Trong một nghị quyết đã được thông qua, đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã yêu cầu ông Abe cứng rắn đòi hỏi Trung Quốc mau chóng tái lập các cuộc đàm phán về vấn đề khoan dò và khai thác dầu khí tại một vùng nằm sát đường ranh giới trên biển chưa được phân định giữa hai nước.
Nếu Bắc Kinh vẫn từ chối, chính quyền Tokyo phải xem xét khả năng đưa vụ việc ra tòa án trọng tài quốc tế, tương tự những gì Philippines đã làm trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Mối bất hòa giữa Tokyo và Bắc Kinh trong vấn đề thăm dò khai thác dầu khí liên quan đến một khu có mỏ khí đốt nằm ở hai bên đường trung tuyến giữa hai vùng hải phận Trung Quốc và Nhật Bản chưa hề được phân định. Việc khai thác khá phức tạp vì các mỏ dưới đáy biển thông nhau, khi hút bên này sẽ làn cạn phía bên kia.
Vào năm 2008, Tokyo và Bắc Kinh đã đồng ý cùng thăm dò 4 mỏ khí đốt trong vùng, và tạm ngưng khai thác ở các phần tranh chấp của khu vực. Cụ thể là hai bên đã đồng ý thực hiện các cuộc khảo sát chung một khu vực ở phía bắc mỏ khí đốt có tên là Xuân Hiểu/Shirakaba và phía nam mỏ khí đốt Long Tỉnh/Asunaro.
Tuy nhiên, sau khi bang giao song phương nguội lạnh trên vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã bắt đầu khai thác đơn phương mỏ khí đốt Thiên Ngoại Thiên/Kashi, viện cớ là họ có toàn quyền làm việc đó.
Tokyo đã liên tục phản đối, và vào đầu năm 2010, Nhật Bản từng đe dọa đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển nếu Bắc Kinh khai thác mỏ khí đốt Xuân Hiểu/Shirakaba, bất chấp thỏa thuận song phương vào năm 2008.
Lần này, theo nghị sĩ Yoshiaki Harada, trưởng tiểu ban phát triển tài nguyên ở Biển Hoa Đông của đảng Dân chủ Tự do: «Nếu Trung Quốc làm ngơ trước yêu cầu đó, chính quyền Nhật Bản cần phải hành động. Mọi người đều đồng ý rằng không nên né tránh việc đưa vấn đề này ra trước tòa án trọng tài quốc tế, và cần phải bắt đầu xem xét phương án đó».