|
Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: Cankao |
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc và Nhật Bản có tầm nhìn khác nhau đối với hiệp định thương mại châu Á, hiện đã hình thành cục diện "giằng co" giữa Nhật Bản, Australia và Trung Quốc, các bên đạt được hiệp định sẽ rất khó khăn.
Các nỗ lực xây dựng hiệp định thương mại châu Á lớn của các bên đã tăng lên, Trung Quốc và Nhật Bản đang thúc đẩy đạt được hiệp định ở các cấp độ khác nhau, hiệp định này bao phủ gần một nửa dân số thế giới và 1/3 sản lượng kinh tế thế giới.
Trung Quốc đang thúc đẩy một hiệp định "chất lượng thấp" tập trung vào giảm thuế giữa ASEAN và các nước láng giềng của họ, từ đó tìm cách nhanh chóng đạt được Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trung Quốc giữ thái độ thận trọng với các quy tắc thương mại có độ minh bạch cao.
Nhưng các quan chức Nhật Bản và ASEAN lại kiên trì cho rằng RCEP không nên do người Trung Quốc đứng đầu. Những quan chức này cho rằng, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định TPP, Trung Quốc mô tả họ là người bảo vệ thương mại tự do toàn cầu.
Tokyo và Canberra muốn có một hiệp định RCEP chất lượng cao, bao quát cả ngành dịch vụ và đầu tư. Họ phần nào muốn kéo Mỹ quay trở lại bàn đàm phán TPP. Đặc biệt, Nhật Bản làm như vậy là để doanh nghiệp của họ triển khai hoạt động kinh tế tốt hơn ở khu vực.
Kết quả chính là diễn ra một cuộc thi "kéo co", Nhật Bản và Australia đứng về một bên, còn bên kia là Trung Quốc. Phần thưởng cho cuộc thi này là một hiệp định có thể xây dựng lại thương mại toàn cầu, kết nối kinh tế của khu vực có dân số đông nhất thế giới và làm cho chuỗi cung ứng của khu vực có sức cạnh tranh hơn, gây ảnh hưởng to lớn đến chiến lược và hoạt động làm ăn của Mỹ tại khu vực.
Một đại diện đàm phán của Nhật Bản cho rằng: "Hiện tại, RCEP mới là hiệp định thương mại tự do lớn nhất, có sức sống đầy đủ".
Các cuộc đàm phán RCEP làm thế nào để thích ứng với cục diện hiện nay sẽ trở thành vấn đề quan trọng của một hội nghị được tổ chức ở Chile trong tuần này. Tại hội nghị lần này, các nền kinh tế thành viên TPP, Trung Quốc và các nước khác sẽ tập trung ở một nơi, thảo luận tương lai của chương trình nghị sự thương mại xuyên Thái Bình Dương.
Vài tháng trước, Mỹ còn giữ vai trò chủ đạo trong các cuộc đối thoại như vậy. Nhưng, tại hội nghị tới đây, Mỹ đã quyết định không cử bất cứ quan chức cấp cao nào tham gia, chỉ cử Đại sứ Mỹ tại nước sở tại tham dự.
Nếu có thể đạt được RCEP thì Mỹ có thể sẽ cảm thấy hối hận vì từ bỏ TPP. Cụ thể, đạt được RCEP sẽ có nghĩa là Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được tiếp cận ưu đãi tại thị trường ô tô đang trỗi dậy của Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ nếu tham gia TPP thì sẽ có được quyền lợi này.
Trong tình hình này, Tokyo và Canberra hi vọng doanh nghiệp Mỹ có thể gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Donald Trump, muốn ông xem xét lại và quay trở lại TPP.
Tuy nhiên, từng bên tham gia đều cho rằng sự khác biệt giữa các bên lớn như vậy, muốn đạt được một hiệp định sẽ rất khó khăn. Nhà kinh tế học Rajiv Biswas khẳng định: "Mặc dù nói về RCEP từ góc độ chính trị hầu như là con đường tốt nhất dẫn tới tự do hóa thương mại, nhưng nó lại rất khó ở góc độ thực tiễn. Tôi cho rằng sự kỳ vọng của mọi người bị đẩy lên quá cao".