Nhà đầu tư chuyển sang phái sinh gỡ nhưng cẩn thận rơi vào nghịch cảnh "lỗ hai đầu"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chứng khoán phái sinh đang nhộn nhịp hút dòng tiền hơn chứng khoán cơ sở trong giai đoạn thị trường "nước sôi lửa bỏng".
Nhà đầu tư chuyển sang phái sinh gỡ nhưng cẩn thận rơi vào nghịch cảnh "lỗ hai đầu"

Khối lượng hợp đồng tương lai khớp mỗi phiên có xu hướng tăng từ tháng 4, tăng mạnh trong những phiên cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Nhà đầu tư ồ ạt sang phái sinh kiếm lợi ngắn hạn để gỡ lỗ cho chứng khoán cơ sở.

Thanh khoản cổ phiếu lớn 50-70 triệu cổ phiếu mỗi phiên giờ chỉ còn là kỷ niệm

Thanh khoản thị trường cơ sở liên tục sụt giảm trong những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 khiến giới đầu tư nhớ lại những kỷ niệm về những phiên sôi nổi của thị trường chứng khoán. Những phiên giao dịch mà những cổ phiếu lớn như HPG, VPB giao dịch lên tới hơn 70 triệu cổ phiếu/phiên, TCB giao dịch hơn 50 triệu cổ phiếu/phiên hay như cá biệt STB còn chạm ngưỡng 100 triệu cổ phiếu/phiên, CTG hay MBB giao dịch 25-30 triệu cổ phiếu/phiên.

Sau đỉnh cao, thanh khoản thị trường đã sụt giảm đáng kể, như phiên 5/5, HPG chỉ còn khớp lệnh được 13,8 triệu cổ phiếu, TCB khớp lệnh 4,8 triệu đơn vị, CTG thanh khoản 4,6 triệu cổ phiếu, MBB khá hơn khi đạt 6,9 triệu đơn vị, STB khớp lệnh 13,5 triệu cổ phiếu. VPB vốn nổi tiếng là cổ phiếu bank có thanh khoản cao thì nay cũng chỉ khớp được 10,6 triệu đơn vị.

Nếu đầu năm nay, quỹ đầu tư/công ty chứng khoán hay nhiều nhà đầu tư vẫn còn hào hứng trước thị trường tin tưởng chinh phục mốc 1.600 - 1.800 điểm thì hiện tại không ít "chứng sĩ" đang cảm thấy mất hết niềm tin thuở ban đầu. Thị trường Việt Nam vẫn luôn còn đó những ẩn số khó đoán và có vẻ giai đoạn dễ dàng đã qua đi.

Chuyên gia Phạm Lưu Hưng (Mr. X30) - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI nói rằng: "Trong xu hướng uptrend của thị trường hai năm qua, nhiều nhà đầu tư chưa từng trải qua một giai đoạn thị trường giảm quá sâu và kéo dài. Kể cả cú sụt giảm hơn 70 điểm vào hồi tháng 1/2021 thị trường cũng lấy lại thăng bằng rất nhanh. Do đó, nhiều nhà đầu tư hầu như không có ấn tượng xấu về thị trường mà chỉ toàn ký ức đẹp đẽ. Cuối cùng thứ giết chết chúng ta sẽ là kỷ niệm".

Trong một thị trường điều chỉnh, dòng tiền tìm kênh trú ẩn mới giao dịch èo uột, thanh khoản thấp là điều dễ hiểu. Hiện thanh khoản của VN-Index chỉ loanh quanh 13.000 -15.000 tỷ/phiên bất kể tăng hay giảm mạnh, giảm hàng chục ngàn tỷ so với tháng 3 và giảm một nửa so với hồi cuối năm 2021. Tâm lý nhà đầu tư đã quá quen với việc thị trường sôi nổi trong 2 năm uptrend vừa qua nên chưa quen với những phiên thanh khoản thấp của giai đoạn này.

Dòng tiền chảy sang chứng khoán phái sinh

Dòng tiền nguội lạnh ở chứng khoán cơ sở vậy dòng tiền sôi nổi ấy đã đi đâu về đâu? Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng sau đại dịch, cuộc sống "bình thường cũ" đã trở lại, du lịch bùng nổ, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã được nối lại sau thời gian đứt gãy. Những dòng tiền nóng vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn đại dịch do lãi suất thấp nay dần dần sẽ rút khỏi thị trường quay về sản xuất kinh doanh, và các kênh đầu tư khác như bảo hiểm, tiết kiệm ngân hàng,…

Đó là điều nhà đầu tư nhận thấy song nhìn diễn biến trên sàn chứng khoán cho thấy thanh khoản thị trường cơ sở giảm nhưng cùng lúc đó thanh khoản của thị trường phái sinh lại tăng vọt.

Thanh khoản thị trường phái sinh tăng mạnh khi thị trường cơ sở trở nên "khó nhằn"

Thanh khoản thị trường phái sinh tăng mạnh khi thị trường cơ sở trở nên "khó nhằn"

Theo thống kê, số lượng hợp đồng phái sinh kể từ khi thị trường chứng khoán có xu hướng điều chỉnh có xu hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh cuối tháng 4 và đầu tháng 5, gấp đôi so với giai đoạn tháng 3 khi thị trường đang ở mức kỷ lục (bình quân tháng 3 khoảng 100.00-150.000 hợp đồng/phiên).

Cụ thể, phiên 5/5, thị trường phái sinh giao dịch rất sôi động trái với cơ sở khi có tới 231.018 hợp đồng VN30F2205 được khớp lệnh. Số lượng hợp đồng mở (OI) lên tới 30.610 đơn vị.

Từ 22/4 đến nay, thị trường phái sinh giao dịch sôi động, khối lượng hợp đồng tăng mạnh đạt trên 200.000 hợp đồng mỗi phiên. Cá biệt phiên 26/4 số lượng hợp đồng tăng lên 384.319 hợp đồng, ngày 27/4 đạt 306.534 hợp đồng. Khối lượng hợp đồng phái sinh từng phiên cuối tháng 4 tăng gấp đôi so với giai đoạn tháng 3 cho thấy sức hút của thị trường phái sinh giai đoạn này.

Khối lượng hợp đồng phái sinh tăng đột biến trong những phiên giao dịch gần đây

Khối lượng hợp đồng phái sinh tăng đột biến trong những phiên giao dịch gần đây

Nhà đầu tư cẩn trọng rơi vào bi kịch "lỗ hai đầu"

Dòng tiền sôi nổi tìm đến thị trường chứng khoán phái sinh giai đoạn này có thể lý giải được.

Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư đã bán cổ phiếu cơ sở trong nhịp giảm điểm vừa qua của thị trường. Sau đó thị trường bật hồi trở lại khiến nhà đầu tư không còn vị thế, việc mua mới nhiều rủi ro do đó nhiều nhà đầu tư tìm đến thị trường chứng khoán phái sinh để giao dịch ngắn hạn trong lúc chờ đợi cơ hội ở thị trường chứng khoán cơ sở với điểm mua vào hấp dẫn hơn.

Thứ hai, quan sát trên thị trường gần đây rất nhiều đội nhóm lớn đã dùng chứng phái sinh để phòng hộ cho danh mục chứng khoán cơ sở. Đây cũng là ý nghĩa của thị trường chứng khoán phái sinh giúp nhà đầu tư phòng hộ rủi ro (Hedging). Nghiệp vụ Hedging của chứng khoán phái sinh sẽ giúp nhà đầu tư bảo vệ danh mục đầu tư liên quan đến biến động giá của tài sản. Thông thường nhà đầu tư nắm giữ nhiều hàng cơ sở thường chọn vị thế Short để phòng hộ danh mục và ngược lại.

Chẳng hạn, một nhà đầu tư đang nắm giữ lượng lớn danh mục cổ phiếu cơ sở tiềm năng nhưng dự đoán cho thấy thị trường có chiều hướng tiêu cực nên danh mục cổ phiếu đó có khả năng gây thua lỗ trong ngắn hạn. Khi đó, bạn tính đến cách giảm tỷ trọng danh mục và mua lại lúc thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, đây không phải cách tối ưu vì nó tốn kém về chi phí khi không mua lại được với mức giá hợp lý. Lúc này, bạn sẽ chọn kỹ thuật Hedge để phòng ngừa rủi ro và bảo vệ danh mục đầu tư.

Bằng cách đầu tư vào sản phẩm Hợp đồng tương lai trong chứng khoán phái sinh, sản phẩm này cho phép bạn bán khống, kiếm được lợi nhuận khi thị trường chứng khoán cơ sở giảm điểm. Các nhà đầu tư coi đây là "tấm khiên" để bảo vệ danh mục đầu tư. Cụ thể, khi thị trường giảm điểm, hợp đồng tương lai sẽ đem đến lợi nhuận và bù lại số tiền thua lỗ từ danh mục đầu tư. Vậy nên, tính tổng thể thì nhà đầu tư sẽ không bị tác động nhiều lúc thị trường đang đà giảm điểm.

Ông Lê Hải Trà từng cho biết ở thị trường phái sinh chỉ có 5% nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận trong khi 95% là thua lỗ

Ông Lê Hải Trà từng cho biết ở thị trường phái sinh chỉ có 5% nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận trong khi 95% là thua lỗ

Theo một chuyên gia, việc đa số nhà đầu tư bị "kẹp hàng" hoặc đã cắt lỗ ở chứng khoán cơ sở chuyển sang giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh để kiếm lợi nhuận ngắn hạn bù lỗ cho thị trường cơ sở có thể sẽ gặp rủi ro lỗ cả 2 bên cơ sở lẫn phái sinh. Ông Lê Hải Trà từng cho biết chỉ có 5% nhà đầu tư thắng trên thị trường phái sinh, còn lại 95% thua lỗ được cho là rất khốc liệt. Do tính đòn bẩy rất cao nên nhà đầu tư không cẩn trọng có thể "bay tài khoản" trong vài ngày nếu sai.

"Chỉ nên dùng chứng khoán phái sinh như một sản phẩm phòng hộ cho danh mục cơ sở nhưng cũng cần chọn điểm Long/Short phù hợp, còn lại vì kẹp hàng hay đã cắt lỗ chứng khoán cơ sở lại sang thị trường phái sinh thử vận may rủi nhà đầu tư có thể rơi vào nghịch cảnh lỗ cả cơ sở lẫn phái sinh", vị chuyên gia cảnh báo.

Anh Nguyễn Thành, một nhà đầu tư trẻ tại Hà Nội chia sẻ: "Đợt rồi mình cắt lỗ 15% một loạt hàng cơ sở vì lo ngại rủi ro kéo dài, thị trường rơi vào downtrend dài hạn và chuyển sang đánh phái sinh để gỡ lại. Mình chọn vị thế Short vì thấy thị trường khá tiêu cực. Tuy nhiên, trái với diễn biến, hợp đồng tương lai VN30 lại hồi mạnh trong những phiên cuối tháng 4 và đầu tháng 5 dẫn đến mình bị lỗ cả cơ sở lẫn phái sinh. Chứng khoán năm nay quá khó".

Theo Nhịp sống kinh tế