Nhà văn trẻ cần phải “lạ hoá” tư duy nghệ thuật và lối viết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Các nhà văn trẻ phải luôn tiếp tục “lạ hoá” cuộc chơi...Văn học trong thời đại 4.0 phải có sự gần gũi với khoa học công nghệ, để góp phần cổ vũ cho đất nước phát triển".

TS Đỗ Thị Thu Thuỷ - Trưởng khoa Viết văn, Báo chí Trường Đại học Văn hoá Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
TS Đỗ Thị Thu Thuỷ - Trưởng khoa Viết văn, Báo chí Trường Đại học Văn hoá Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

Đó là quan điểm của TS. Đỗ Thị Thu Thuỷ - Trưởng Khoa Viết văn, Báo chí Trường Đại học Văn hoá Hà Nội - tại hội thảo “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung” diễn ra sáng nay, 30/6, do Khoa Viết văn, Báo chí Trường Đại học Văn hoá Hà Nội và CLB Văn học Trẻ - Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp tổ chức.

Theo nhà văn Thái Phan Vàng Anh (ĐH Sư phạm Huế), văn học trẻ thường được “để ý” bắt đầu từ các hiện tượng, các trường hợp “lạ”, khi độc giả còn chưa kịp “quen” với các tác giả, tác phẩm ấy. Tâm lý háo hức, chờ đợi dễ khiến cộng đồng vồ vập với các cây bút trẻ.

Tuy vậy, cùng với sự kỳ vọng, đón nhận thì độc giả và văn giới cũng thường xuyên hoài nghi và dè dặt với phần nhiều tác giả chưa kịp được thời gian kiểm chứng. Để tồn tại và xác lập tên tuổi, các nhà văn trẻ cần phải “lạ hoá” tư duy nghệ thuật và lối viết. Đây cũng là bằng chứng cho thấy văn học trẻ hôm nay vẫn phải tiếp tục “lạ hoá” cuộc chơi.

TS. Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) khẳng định, trong bất cứ không gian xã hội nào, tuổi trẻ luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong để tiến hành những kiến tạo xã hội. Trẻ, năng động, am hiểu công nghệ, ngoại ngữ… chính là người trẻ. Họ sở hữu những kỹ năng, tri thức mà thế hệ cha anh không và không thể có được. Do đó, chính họ chứ không ai khác phải tạo nên diện mạo mới của thời đại và của thế hệ mình. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm cho rằng văn học trẻ chưa tương xứng hay còn non kém trước những thành tựu của thế hệ cha anh…

Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa cho biết, văn chương là nghệ thuật, mà nghệ thuật là phải thăng hoa và sáng tạo. Tất nhiên, chẳng có sáng tạo nào thăng hoa từ chân không mà mọi nội công đều hấp phả dung chứa những dưỡng chất từ văn mạch đông tây kim cổ nói chung, văn mạch dân tộc nói riêng. Tuy nhiên, sáng tạo là phải kiến tạo cái mới, mà “cái mới thường vượt biên không có giấy thông hành”. Sự thực, đội ngũ viết văn trẻ chưa bao giờ thưa mỏng, vắng thiếu và những người trẻ luôn hữu duyên có mặt mọi nơi. Những người viết trẻ đang tự vẽ lên những đường bay mới.

Nhà thơ Vĩnh Huỳnh – Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Hội Nhà văn Hà Nội - thừa nhận là rất nhiều bạn trẻ rất tích cực sáng tác trên trang mạng cá nhân, nhưng ít hoặc hầu như thờ ơ, không quan tâm, hào hứng với các hoạt động của các cấp Hội Nhà văn. Vì thế, Hội cần phải hỗ trợ họ một cách hiệu quả và thiết thực. Bản thân viết văn là công việc tự thân của từng cá nhân, nhưng Hội có thể hỗ trợ phần nào để các cây bút trẻ duy trì cuộc sống bình thường, bởi “Cơm áo không đùa với khách thơ”.

Một số tác phẩm đã xuất bản của các tác giả trẻ được giới thiệu tại hội thảo

Một số tác phẩm đã xuất bản của các tác giả trẻ được giới thiệu tại hội thảo

Nhà văn Đỗ Nhật Phi thì đề cập đến vấn đề văn học mạng. Đây là thể loại văn học ra đời khi Việt Nam chính thức có Internet. Tưởng rằng, văn học mạng chỉ là một kênh tiếp thị mà các đơn vị chính thống thường chẳng bao giờ để mắt tới. Nhưng câu chuyện chưa bao giờ như vậy, và giờ lại càng không như vậy. Đã có những giai đoạn trong dòng chảy văn học đương đại, văn học mạng trở thành hiện tượng và bắt đầu đòi hỏi người ta phải định nghĩa, nhìn nhận lại nó.

Văn học mạng đã hết sức phổ biến với giới trẻ Việt Nam

Văn học mạng đã hết sức phổ biến với giới trẻ Việt Nam

Chưa bao giờ trong lịch sử, những người viết lộ diện dày đặc như ngày nay. Chỉ cần lướt trên các mạng xã hội là dễ dàng bắt gặp rất nhiều hội nhóm, cộng đồng sáng tác ở đủ các thể loại, đủ các đề tài, đủ các mức độ chất lượng. Những người viết trên mạng thường rất trẻ và thậm chí, có những bạn đang là học sinh cấp II.

Văn học mạng của giai đoạn này hoàn toàn không phải là sự manh mún. Mạng xã hội trong văn chương đang dần trở thành một hệ thống “dân gian” mới, cập nhật nhanh hơn và lan truyền rộng hơn, mà trong đó sẽ có những điều ở lại và đóng góp vào bức tranh văn hoá chung.

Đóng góp ý kiến cho hội thảo nói chung và các tác giả trẻ nói riêng, nhà báo Nguyễn Đức Hoàng – Phó Tổng Thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam - cho biết, trong thời đại 4.0 ở Việt Nam cũng như thế giới, văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc. Thậm chí, văn học nghệ thuật phải hướng tới tương lai với tầm nhìn đi trước thời đại. Đó chính là nghệ thuật về khoa học giả tưởng mà số lượng tác giả ở Việt Nam hiện còn rất ít ỏi nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng ở chính lớp trẻ với những hành trang khoa học công nghệ hơn hẳn các thế hệ đi trước, bên cạnh năng lực viết văn không thể thiếu.

Nhà thơ Trần Hữu Việt – Trưởng Ban Văn học Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam - nêu quan điểm là bên cạnh những lợi thế về chủ động sử dụng công nghệ thì giới trẻ có năng lực viết văn còn đang rất thiếu môi trường để trải nghiệm. Họ đang thừa văn minh nhưng lại có phần thiếu văn hoá. Và cách tốt nhất để các nhà văn trẻ có thể thành công là phải tự đào tạo mình bên cạnh sự hỗ trợ của các thế hệ đi trước, cùng sự quan tâm của xã hội tới văn học nghệ thuật.

Cảm ơn các đại biểu đến tham dự hội thảo, TS. Đỗ Thị Thu Thuỷ - Trưởng Khoa Viết văn, Báo chí Trường Đại học Văn hoá Hà Nội - đã nhắc lại quan điểm của nhà văn Thái Phan Vàng Anh là các nhà văn trẻ phải luôn tiếp tục “lạ hoá” cuộc chơi. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nhà văn phải có sự quan tâm lớn hơn và tạo điều kiện cho đội ngũ nhà văn trẻ. Không chỉ có vậy, văn học trong thời đại 4.0 phải có sự gần gũi với khoa học công nghệ để góp phần cổ vũ cho đất nước phát triển.