Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thực hiện mua, bán nhà ở tại Việt Nam sẽ phải mở tài khoản tại ngân hàng và thực hiện thanh toán, chuyển khoản qua ngân hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu người nước ngoài có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng Việt Nam để mua nhà ở, căn hộ sẽ được các ngân hàng tại Việt Nam xem xét và đáp ứng nhu cầu vay nếu đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn.
Tuy nhiên, cá nhân nước ngoài sẽ không được vay vốn vượt quá thời hạn được phép sinh sống, hoạt động tại Việt Nam. Các pháp nhân nước ngoài là tổ chức thì thời hạn cho vay không quá thời hạn hoạt động còn lại theo quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cũng vừa mới cho biết, sẽ không bổ sung Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội và TP.HCM là cơ quan thẩm quyền giải quyết nguồn gốc người Việt Nam ở nước ngoài theo kiến nghị của HoREA.
Hiện các cơ quan có quyền tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam gồm: Cơ quan đại diện người Việt Nam ở nước ngoài hoặc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) hay Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố.
Về thời hạn cấp visa cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài.
Bộ Công an sẽ là cơ quan trình Chính phủ quyết định này nếu thấy có nội dung cần thiết quy định riêng cho đối tượng này.
Về giấy tờ chứng minh là người gốc Việt Nam cũng đã được quy định chi tiết trong Thông tư liên tịch 05 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an gồm: hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân, các giấy tờ khác có giá trị thay thế hoặc tham khảo quốc tịch của đương sự.
Ngoài ra, người Việt Nam ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam có thể đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam.
Theo Bizlive