Đã có nhà đầu tư chiến lược
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vừa báo cáo Bộ GTVT phương án được cho là “nhanh nhất và khả thi” để chuyển Công ty Đóng tàu Hạ Long - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành doanh nghiệp cổ phần. Đây là doanh nghiệp (DN) đầu tiên trong số 8 DN được quyết định giữ lại trong mô hình Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sẽ tiến hành cổ phần hóa (CPH).
Theo cách này, việc CPH Công ty Đóng tàu Hạ Long sẽ được tiến hành qua các bước, để trước hết xử lý hết công nợ hiện có, để đưa vốn chủ sở hữu về mức bằng “0”, và tiếp đó xử lý tăng vốn cho DN bằng cách chuyển một phần vốn vay từ Công ty mẹ SBIC thành vốn điều lệ.
Như vậy nguyên tắc để CPH Công ty Đóng tàu Hạ Long là xử lý xong tài chính rồi mới CPH.
SBIC cũng báo cáo Bộ GTVT, hiện tại đã có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cổ phần của Hạ Long. Damen Hà Lan đã đặt vấn đề muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Hạ Long. Dự kiến của SBIC sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược này 49% cổ phần của Hạ Long.
Theo ông Phạm Thanh Sơn, Phó TGĐ SBIC, thì phương án CPH của Hạ Long nói riêng và 8 DN giữ lại trong mô hình Tổng công ty nói chung, là khả thi, “vì đã có chủ trương cho giữ lại nhóm các DN nòng cốt công nghiệp đóng tàu, có cơ chế xử lý nợ và có đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới về đóng tàu”.
Thậm chí, ông Sơn còn cho rằng, cổ phần dự kiến sẽ có mức giá “2 chấm”, bán đi một nửa sẽ giúp thu hồi xong nợ gốc và sản phẩm tàu của nhà máy đóng rất tốt, có thương hiệu, có tính thị trường cao.
Để DN cổ phần có thể hấp dẫn các nhà đầu tư và hoạt động thuận lợi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường – Trưởng ban chỉ đạo CPH Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cho rằng, nên để vốn chủ sở hữu của Hạ Long ở mức 3.000 tỉ đồng, tương đương mức đã được quyết định cho DN này trước đây.
Đóng tàu Thor Brave 53.000 tấn cho khách hàng Thái Lan
CPH ngành đóng tàu đang đi đúng hướng
Thứ trưởng cũng cho rằng phương án CPH Hạ Long mà SBIC đưa ra là đúng hướng.
“Chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ rất rõ rồi, ta cũng phải xử lý tái cơ cấu các DN đóng tàu, phải chọn phương án có lợi nhất - ở đây là phương án tiến hành CPH, để cho DN tiếp tục hoạt động ổn định và phát triển, tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục làm việc, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cho ngành đóng tàu của đất nước, và ít tổn thất nhất cho nhà nước”.
Theo Thứ trưởng, công nghiệp đóng tàu của ta đã phát triển tới mức khá hiện đại với các nhà máy như Hạ Long, Bến Kiền, Phà Rừng, Sông Cấm, Bạch Đằng .. cơ ngơi rất lớn, có thể hạ thủy một lúc 3 - 4 con tàu tới 4.000 – 5.000 tấn. CPH là hướng đi đúng đắn, có thể khắc phục những vấn đề yếu kém của quản lý DN theo mô hình DN nhà nước trước đây.
“Với phương án này, nhà nước chỉ cho cơ chế, không phải bỏ tiền ra. Các tổ chức tài chính cũng không phải mất mát gì hơn nữa”.
Phải khẩn trương hơn
Theo ông Sơn – Phó TGĐ SBIC báo cáo, phương án tổng công ty xây dựng là nhằm thực hiện mục tiêu trong năm 2015 chuyển Công ty đóng tàu Hạ Long và cả 8 DN đóng tàu thành công ty cổ phần như chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
Tuy nhiên cũng còn một số ý kiến băn khoăn về việc tiến độ phải phụ thuộc vào kết quả xử lý tài chính, mà nguyên tắc phải xử lý tài chính xong mới có thể tiến hành CPH. Do đó chưa thể chốt được thời điểm CPH công ty đóng tàu Hạ Long, thậm chí có thể phải chậm lại.
Chỉ đạo vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiên quyết: "Đối với tái cơ cấu, CPH các DN đóng tàu cũng thực hiện theo tiến độ CPH chung của cả nước, tức là cơ bản hoàn thành cuối năm 2015. Đại hội cổ đông sẽ tổ chức sang quý 1/2016".
Thứ trưởng yêu cầu SBIC xây dựng hoàn chỉnh và sắc nét hơn để phương án CPH Công ty đóng tàu Hạ Long trình ra có sức thuyết phục các Bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 5/2015. Hạ Long sẽ CPH trước và các Công ty còn lại sẽ theo hướng này tiến hành.
Trong cuộc họp mới đây nhất mà Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì về tái cơ cấu, CPH SBIC, hồi tháng 4 vừa qua, ông Vũ Anh Tuấn - TGĐ SBIC báo cáo: Tính đến hết quý 1/2015, số lao động toàn SBIC đã giảm 36.783 người, số lao động hiện có là hơn 17.000 người. Về tài chính, SBIC đã thực hiện xong tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài (khoản vay 135 triệu đô la Mỹ), nợ trong nước giai đoạn 1 (hơn 16.000 tỉ đồng cả gốc và lãi), đang tiếp tục tập trung cơ cấu các khoản nợ trong nước giai đoạn 2, nợ trái phiếu quốc tế.
Đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc, ông Vũ Anh Tuấn khẳng định, trong năm 2015, SBIC có khả năng hoàn thành công tác tái cơ cấu đối với 122/149 đơn vị. Đối với 27 đơn vị còn lại, sẽ tiếp tục tái cơ cấu vào đầu năm 2016.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu SBIC phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu và CPH các doanh nghiệp thuộc SBIC. Cụ thể, trong quý 2/2015 phải nộp đơn phá sản toàn bộ các doanh nghiệp thuộc diện phá sản; hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, hoàn chỉnh phương án tái cơ cấu, CPH Công ty Đóng tàu Hạ Long, làm tiền đề cho CPH các công ty trong diện giữ lại trong mô hình Tổng công ty.
Theo: CafeF