Nhật Bản muốn gia nhập liên doanh sản xuất tên lửa của NATO

Nhật Bản hiện đang muốn tham gia vào liên doanh phát triển tên lửa phòng không của NATO, một động thái chắc chắn sẽ được ủng hộ bởi hải quân Mỹ do Tokyo là đồng minh thân cận nhất của Washington tại Thái Bình Dương.
Nhật Bản gia nhập liên doanh không chỉ chia sẻ chi phí mà còn tăng cường mối quan hệ đồng minh với các nước NATO

12 nước NATO đã cùng nhau giám sát việc phát triển và chia sẻ chi phí của tên lửa SeaSparrow, một loại vũ khí phóng từ tàu chiến được thiết kế nhằm đánh chặn các tên lửa chống hạm và máy bay tấn công. Tên lửa này được chế tạo bởi 2 nhà thầu quân sự Mỹ là Raytheon và General Dynamics.

Nhật Bản gia nhập liên doanh không chỉ chia sẻ chi phí mà còn tăng cường mối quan hệ đồng minh với các nước NATO

Vào tháng 5, các quan chức Nhật Bản đã có chuyến thăm tới hội nghị NATO ở Hague nhằm tìm hiểu thêm về liên doanh tên lửa này, Reuters cho hay.

2 nguồn tin từ Nhật Bản cho biết, Tokyo đã trong giai đoạn thảo luận ban đầu về vấn đề này và nó cũng hoàn toàn phù hợp với chính sách nới lỏng hiến pháp về quốc phòng, cũng như xuất khẩu vũ khí của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Liên doanh này, được thành lập từ năm 1969 bởi 4 nước, trong đó có Mỹ, với mục tiêu phát triển một phiên bản nâng cấp của tên lửa SeaSparrow trong những năm tới.

Ngoài việc chi phí được san sẻ khi có thêm Nhật Bản, Washington còn trông chờ Tokyo sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong việc duy trì mối quan hệ đối tác đồng minh đa quốc gia của Mỹ trong khu vực châu Á, nhất là trong thời điểm Trung Quốc đang tăng cường đẩy mạnh hiện đại hoá quân đội và mở rộng tầm ảnh hưởng tới mức báo động. Kiểu hợp tác này sẽ tạo ra một mạng lưới an ninh chung, vượt qua cả mối quan hệ đồng minh thông thường giữa Washington và các nước ở nhiều khu vực.

Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của hải quân Nhật Bản trả lời qua email: “Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục thông báo cho chúng tôi về dự án SeaSparrow. Với mục tiêu cải thiện hiệu quả của các loại tên lửa đất đối không từ tàu chiến, chúng tôi đang thu thập thông tin để đưa ra lựa chọn cần thiết”.

Cả hải quân Mỹ và NATO đều từ chối trả lời về thông tin này.

Theo: An ninh Thủ đô