Người tiêu dùng Mỹ chi kỷ lục 9,8 tỉ USD mua hàng trực tuyến trong ngày Black Friday

VietTimes – Mức chi tiêu tăng đột biến trong ngày Black Friday cho thấy người tiêu dùng Mỹ sẵn sàng chi tiêu hơn so với năm 2022, thời điểm mà giá xăng và thực phẩm tăng cao.
Người mua sắm chọn quần áo trong cửa hàng Lacoste nhân dịp Black Friday ở Central Valley, New York (Ảnh: CNBC)

Theo báo cáo của Adobe Analytics, chi tiêu cho thương mại điện tử trong sự kiện “Black Friday” đã tăng 7,5% so với một năm trước đó, đạt mức kỷ lục 9,8 tỉ USD ở Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy những người tiêu dùng quan tâm đến giá cả, muốn săn lùng những 'món hời' trên internet.

“Chúng tôi đã thấy một nhóm người tiêu dùng có chiến lược xuất hiện trong năm qua. Họ đang thực sự cố gắng tận dụng những ngày lễ hội như vừa qua để có thể tối đa hóa mức giảm giá”, Vivek Pandya, nhà phân tích chính của Adobe Digital Insights, cho biết.

Mức chi tiêu tăng đột biến trong ngày Black Friday cho thấy người tiêu dùng Mỹ sẵn sàng chi tiêu hơn so với năm 2022, thời điểm mà giá xăng và thực phẩm tăng cao.

Pandya lưu ý rằng việc mua sắm ngẫu hứng có thể đóng vai trò thúc đẩy doanh số trong ngày Black Friday, với 5,3 tỉ USD doanh thu trực tuyến đến từ mua sắm trên thiết bị di động. Ông cho biết những người có ảnh hưởng (Influencer) và quảng cáo trên mạng xã hội đã giúp người tiêu dùng dễ dàng chi tiêu thoải mái hơn trên thiết bị di động của họ.

Tuy nhiên, người mua sắm ngày càng trở nên nhạy cảm về giá, họ quản lý ngân sách chặt chẽ hơn do lạm phátlãi suất kỷ lục năm ngoái. Theo khảo sát của Adobe, 79 triệu USD doanh thu đến từ những người tiêu dùng đã chọn phương thức thanh toán linh hoạt “mua trước, trả sau”, tăng 47% so với năm ngoái.

Báo cáo của Adobe cũng chỉ ra rằng các danh mục bán chạy nhất trong ngày Black Friday là các thiết bị điện tử như đồng hồ thông minh và TV, cùng với đồ chơi và trò chơi điện tử. Trong khi đó, các công cụ sửa chữa nhà lại bán chậm hơn. Pandya cho biết những sản phẩm bán chạy nhất thường là sản phẩm có mức giảm giá sâu nhất.

Adobe thu thập dữ liệu bằng cách phân tích một nghìn tỉ lượt truy cập vào các trang web bán lẻ ở Mỹ, 18 danh mục sản phẩm và 100 triệu mặt hàng độc đáo. Cần lưu ý rằng hãng này không theo dõi các giao dịch bán lẻ truyền thống.

Một phân tích của Mastercard về doanh số bán hàng trong dịp Black Friday năm nay cho thấy doanh số bán hàng tại cửa hàng chỉ tăng hơn 1% so với năm trước, trong khi doanh số bán hàng trực tuyến tăng hơn 8%.

“Tôi tin rằng mô hình trải nghiệm Black Friday tại cửa hàng, với những hàng dài người xếp hàng, giờ đã thay đổi”, ông Pandya cho hay.

Ông nhấn mạnh thêm rằng người tiêu dùng giờ “có nhiều quyền chủ động hơn” khi họ mua sắm trực tuyến vì việc so sánh giá sẽ dễ dàng hơn và đảm bảo mức giá tốt hơn cho họ.

Các nhà bán lẻ nhận thức được sự gia tăng của người tiêu dùng săn lùng hàng giảm giá và muốn thu hút càng nhiều người trong số họ càng tốt. Các công ty như Best Buy và Lowe's đều công bố mức chiết khấu cao hơn. Các hãng bán lẻ khác như Target và Ulta Beauty đưa ra hình thức giảm giá 24 giờ, dựa trên từng thương hiệu và sản phẩm.

Theo phân tích trước đó của Adobe, Black Friday vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng từ sau Lễ Tạ ơn, thời điểm mà doanh số bán hàng trực tuyến đạt tổng cộng 5,6 tỉ USD.

Adobe kỳ vọng sức mạnh chi tiêu sẽ tiếp tục được duy trì cho đến sự kiện mua sắm “Cyber Monday”. Báo cáo dự báo rằng những người mua sắm trực tuyến sẽ chi khoảng 10 tỉ USD trong suốt khoảng thời gian cuối tuần này và đạt mức kỷ lục 12 tỉ USD vào ngày diễn ra sự kiện Cyber Monday.

Tuy nhiên, theo Pandya, chi tiêu có thể sẽ bắt đầu giảm dần vào kỳ nghỉ lễ. Cyber Monday, ngày giao dịch lớn cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, có thể là đợt tăng chi tiêu cuối cùng cho những mặt hàng không thiết yếu trong thời gian còn lại của năm.

“Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ yếu đi vì những đợt giảm giá đó kết thúc và chúng đang ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của người mua trong mùa này”, ông Pandya cho biết./.

Theo CNBC