Nhật, Mỹ kéo Anh, Pháp tập trận liền 20 ngày khiến Trung Quốc bất an

VietTimes -- Việc làm này của Mỹ và Nhật Bản nhằm các mục đích khác nhau - Mỹ muốn tăng cường khả năng lãnh đạo, còn Nhật Bản thúc đẩy trở thành "quốc gia bình thường". Trung Quốc giữ cảnh giác với động thái mới này.
Tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral, Hải quân Pháp. Ảnh: AP/The Guardian

Trang tin Đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 8/5 dẫn nguồn tin từ Nhật Bản cho hay bắt đầu từ ngày 5/5, ở duyên hải Nhật Bản diễn ra một cuộc tập trận chung có sự tham gia của 4 nước bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh và Pháp.
Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên diễn ra trong khuôn khổ 4 nước này. Nội dung tập trận ngoài huấn luyện trên biển thông thường, còn gồm có nội dung khá nhạy cảm là diễn tập đổ bộ - tức là diễn tập "đánh chiếm đảo".
Tập trận 20 ngày trên Tây Thái Bình Dương
Theo giới thiệu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cuộc tập trận chung giữa 4 nước Nhật, Mỹ, Anh và Pháp diễn ra từ ngày 3 đến ngày 22/5/2017, tức khoảng 20 ngày.
Tờ The Japan Times Nhật Bản cho biết có 700 binh sĩ tham gia tập trận, bao gồm 220 binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, 60 binh sĩ Hải quân Anh và binh sĩ quân đội các nước Mỹ, Pháp. Địa điểm tập trận gồm có duyên hải Nhật Bản, vùng biển Guam và quần đảo Northern Mariana.
Ngày 29/4, tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Hải quân Pháp đến căn cứ Sasebo, Nagasaki, Nhật Bản. Tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral dài khoảng 200 m, rộng khoảng 30 m. Tàu sẽ tham gia cuộc tập trận lần này.

Tàu sân bay trực thăng Izumo hộ tống tàu tiếp tế Hải quân Mỹ. Ảnh minh họa: Newsrep.net

Theo sắp xếp, tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral Hải quân Pháp ngày 5/5 chở binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Thủy quân lục chiến Mỹ khởi hành từ căn cứ Sasebo, tiến hành huấn luyện thông tin với tàu vận tải của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và huấn luyện cất hạ cánh với máy bay trực thăng vận tải cỡ lớn CH-47 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản ở duyên hải Nhật Bản.
Cuộc tập trận sau đó chuyển tới Guam, Mỹ, từ ngày 11 đến ngày 14/5 tiến hành huấn luyện đổ bộ bằng tàu. Địa điểm tập trận cuối cùng chuyển tới đảo Tinian thuộc quần đảo Northern Mariana, một bang tự trị của Mỹ. Toàn bộ vùng biển diễn tập chạy dọc nam - bắc Tây Thái Bình Dương với chiều dài hơn 2.500 km.
Mục đích tập trận
Bài viết nghi ngờ về mục đích diễn tập khoa mục "đánh chiếm đảo" của 4 nước Nhật, Mỹ, Anh và Pháp. Theo bài viết, những năm gần đây, Nhật Bản thường xuyên lấy lý do "mối đe dọa Trung Quốc", tìm cách lôi kéo các nước thành viên NATO như Anh, Pháp can thiệp vào các vấn đề của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận 4 nước lần này không chỉ bao gồm huấn luyện trên biển thông thường, mà còn gồm có diễn tập "đánh chiếm đảo" nhạy cảm, ý đồ đối phó Trung Quốc rất rõ ràng.

Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận đổ bộ "đoạt đảo" tại Mỹ. Ảnh: Sina

Đáng chú ý, Mỹ hy vọng lôi kéo các nước NATO tham gia để nâng cao khả năng hiệu triệu của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, là một nước "không bình thường", Nhật Bản hy vọng thông qua tổ chức tập trận chung với quân đội các nước khác để các nước khác từng bước quen với việc Nhật Bản chuyển đổi thành "nước bình thường".
Ngoài ra, Nhật Bản có thể đang muốn tận dụng "hiệu ứng thương hiệu" của một số nước NATO để mở ra thị trường quốc tế cho vũ khí trang bị do Nhật Bản sản xuất.
Thời gian biểu sửa đổi Hiến pháp
Cuộc tập trận 4 nước lần đầu tiên giữa Nhật, Mỹ, Anh và Pháp đã lựa chọn bắt đầu từ duyên hải Nhật Bản. Trong khi đó, quá trình tập trận lại có khoa mục đổ bộ "đánh chiếm đảo" với sự tham gia của binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Liên hệ đến một loạt lời nói và hành động (gồm hành động quân sự) gần đây của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, không thể không gây chú ý cho dư luận.
Bởi vì, vài ngày trước (ngày 3/5), đúng vào ngày kỷ niệm tròn 70 năm "Hiến pháp hòa bình" Nhật Bản có hiệu lực, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng ngày đã tuyên bố rõ ràng rằng muốn tranh thủ để có được bản Hiến pháp mới vào năm 2020, muốn đưa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào Điều 9 của Hiến pháp.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: South China Morning Post

Theo báo chí Nhật Bản, hành động này của ông Shinzo Abe là nhằm loại bỏ trở ngại của Điều 9 Hiến pháp, tiếp tục thực hiện tham vọng chính trị, thoát ra khỏi sự trói buộc của "Hiến pháp hòa bình", đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia "bình thường".