Nhật ráo riết triển khai chiến lược phòng thủ đại dương

Nhật Bản đang tích cực triển khai chiến lược nhằm ngăn chặn ý đồ Trung Quốc đơn phương thống trị khu vực tây Thái Bình Dương.
Chiến hạm Nhật Bản trong một cuộc diễn tập - Ảnh: The Japan Times

Ngày 18.12, Reuters dẫn lời nhiều giới chức, chuyên gia của Mỹ và Nhật Bản nhận định tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang ngày càng trở nên gắn kết với nhau. 

Điều này xuất phát từ chiến lược của Trung Quốc cho rằng cần chiếm lĩnh cả hai vùng biển để chọc thủng “chuỗi đảo thứ nhất”. Đây là khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc trải dài từ quần đảo Kuril ở phía bắc qua Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia. 

Lâu nay, Trung Quốc vẫn xem chuỗi đảo là “hàng rào kẽm gai” ngăn chặn nước này tiến ra biển và trở thành một thế lực toàn cầu. “Trong 5 hoặc 6 năm tới, chuỗi đảo thứ nhất sẽ có vai trò quan trọng trong việc cân bằng quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ - Nhật”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto khẳng định.

Tương tự, chuyên gia Kevin Maher, từng là quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định: “Mục tiêu của Trung Quốc là giành quyền kiểm soát ở Biển Đông và biển Hoa Đông” để đẩy Mỹ rút về chuỗi đảo thứ hai (ý chỉ đảo Guam và các đảo xung quanh - NV) hoặc thậm chí là chuỗi đảo thứ ba (Hawaii).

Trước tình hình trên, Nhật Bản đang ra sức thực hiện chiến lược phòng thủ cho các đảo hẻo lánh trên biển Hoa Đông và sẵn sàng mở rộng sang Biển Đông khi cần, theo Reuters.

Úc cảnh báo về Biển Đông

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Yomiuri Shimbun nhân chuyến thăm Nhật Bản ngày 18.12, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nhấn mạnh Canberra kêu gọi tất cả các bên tham gia tranh chấp ở Biển Đông có hành động kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo ông, các bên cần nhớ rằng bất kỳ hành động dẫn đến hoặc đẩy căng thẳng leo thang đều phản tác dụng.

Tăng cường lực lượng, bổ sung khí tài

Theo chiến lược nói trên, chính quyền Tokyo đã triển khai dây chuyền khẩu đội tên lửa phòng không và đối hạm dọc 200 đảo nhỏ trên biển Hoa Đông, bao trùm một khu vực trải dài 1.400 km từ 4 đảo chính của Nhật hướng tới Đài Loan. 

Trong đó, những tên lửa chống tàu được thiết kế cách đây 30 năm để ngăn tàu đổ bộ Liên Xô tiếp cận Hokkaido, quần đảo cực bắc của Nhật, đang được huy động tạo lá chắn phòng thủ dọc nhóm đảo tây nam nước này. 

Ngoài ra, trong vòng 5 năm tới, Nhật sẽ tăng số lượng binh sĩ đóng trú ở các đảo trên biển Hoa Đông thêm 1/5, lên gần 100.000 người. Trách nhiệm chính của lực lượng này là điều khiển các khẩu đội tên lửa, trạm radar cảnh báo sớm và sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một nguồn lực vô cùng hùng hậu gồm các đơn vị lính thủy đánh bộ, tàu ngầm tàng hình, chiến đấu cơ F-35, xe tác chiến đổ bộ, tàu khu trục trực thăng…

Tuy lâu nay quá trình triển khai hoàn toàn được công khai nhưng đây là lần đầu tiên giới chức Nhật nói thẳng mục đích là nhằm ngăn chặn hải quân Trung Quốc mở rộng hiện diện ở tây Thái Bình Dương, theo Reuters. 

Các sĩ quan cao cấp của Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) còn nhận định chiến lược này có thể được xem là “Phiên bản Tokyo” của học thuyết quân sự Chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2/AD) mà Trung Quốc đang dùng để ứng phó Mỹ và đồng minh. 

Cụ thể, tàu Trung Quốc xuất phát từ bờ biển phía đông nước này muốn ra biển lớn hoặc xuống Biển Đông để chi viện cho Hạm đội Nam Hải khi cần sẽ đi qua lá chắn tên lửa dày đặc của Nhật.

Lật lại thế cờ

Theo Reuters, Nhật Bản trên thực tế, đã bắt đầu tiến hành chiến lược ứng phó các nguy cơ trên biển từ năm 2010. Khi đó, chính phủ tiền nhiệm của đảng DPJ đã thay đổi từ học thuyết quân sự đã thống trị nước này suốt nhiều năm là tập trung phòng thủ Hokkaido để ngăn chặn Liên Xô, sau này là Nga, sang tập trung bảo vệ chuỗi đảo tây nam.

 Nghị sĩ Akihisa Nagashima thuộc DPJ lý giải: “Tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối của Mỹ là một yếu tố dẫn đến thay đổi. Chúng tôi muốn làm điều có thể để bảo vệ chính mình và giúp đảm bảo các đồng minh, đối tác trong khu vực triển khai quân một cách ổn định”.

Giới chính trị gia và quân sự Nhật tin rằng chiến lược mới sẽ mang lại cho nước này khả năng phòng thủ đáng gờm. “Hơn cả A2/AD, chúng tôi dùng thuật ngữ “Uy thế trên biển và vượt trội trên không” để mô tả những gì đang làm”, ông Yosuke Isozaki, người vừa rời vị trí cố vấn thứ nhất của Thủ tướng Shinzo Abe, tiết lộ với Reuters.

Bên cạnh đó, Giáo sư Toshi Yoshihara tại Trường Chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng Tokyo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm an ninh và ổn định tại tây Thái Bình Dương, từ Biển Đông đến Hoa Đông, hỗ trợ khả năng tự do di chuyển của hải quân Mỹ trong khu vực, phối hợp với đồng minh trong trường hợp xảy ra xung đột cũng như đưa quân ứng cứu các nước đối tác và bạn bè theo luật phòng vệ tập thể vừa được “cởi trói” vài tháng trước. 

Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc đang tính toán rằng nước này đủ khả năng chiến thắng trong một cuộc xung đột nhỏ, chớp nhoáng và ngắn hạn trên biển.

Phía Nhật kỳ vọng “Uy thế trên biển và vượt trội trên không” sẽ khiến Trung Quốc nhận ra tình hình sẽ không dễ dàng như những gì họ tưởng, từ đó tự kiềm chế trong tranh chấp cũng như bỏ ý đồ dùng vũ lực thay đổi hiện trạng khu vực. “Hiện nay, bạn có thể nói rằng Nhật đang lật lại thế cờ trong khu vực”, chuyên gia Yoshihara nói với Reuters.

Theo Thanh Niên