Người tiêu dùng sẽ "nới" chi tiêu cho du lịch và giải trí trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Năm 2024, người tiêu dùng sẽ cân bằng lại chi tiêu, đi du lịch và ăn tối ở ngoài. Cùng với đó, nhu cầu hàng hóa như đồ gia dụng và quần áo tăng được dự báo sẽ vực dậy lĩnh vực sản xuất.

Dự kiến, năm 2024, khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi thuộc top hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Dự kiến, năm 2024, khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi thuộc top hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Viện Kinh tế Mastercard (MEI) vừa công bố dự báo kinh tế thường niên cho năm 2024, trong đó nêu ra những điểm sáng và những yếu tố sẽ quyết định sự tăng trưởng toàn cầu.

Theo báo cáo, năm 2024 bắt đầu khoảng thời gian các nền kinh tế tiếp tục ổn định và các động lực tăng trưởng chính, như xuất khẩu và du lịch sẽ tiệm cận với những chỉ số trước đại dịch. Người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ chi tiêu cho hàng hóa nhiều hơn so với năm 2023.

Điều này đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng hóa trở lại về mức trước đại dịch và đảo ngược xu hướng so với giai đoạn 2022-2023. Đây là thời điểm mà người tiêu dùng ưu tiên các dịch vụ bên ngoài nhiều hơn như ăn uống và du lịch bù lại quãng thời gian đại dịch và khó khăn sau đại dịch.

Vào năm 2024, nhu cầu ngày càng tăng của các loại hàng hóa như đồ gia dụng và quần áo cũng được dự báo sẽ vực dậy lĩnh vực sản xuất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Thay đổi này sẽ thúc đẩy sự hội tụ về hiệu suất giữa các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong khu vực – hai lĩnh vực từng có xu hướng trái ngược nhau trong thời điểm năm 2023, khi ngành sản xuất bị tụt lại còn ngành dịch vụ thì bùng nổ.

Đây sẽ là khoảng thời gian các nền kinh tế tiếp tục ổn định và các động lực tăng trưởng chính, như xuất khẩu và du lịch, sẽ tiệm cận với những chỉ số trước đại dịch.

Báo cáo cũng dự báo sự phục hồi về du lịch nước ngoài của các du khách Trung Quốc. Trong đó, việc Việt Nam giảm bớt những hạn chế về thị thực du lịch theo đoàn hơn so với du lịch cá nhân, sẽ tiếp tục thúc đẩy việc chi tiêu cho du lịch của khách Trung Quốc.

Trước đại dịch, khách du lịch từ Trung Quốc đại lục tập trung nhiều vào việc mua sắm, đặc biệt là những mặt hàng xa xỉ khi đi du lịch quốc tế. Sau đại dịch, việc chi tiêu cho những hoạt động như giải trí và ăn uống đã phục hồi mạnh mẽ. Sự thay đổi trong ưu tiên chi tiêu du lịch này cho thấy các cơ quan quản lý du lịch và nhà bán lẻ toàn cầu có thể phải điều chỉnh chiến lược của mình nhằm duy trì sức hấp dẫn đối với du khách Trung Quốc./.