|
Ngày 11/2, Thủ tướng Australia Morrison họp với 4 ngoại trưởng Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản liên quan đến việc đối phó Trung Quốc (Ảnh: AP). |
Trong một tài liệu đánh giá chiến lược dài 12 trang có tiêu đề "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ" (Indo-Pacific Strategy of The United States) do Nhà Trắng công bố, Mỹ sẽ tập trung vào tất cả các ngõ ngách của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, từ Nam Á đến các đảo Thái Bình Dương, để củng cố vị thế và sự cam kết của Mỹ.
Báo cáo nhận định: "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ, tìm cách thiết lập một phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và tìm kiếm trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong tương lai”.
Tài liệu cho biết: “Những nỗ lực tập thể của chúng ta trong thập kỷ tới sẽ quyết định liệu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thành công trong việc chuyển đổi các quy tắc và chuẩn mực có lợi cho Ấn Độ - Thái Bình Dương và thế giới hay không”.
|
Bản báo cáo về Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhà Trắng công bố hôm 11/2. |
Trong báo cáo, Mỹ cho biết họ thề sẽ hiện đại hóa các liên minh, tăng cường quan hệ với đối tác mới nổi và đầu tư vào các tổ chức khu vực. Họ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của "Một Ấn Độ mạnh" với tư cách là một đối tác trong tầm nhìn tích cực của khu vực.
Tài liệu cho biết, Mỹ sẽ theo đuổi một "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở ... thông qua một mạng lưới liên minh mạnh mẽ và củng cố lẫn nhau".
Báo cáo cho biết, đối với Đài Loan, một điểm xung đột tiềm ẩn rất nhạy cảm, Washington sẽ làm việc với các đối tác trong và ngoài khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Tài liệu nhắc lại kế hoạch của Mỹ khởi động "Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương" (Indo-Pacific Economic Framework) vào đầu năm 2022, mà chính quyền hy vọng ít nhất sáng kiến này sẽ lấp đầy lỗ hổng lớn trong cam kết của Mỹ với khu vực kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi khuôn khổ thương mại đa quốc gia vào năm 2017 gây nên.
|
Vị trí khu vực nằm trong Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. |
Trang tin Đông Phương ngày 12/2 cho rằng, Báo cáo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương công bố vào thứ Sáu (11/2) cũng là bản báo cáo chiến lược khu vực đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden. Báo cáo chỉ ra rằng Mỹ sẽ duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan với các đối tác trong và ngoài khu vực, trong đó bao gồm hỗ trợ Đài Loan tăng cường khả năng tự vệ. Đồng thời, Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình trước sự bành trướng quân sự của Trung Quốc đại lục và tiếp tục đe dọa xâm lược quân sự, bao gồm cả ở eo biển Đài Loan.
Báo cáo chỉ ra rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt, đặc biệt là việc Trung Quốc đại lục đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tìm kiếm quyền lực ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cưỡng bức kinh tế chống lại Australia, xung đột biên giới với Ấn Độ và gây áp lực với Đài Loan, v.v., để giúp họ trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Báo cáo cho rằng 10 năm tới sẽ quyết định liệu Trung Quốc đại lục có thể thay đổi thành công các quy tắc và chuẩn mực có lợi cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và thế giới hay không. Mỹ hy vọng tạo ra được môi trường chiến lược có thể vận hành, xây dựng cuộc cạnh tranh có lợi cho Mỹ cùng các đồng minh và đối tác với Trung Quốc về lợi ích và quan niệm giá trị chung.
Trong báo cáo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ đã đặt ra 5 mục tiêu, bao gồm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thiết lập các mối quan hệ trong và ngoài khu vực, thúc đẩy và tăng cường an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong đó đề cập đến việc Mỹ sẽ cùng với các đối tác trong và ngoài khu vực duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, hỗ trợ khả năng tự vệ của Đài Loan để đảm bảo rằng Đài Loan có thể quyết định môi trường tương lai phù hợp với ý muốn và lợi ích lớn nhất của mình.
Ngoài ra, Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình, chống lại các hành động xâm lược quân sự chống lại Mỹ và các đồng minh và đối tác, bao gồm cả ở eo biển Đài Loan, và thúc đẩy an ninh khu vực thông qua việc phát triển các năng lực mới, khái niệm tác chiến, hoạt động quân sự và công nghiệp quốc phòng thúc đấy an ninh khu vực.
Việc Nhà Trắng công bố tài liệu chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương diễn ra khi Ngoại trưởng Antony Blinken đang công du khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ đối với khu vực, trong khi Washington đang vật lộn với sự bế tắc với Moscow ở châu Âu. Nga đã tập kết hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraine. Phương Tây lo ngại rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine.
Vào tuần trước, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Bắc Kinh, hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng hợp tác chiến lược của họ "không có hồi kết". Hai nước cùng bày tỏ sự phản đối đối với Mỹ và mong muốn tạo ra một trật tự quốc tế mới dựa trên cách hiểu của họ về nhân quyền và dân chủ. Đây là tuyên bố chung chi tiết và mạnh mẽ nhất mà Trung Quốc và Nga từng đưa ra về vấn đề này.
Theo một kế hoạch hành động trong 12 đến 24 tháng tới, Washington sẽ "mở rộng có ý nghĩa" sự hiện diện ngoại giao của mình ở Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, đồng thời ưu tiên các cuộc đàm phán quan trọng với các quốc đảo Thái Bình Dương. Các cuộc đàm phán đó, bao gồm quyền tiếp cận quân sự của Mỹ, dường như đã bị đình trệ trong năm qua.
|
Hải quân 4 nước Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ tập trận trên biển (Ảnh: U.S Navy). |
"Chúng ta sẽ tập trung vào hỗ trợ an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm xây dựng năng lực hải dương và nhận thức về biển", tài liệu cho biết.
Kế hoạch hành động cũng cam kết mở rộng sự hiện diện và hợp tác của Cảnh sát biển Mỹ ở Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Washington cho rằng Trung Quốc đe dọa hoạt động đánh bắt cá và các tuyến thương mại tự do ở vùng biển này.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên: “Chúng tôi nhận ra rằng khả năng của chúng tôi trong việc thay đổi Trung Quốc là có hạn và do đó cố gắng định hình môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc. Ông cũng cho biết tài liệu không bao gồm chiến lược Trung Quốc rộng lớn hơn của chính quyền Biden.
Ông nói: “Chiến lược Trung Quốc của chúng tôi có tính toàn cầu. Nó nhận thức được Ấn Độ – Thái Bình Dương là một khu vực cạnh tranh đặc biệt kịch liệt”.