Trung Quốc bắt đầu phát triển toàn bộ khu vực có khí đốt ở biển Hoa Đông từ năm 2003. Các khu vực thăm dò nằm gần đường trung tuyến, do Tokyo tuyên bố, phân cách hai vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc và Nhật Bản. Hai nước vẫn chưa thống nhất được đường này, NHK cho biết.
Tokyo còn lo ngại các giàn khoan có thể được sử dụng làm trạm radar hoặc căn cứ máy bay không người lái để giám sát hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi có tranh chấp chủ quyền.
Chính quyền Nhật Bản hôm qua công bố hình ảnh chụp nhiều kiến trúc trên biển Hoa Đông, tố Trung Quốc đơn phương phát triển các mỏ khí đốt tại đây.
Nhật Bản và Trung Quốc từng tổ chức đàm phán về vấn đề phát triển khí đốt năm 2004. Tokyo yêu cầu Bắc Kinh ngừng hoạt động này lại do lo ngại Trung Quốc có thể khoan hút vào trữ lượng ở phía Nhật Bản.
Trung Quốc từ chối đề nghị, cho rằng đường trung tuyến do Nhật Bản đưa ra không phải là ranh giới được hai bên công nhận. Trung Quốc vẫn cho rằng đường này phải nằm sát tỉnh Okinawa của Nhật Bản.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua tuyên bố nước này có quyền phát triển các nguồn dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển "không tranh chấp" và "có quyền tài phán". Bắc Kinh tố Tokyo đang "kích động hai nước đối đầu và không đóng góp cho quản lý tình hình biển Hoa Đông, cải thiện quan hệ song phương".
Các giàn khoan của Trung Quốc trên biển Hoa Đông
Như Tâm theo VnExpress