảnh: Cankao |
Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 31/10 cho hay sau sự kiện đảo chính quân sự bất thành hồi mùa hè năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên khởi động kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở quy mô lớn.
Kế hoạch này bao gồm dự án xây dựng đường cao tốc và cây cầu treo dài nhất thế giới, tổng kinh phí dự án lên tới 3 tỷ USD.
Ngoài các tập đoàn IHI và Itochu của Nhật Bản, các doanh nghiệp Hàn Quốc và Trung Quốc cũng tìm cách giành lấy hợp đồng. Đối với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang lo ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi, sự thành bại của kế hoạch này sẽ trở thành hòn đá thử vàng trong thu hút đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dự án đường cao tốc ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ (trong đó có cầu treo bắc qua eo biển Dardanelles) dài toàn bộ khoảng 100 km. Giữa các tháp chính của cầu treo dài 2.023 m.
Thổ Nhĩ Kỳ sớm nhất sẽ xác định nhà thầu dự án vào tháng 2/2017, tranh thủ hoàn thành trước năm 2023, khi đó tròn 100 thành lập nước. Dự án áp dụng hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao). Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/10 đã công bố thông cáo đấu thầu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Thông tin Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Arslan đã có một cuộc phỏng vấn liên quan.
Về các doanh nghiệp có triển vọng tham gia tranh thầu, ông Ahmet Arslan cho biết ngoài các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc từng xây dựng cầu treo lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Trung Quốc cũng "đang nỗ lực tranh giành".
Ngoài ra, ông Ahmet Arslan còn đề cập đến các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu cũng có thể tham gia, cho biết "trông đợi triển khai cạnh tranh quyết liệt". Ông cho biết theo tính toán, kinh phí dự án cầu treo là 2,5 tỷ USD, phần đường cao tốc là 500 triệu USD.
Sau sự kiện đảo chính quân sự bất thành trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu trấn áp các thế lực chống chính phủ, điều này đã gây ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Cơ quan xếp hạng Mỹ đã hạ thấp đánh giá trái phiếu chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ.