Nhà văn Trần Thùy Mai: “Còn ai có thể hiểu giá trị của đàn ông hơn phụ nữ”

Viettimes - Nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn Trần Thùy Mai, người đã có những trang viết cảm động về chuyện tình của Từ Dụ thái hậu, về những ẩn tình trong bộ truyện nổi tiếng cùng tên. “Tình yêu lý tưởng là tình yêu giúp bạn vượt qua được biên giới của chính mình”- nữ nhà văn chia sẻ.  
Nhà văn Trần Thùy Mai trong chuyến về TP.HCM giao lưu với độc giả mới đây

Chưa đãng trí được như Alexandre Dumas

* “Từ Dụ Thái Hậu” được viết với khá nhiều lệ luật trong triều Nguyễn thời đó. Có phải tất cả những lệ này đều có thực hay do nhà văn tưởng tượng ra?

- Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại đặc biệt, trong đó tác giả phải dung hòa được tính hư cấu nghệ thuật (không có hư cấu thì chỉ còn là “diễn sử”) và tính xác thực lịch sử. Trong đó, những phần cần phải xác thực là những sự kiện lớn, những tập tục và quy chế đương thời. Vì vậy khi câu chuyện lướt qua những chỗ như đám cưới công chúa, lễ nạp phi, lễ truyền lô… tôi đều phải tham khảo để có khi chỉ cần miêu tả một câu thôi thì câu đó cũng không mâu thuẫn với tư liệu.

Hầu hết các thể lệ của triều Nguyễn được ghi chép khá kỹ càng trong bộ “Đại Nam Hội Điển Sự Lệ”, bao gồm những quy định về y phục, quan chế, lễ nghi, thậm chí cả việc ăn uống tiệc tùng…Và nếu ai có đọc cuốn cẩm nang “Thực phổ bách thiên” thì sẽ nhận ra nhiều món ăn mà nàng Hạnh Thảo chế biến cũng có tên trong đó. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên ít nhiều khi biết vào thời các vua Nguyễn người ta đã có những món ăn rất Tây, như là món “Bò tót ram bơ” chẳng hạn!

*Bộ tiểu thuyết nhận được nhiều lời khen về cách bố cục, sắp đặt và “điều binh khiển tướng” với các nhân vật. Với nhiều nhân vật như vậy, nhà văn đã kiểm soát những nhân vật của mình như thế nào? Có một đường dây kịch bản hoặc sơ đồ kịch bản được soạn trước không, thưa bà?

- Tôi nhớ chuyện nhà văn Alexandre Dumas khi viết tiểu thuyết “Ba người lính ngư lâm”, vì nhân vật rất nhiều và lại thường xuyên đấu kiếm nên có khi đã bị chết rồi mà nhà văn …quên, nên lại lù lù xuất hiện. Về sau Dumas phải đặt cho mỗi nhân vật một con búp bê trên bàn viết, mỗi khi nhân vật chết thì ông cất búp bê đi …

Tôi chưa có được cái đãng trí bác học như vậy, nhưng câu chuyện này cho tôi hiểu rằng số lượng nhân vật và sự kiện trong tiểu thuyết lịch sử thường phong phú đến mức bề bộn, nên cần phải làm sao cho người đọc nắm bắt được càng rõ ràng càng tốt. Tính cách, tên gọi cần phải cân nhắc cho thật dễ nhớ, dễ nhận ra, và một sơ đồ khúc chiết cho câu chuyện là việc tất nhiên phải làm, làm hết sức cẩn thận trước khi để cho trí tưởng tượng tha hồ bay nhảy.

*Là một nhà văn nữ, bà có gặp khó khăn trong việc miêu tả những nhân vật nam thiên về sức mạnh chiến trường như vua Minh Mạng hay quốc thần Trương Đăng Quế?

- Minh Mạng, Lê Văn Duyệt, Trương Đăng Quế, Phạm Đăng Hưng đều là những người đàn ông có tầm cỡ lớn lao. Những gì họ làm, những gì họ nói phần lớn đều đã được ghi trong sử sách hoặc trong ký ức cộng đồng. Việc của tôi chỉ là đủ tinh tế để nhận ra tâm sự, hoài bão của họ trong từng hành động. Và còn ai có thể hiểu giá trị của người đàn ông hơn là phụ nữ?

“Đã yêu, khi nhắm mắt lại chỉ thấy một người”

*Quan niệm của bà về việc đàn ông năm thê bảy thiếp như trong triều chính thời đó? 

- Đa thê là một thực trạng của xã hội Việt Nam xưa. Nhất là trong những cung đình, nơi người ta tuyển vào hàng trăm mỹ nữ chỉ để phục vụ tình dục cho đấng quân vương. Điều đó đã thành một cái lệ: số đàn bà trong hậu cung, hậu đình càng đông thì càng chứng tỏ mức độ giàu sang và uy quyền của người làm chủ.

Tuy vậy tình yêu dù ngày xưa hay ngày nay đều mang một tố chất là chuyên nhất. Đã yêu thì khi nhắm mắt lại chỉ thấy có hình ảnh một người. Vì vậy mà bên Trung Hoa xưa, Đường Minh Hoàng chỉ chuyên sủng một mình Dương Quý Phi, dù có vì vậy mà bị tam cung lục viện oán trách là “bất công”. Vua Thiệu Trị nhà Nguyễn cũng dành tình yêu cho người vợ nguyên phối là Phạm Thị Hằng. Tục đa thê đã dần dần bị lịch sử đào thải, có lẽ chính vì nó đi ngược lại khát vọng muôn thuở của tình yêu lứa đôi.

*Bà có thể “bật mí” về nhân vật được nhà văn yêu mến nhất trong tác phẩm?

- Tôi yêu nhất là nhân vật Hạnh Thảo, người nô tỳ trong hoàng cung Nguyễn. Đó là gạch nối giữa thế giới cung đình đầy bóng tối với thế giới thiện lành, trong sáng của cô Tiểu thư Phạm Thị Hằng. Đó là người lưu giữ những vốn liếng của văn hóa Phú Xuân còn sót lại sau cuộc chiến tàn khốc Nguyễn- Tây Sơn. Là mẹ kế của Phạm Thị Hằng, nhưng thực chất cô là một người bạn lớn, bởi chính nhờ tình bạn vô điều kiện của Hạnh Thảo và Trương Đăng Quế mà cô Hằng vượt qua bao nhiêu gian nguy để trở thành Từ Dụ Thái Hậu.

*Sau khi đã xuất bản tiểu thuyết đầu tay, bà có dự định cho thể loại hoặc đề tài tiếp theo?

- Hiện nay tôi đang có cảm hứng với lịch sử triều Nguyễn và sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc làm tôi càng muốn viết về giai đoạn tiếp theo: Từ thời Tự Đức băng qua cuộc khủng hoảng Tứ Nguyệt Tam Vương cho đến sự kiện kinh đô thất thủ (1885). Đây là một giai đoạn bi tráng nhất của sử Việt, kéo theo bi kịch cuộc đời, bi kịch tình yêu của nhiều người. Trong tiểu thuyết tiếp theo này,  nhân vật mới xuất hiện bên cạnh Thái Hậu Từ Dụ sẽ là một nàng công chúa trẻ…

*Bà có cảm thấy mình đã trọn vẹn với mơ ước của mình?

- Tôi đã đi qua tuổi trung niên, trải qua đủ thăng trầm, đủ để hiểu rằng mọi thứ điều tương đối, ai cũng có những mơ ước thành tựu và những giấc mơ không thành. Kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống: Thành công là có được điều mình thích, hạnh phúc là thích được điều mình có.

Nhà văn Trần Thùy Mai ký sách tặng bạn đọc Việt 

Tôi hạnh phúc vì được sống trong một thời đại mà không gian mạng có thể rút ngắn khoảng cách, giúp tôi gần gũi với các con tôi bất cứ lúc nào; Tôi hạnh phúc vì được làm nghề viết là nghề tôi yêu thích từ lúc còn đi học, một nghề mà tôi có thể theo đuổi bất cứ ở đâu, với phương tiện tối thiểu: một tờ giấy, một cây bút, hay một chiếc laptop nhỏ; Và tôi hạnh phúc vì có người bạn cuối đời là nhà tôi, người thường bắt nạt tôi nhưng cũng luôn bảo vệ tôi và tạo điều kiện cho tôi viết.

*Theo bà, như thế nào là một tình yêu lý tưởng và tại sao lại có cái gọi là bi kịch tình yêu?

- Khi bạn đang ở trong một mối tình, bạn luôn thấy đó chính là mối tình lý tưởng nhất. Và bi kịch chỉ là khi bạn phải bước ra mà lòng còn muốn nán lại.

Còn nếu nói rộng ra một chút, thì tình yêu lý tưởng là tình yêu giúp bạn vượt qua được biên giới của chính mình... Trong truyện Từ Dụ Thái Hậu chẳng hạn, Hoàng tử Miên Tông vì yêu mà vượt qua được tính nhút nhát cố hữu để đứng về phía lẽ phải. Trương Đăng Quế cũng vì yêu mà không ngại đương đầu với vị Hoàng đế độc đoán là Vua Minh Mạng, chấp nhận hy sinh quyền lực để cứu người... Trong những câu chuyện tình yêu mà tôi đã viết, nếu phải chọn một cho các con mình đọc, chắc chắn tôi sẽ chọn câu chuyện ấy. 

*Cảm ơn nhà văn Trần Thùy Mai và chúc bà  tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm hay!