|
Ông Bùi Quang Độ được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao Bằng khen của UBND thành phố cho Đại học Văn Lang |
Ông Bùi Quang Độ sinh ngày 01/7/1946 tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia công tác giáo dục từ năm 1970, với vai trò giảng viên tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1972, ông nhập ngũ và ra quân với quân hàm Thiếu tá (năm 1985). Sau khi rời quân ngũ, KS. Bùi Quang Độ tham gia công tác trong lĩnh vực điện tử - tin học, giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Tin học GEN Pacific rồi làm Tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch Tổng Công ty Điện tử - Tin học Việt Nam (VEIC).
Sự nghiệp của ông cũng có nhiều thăng trầm theo sự phát triển của nền điện tử - tin học nước nhà. GEN Pacific mà ông từng phụ trách là liên doanh đầu tiên về lĩnh vực CNTT ở Việt Nam với một đối tác Pháp khi mà CNTT ở Việt Nam còn hết sức sơ khai. Tuy nhiên, khác với không ít liên doanh khác trong nhiều lĩnh vực bị phía nước ngoài thống lĩnh thì tới năm 1995, GEN Pacific đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Năm 1996, ông Bùi Quang Độ làm Tổng giám đốc VEIC và chính ông là một trong những người đã khởi xướng phonng trào “máy tính thương hiệu Việt Nam” với thương hiệu máy tính VIEC của chính VEIC. Sau đó, một loạt thương hiệu như Mekong Xanh, CMS, FPT Elead... của các doanh nghiệp khác mới ra đời và góp phần làm sôi động thị trường máy tính thương hiệu Việt Nam.
Xuất thân là một nhà giáo, một giảng viên đại học, ông say mê với sự nghiệp trồng người và đã tham gia sáng lập 2 trường đại học tư thục là Văn Lang ở TPHCM và Hoà Bình ở miền Bắc. Đến nay, Đại học Văn Lang đã có lịch sử 26 năm và Đại học Hoà Bình cũng đã được được hơn 15 năm với hàng chục ngàn sinh viên đã ra trường.
Ở góc độ xã hội, ngoài việc tham gia Ban chấp hành Hội Tin học Việt Nam và Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam nhiều nhiệm kỳ, ông cũng là người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam.
Là một người thẳng thắn và quyết đoán, ông tâm sự là đã từng cách chức không ít người có những sai phạm không thể chấp nhận được cho dù trước đó họ từng “chung lưng đấu cật” với mình. Tuy nhiên, sau khi ký những quyết định đó, ông cũng đã rơi nước mắt vì tiếc cho tình bạn đã bị sứt mẻ không tránh khỏi.
KS Bùi Quang Độ mất đi là một tổn thất lớn với không chỉ riêng Tổng Công ty Điện tử Tin học Việt Nam, Đại học Văn Lang, Đại học Hoà Bình mà là cả với ngành công nghệ thông tin và điện tử nước nhà.