|
Sau Mỹ, Australia và New Zealand nay đến lượt các sản phẩm của Huawei và ZTE bị Nhật cấm cửa. |
Hôm 10, chính phủ Nhật đã chính thức loại bỏ các sản phẩm của Huawei và ZTE ra khỏi danh mục mua sắm nội bộ. Sau đó, 3 nhà mạng di động lớn của Nhật là SoftBank, NTT Docomo và KDDI cũng sẽ hành động phối hợp với chính phủ bằng cách loại bỏ các sản phẩm của Huawei và ZTE ra khỏi danh mục các thiết bị thông tin định mua sắm.
Theo Kyodo, tuy chính phủ Nhật không trực tiếp nhắc đến tên Huawei và ZTE để tránh gây tác động xấu đến quan hệ Nhật – Trung và dẫn đến tình hình người tiêu dùng tẩy chay mua hàng. Thế nhưng, Chánh văn phòng nội các, ông Yoshihide Suga đã giải thích rõ trong cuộc họp báo: “Việc không mua các thiết bị được cài đặt tính năng độc hại như đánh cắp và hủy thông tin là cực kỳ quan trọng”. Phát biểu của ông được đánh giá là rất mạnh mẽ.
Các cơ quan truyền thông Nhật như báo Yomiuri Shinbun, đài truyền hình Fuji hôm 7.12 đã biết được thông tin do quan chức chính phủ tiết lộ về việc chính phủ Nhật do lo ngại xảy ra việc lộ lọt tin tình báo và bị tấn công mạng nên đã quyết định không mua sắm các sản phẩm của 2 công ty Trung Quốc Huawei và ZTE. Đài Fuji TV còn dẫn lời một quan chức liên quan của Đảng Dân chủ Tự do tiết lộ: “Chính phủ khi tháo dỡ thiết bị của Huawei đã phát hiện ra trong đó có những linh kiện dư thừa không cần thiết”.
|
Ông Yoshihide Suga giải thích về việc loại bỏ sản phẩm Huawei và ZTE: “Việc không mua các thiết bị được cài đặt tính năng độc hại như đánh cắp và hủy thông tin là cực kỳ quan trọng”
|
Như vậy, Nhật lại là đồng minh tiếp theo của Mỹ cấm cửa thiết bị thông tin của Huawei sau các nước Mỹ, Australia và New Zealand. Huawei bị nghi ngờ tiến hành hoạt động gián điệp do có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Xuất phát từ an ninh quốc gia, từ tháng 8 năm nay, Mỹ đã cấm các cơ quan chính phủ và các nhà thầu sử dụng các sản phẩm thiết bị của Huawei và ZTE; gần đây Mỹ còn khuyến cáo quan chức chính phủ và giới quản lý viễn thông của các nước đồng minh Đức, Nhật và Italy cũng làm như họ.
Trước quyết định cấm mua các thiết bị Huawei và ZTE của chính phủ Nhật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng bày tỏ bất bình, nhưng cách dùng từ rất thận trọng, thể hiện thái độ với Nhật khác xa thái độ với Mỹ.
Trang tin Đa Chiều cho biết, ngày 10.12, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói tại cuộc họp báo: “Chúng tôi chú ý đến việc chính phủ Nhật hôm nay ban hành quy định mua sắm mới của chính phủ. Phía Trung Quốc trước đây đã liên lạc với phía Nhật qua đường ngoại giao. Ông Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga khi trả lời câu hỏi của các nhà báo đã bày tỏ, trong quy định liên quan của chính phủ Nhật không nhằm mục đích loại bỏ sản phẩm hay công ty riêng biệt nào”.
Lục Khảng nói: “Điều cần nhấn mạnh là, bản chất của việc các công ty Trung Quốc hợp tác đầu tư ở Nhật là cùng có lợi, cùng thắng. Phía Trung Quốc nhất quán khuyến khích công ty Trung Quốc triển khai hợp tác đầu tư tại nhật trên cơ sở căn cứ nguyên tắc thương mại và quy tắc quốc tế, tuân thủ pháp luật nước sở tại. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu phía Nhật tạo điều kiện môi trường công bằng, minh bạch, không kỳ thị cho các công ty Trung Quốc phát triển kinh doanh ở Nhật. Phía Trung Quốc theo dõi chặt chẽ tình hình thực thi những quy định liên quan của phía Nhật. Điều quan trọng là, hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty Trung Quốc tại Nhật không chịu bất cứ sự đối xử kỳ thị nào”.
Phát biểu của ông Lục Khảng được coi là “thận trọng, nhẹ nhàng”. Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật đã “kịch liệt phản đối” việc chính phủ Nhật loại bỏ các sản phẩm của Huawei và ZTE ra khỏi danh mục sản phẩm mua.