Gánh nặng nợ công tăng lên đang dẫn đến việc Việt Nam phải chi ra ngày càng nhiều tiền hơn để thanh toán lãi và một phần nợ gốc, và nó đang lạm mạnh vào nguồn vốn đầu tư cho xã hội và nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn một chút, thì vấn đề dường như còn nghiêm trọng hơn thế nhiều, khi mà trên thực tế nợ công của Việt Nam có vẻ như đã không còn ở dưới ngưỡng cho phép là 65% GDP nữa, mà đã vượt qua ngưỡng này từ rất lâu.
Theo báo cáo của Bộ Tài Chính và Chính phủ, thì ở thời điểm hiện tại trong 3 chỉ số vĩ mô cơ bản của nền tài chính quốc gia thì mới chỉ có nợ chính phủ là vượt ngưỡng cho phép, còn lại hai chỉ số là dư nợ công và nợ nước ngoài vẫn ở mức kiểm soát. Cụ thể, đến thời điểm cuối năm 2015, dư nợ công của Việt Nam đạt 62,2% GDP, nợ chính phủ là 50,3% và nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%. Theo đó, mới chỉ có nợ chính phủ là vượt ngưỡng mà Quốc hội cho phép là 50%, còn dư nợ công vẫn chưa kịch trần là 65% GDP mà Quốc hội đặt ra.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ và Bộ Tài Chính, mức dư nợ công của Việt Nam sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2016, dự kiến sẽ vào khoảng 64% GDP trước khi giảm dần và về mức 60% GDP trong giai đoạn 2017-2020. Nói cách khác, Chính phủ cam kết sẽ không để nợ công vượt mức giới hạn cho phép có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với tình hình tài chính quốc gia. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề theo một khía cạnh khác, thì nợ công của Việt Nam đã vượt ngưỡng giới hạn 65% GDP từ rất lâu rồi.
Nguyên nhân dẫn đến nhận định đó, là vì cách tính nợ công của Việt Nam đang có những khác biệt nhất định so với cách tính chuẩn của thế giới. Cụ thể, theo Luật quản lý nợ công 2009, thì nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ của ngân hàng nhà nước (NHNN) và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Điều này có nghĩa là nợ của NHNN, DNNN và kể cả là của một số địa phương sẽ không được tính vào tổng nợ công của quốc gia. Trong khi đó tại các nước trên thế giới, thì nợ của NHNN, các DNNN và các địa phương cũng sẽ được tính vào tổng nợ công của đất nước.
Vì thế, nếu tính toán theo cách tính chuẩn của các nước trên thế giới, thì tổng nợ công của Việt Nam đã vượt trần 65% GDP từ rất lâu, vì nợ của các DNNN và các địa phương ở Việt Nam đang là một con số khổng lồ. Theo báo cáo của Chính phủ thì đến giai đoạn cuối năm 2013, tổng nợ của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã lên tới 1.550.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP ở thời điểm đó. Đến cuối năm 2014, thì con số này đã tăng lên thành 1.567.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Nếu tính theo cách tính chuẩn của thế giới, thì tổng nợ công của Việt Nam hiện nay đang vào khoảng trên 100-110% GDP, kể cả khi đã trừ đi phần nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh vốn đã được tính vào dư nợ công quốc gia là trên 5% đi nữa.
Lý do mà Bộ Tài Chính và Chính phủ không tính nợ của các DNNN vào tổng nợ công quốc gia, là vì Bộ Tài Chính đã nhiều lần tuyên bố nợ của các DNNN vay thì các doanh nghiệp này phải tự trả, và vì thế không thể tính gộp vào tổng nợ công quốc gia vốn do Chính phủ có trách nhiệm chi trả. Tuy nhiên, trên thực tế một phần không nhỏ nợ của các DNNN đang được chuyển đổi thành các khoản nợ mà Chính phủ phải trả. Điển hình là các khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh, tính đến cuối năm 2013 là 5,2% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP nợ công trong nước.
Điều này có nghĩa là khoảng 10% các khoản nợ của các DNNN sẽ thuộc trách nhiệm chi trả của Chính phủ, do Chính phủ là người đã bảo lãnh các khoản vay này. Hầu hết đây là các khoản vay nợ nước ngoài và có kỳ hạn rất ngắn, và trong điều kiện các DNNN làm ăn kém hiệu quả và nhiều nơi không thể tự trả nợ như hiện nay, thì dĩ nhiên trách nhiệm chi trả phải do Chính phủ gánh vác.
Tính đến thời điểm cuối năm 2014, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho các DNNN đã lên đến 124.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2013. Đặc biệt, trong tổng số nợ nước ngoài trên 381.000 tỷ đồng, thì con số mà các DNNN vay lại của Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh chiếm phần lớn, lên đến 242.000 tỷ đồng. Và nếu như các DNNN không thể tự trả được các khoản nợ này, thì đương nhiên Chính phủ sẽ phải gánh trách nhiệm chi trả do là người đứng ra bảo lãnh.
Điều này có nghĩa là, kể cả khi không tính nợ của các DNNN vào tổng nợ công quốc gia như Luật quản lý nợ công 2009 đã quy định, thì mức nợ công của Việt Nam trên thực tế cũng đã vượt trần 65% GDP. Là vì không ai có thể dám chắc tất cả các DNNN ở thời điểm hiện tại đều có đủ khả năng tự chi trả tất cả các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn của mình, và điều này có nghĩa là tỷ lệ nợ mà Chính phủ phải trả cho các doanh nghiệp này vì đã bảo lãnh sẽ tăng lên rất nhiều,cộng với mức nợ công 62,2% GDP hiện nay thì nhiều khả năng cũng đã vượt quá con số 65% GDP.
Trên thực tế, dù có cộng gộp các khoản nợ của DNNN vào nợ công quốc gia như thế giới vẫn làm đi nữa, thì khả năng vỡ nợ của Việt Nam là khá thấp, vì theo như báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) thì phần lớn các khoản nợ công của Việt Nam là ở trong nước. Tuy nhiên, nó đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với tình hình kinh tế và đầu tư ở thời điểm hiện tại. Các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, và gây sức ép lớn đối với cân bằng ngân sách quốc gia, và dẫn đến việc Nhà nước đang phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để cân bằng ngân sách và đảo nợ.
Theo dự kiến, trong năm 2016 kho bạc Nhà nước sẽ phát hành 220.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) để huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Trong đó, quý I sẽ phát hành 76.000 tỷ đồng TPCP, và trong 76.000 tỷ đồng đó thì đã có tới 55.000 tỷ đồng được dành để trả nợ gốc, một phần nữa để trả lãi vay. Điều này có nghĩa là, mức vốn đầu tư cho nền kinh tế đất nước sẽ còn lại gần như không đáng kể.
Chưa kể, việc liên tục phát hành TPCP một phần lớn trong số đó là để tiến hành đảo nợ, và điều này thì kéo theo những hệ quả nghiêm trọng về lâu dài. Trước hết, nó sẽ làm tăng chính mức nợ công quốc gia. Tần suất và quy mô phát hành TPCP càng lớn, thì mức tăng nợ công quốc gia càng nhanh. Ngoài ra, nó còn gây tác động lớn tới lãi suất trong nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Rõ ràng là, tình hình nợ công của Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, và đang dẫn tới những hậu quả nặng nề, trong khi đó một giải pháp hiệu quả và căn bản về lâu dài để xử lý dứt điểm vấn đề này lại vẫn chưa thực sự được tìm ra.
Theo Một thế giới