|
Đội quân "những người lịch sự" của Nga trong chiến dịch sáp nhập Crimea |
Theo Warontherock, Ukraine, Georgia, và thậm chí là những thành viên NATO như Estonia hiện nay đang lo sợ họ sẽ là mục tiêu tiếp theo của “những người lịch sự” Nga. NATO đã báo động bởi sự cần thiết phải chuẩn bị đối phó với chiến thuật không mong muốn này, đã buộc phải phát triển các giải pháp mới để tự vệ trước mối đe doạ trên.
Những người lịch sự hay lực lượng không được thừa nhận là phần trung tâm của thứ được gọi là “chiến tranh lai” tại “vùng xám” nằm trong trạng thái giữa chiến tranh và xung đột. Tất cả điều này dường như là một sự phát triển mới và cách tân từ các chiến thuật truyền thống, thậm chí đây là một mô thức mới cho các cuộc xung đột trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên, các lực lượng không được thừa nhận không phải điều gì mới. Trên thực tế nó cũng không phải hiện tượng đặc thù được dùng để chiếm giữ một khu vực lãnh thổ như Nga đã làm với Crimea. Đó là một lịch sử lâu dài của chiến tranh lai nói chung và can thiệp với các lực lượng không được thừa nhận nói riêng.
Trong một dự án lớn hơn, tác giả đã thu thập dữ liệu về mọi vụ thôn tính đất đai kể từ năm 1918 với tổng cộng 105 vụ sáp nhập, có 3 ví dụ điển hình trước khi “những người lịch sự” chiếm giữ Crimea.
Vào năm 1999, lực lượng Pakistan băng qua đường kiểm soát tại khu vực Kargil của Kashmir, chiếm giữ các vị trí án ngữ các tuyến đường chiến lược quan trọng trên lãnh thổ Ấn Độ. Cũng như Nga, Pakistan sử dụng lực lượng không thừa nhận được mô tả như những phần tử nổi dậy Kashmiri. Không như Ukraine, Ấn Độ đã phản công, chấp nhận thương vong lớn để đánh đuổi lực lượng Pakistan.
Pakistan không phải người sáng tạo ra chiến thuật này. Trái lại, chiến thuật trên có trước cả Pakistan. Năm 1932, quân đội Peru mặc giả dạng thường dân để chiếm thị trấn biên giới Leticia hẻo lánh. Khi Colombia tập hợp binh lực cần thiết để đánh đuổi những kẻ xâm chiếm, quân đội Peru đã công khai can thiệp để bảo vệ vùng đất mới chiếm. Sau đó Colombia đã điều động hạm đội xuồng máy băng qua Đại Tây Dương và đi ngược sông Amazon để chiến đấu với người Peru, chiếm lại phần lãnh thổ và giành nốt phần còn lại thông qua đàm phán.
Chính Nga cũng từng là nạn nhân của một vụ thôn tính lãnh thổ của lực lượng không thừa nhận. Năm 1919, quân tình nguyện Phần Lan đã đánh chiếm một phần khu vực Karelia có dân Phần Lan sinh sống với hy vọng sáp nhập vùng đất này vào Phần Lan. Phần Lan toan tính khai thác tình trạng hỗn loạn do nội chiến ở Nga. Hồng quân Liên Xô sau đó đã tập trung lực lượng đánh đuổi người Phần Lan.
Việc triển khai các lực lượng trá hình để can thiệp vào các cuộc xung đột như Nga đã thực hiện tại Donetsk và Luhansk không quá phổ biến. Moscow dường như tin rằng sự không thừa nhận mang lại chút hy vọng làm giảm thiểu những hậu quả của việc xâm chiếm. Trong chiến tranh Triều Tiên, các phi công Nga đã chiến đấu chống phi công Mỹ bằng cách cải trang họ và máy bay thành của Trung Quốc.
Độc tài Mussolini của Ý đã điều 10 ngàn quân không mang quân phục phiên hiệu bình thường mà như “những người tình nguyện” sang ủng hộ phe phát xít trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Hải quân Ý thậm chí phát động các cuộc tấn công bằng tàu ngầm chứ không phải chiến hạm mặt nước để tránh bị kết tội về hành động của mình, trên thực tế là Ý đã triển khai các tàu ngầm như lực lượng không thừa nhận trên biển.
Các nước vùng Baltics và một vài quốc gia lo sợ Nga sẽ lại sử dụng chiến thuật tại Crimea. Tuy nhiên, thành công của Nga trong việc sử dụng các lực lượng không thừa nhận để chiếm lãnh thổ không điển hình. Nga thành công tại Crimea với cùng chiến thuật mà Pakistan đã thất bại tại Kargil, Peru tại Leticia, và Phần Lan với Karelia, chung quy chỉ có một thành công so với 3 thất bại kể từ năm 1918.
Với mỗi trường hợp được ví dụ, những người bảo vệ đã phản ứng lại chiến thuật chiến tranh lai với cùng cách tương tự. Họ chấp nhận hình thức xung đột giả tạo và huy động lực lượng đủ mạnh để đánh bại các lực lượng không thừa nhận trên chiến trường. Họ tìm cách chiến đấu với lực lượng phi thừa nhận mà cũng không tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của kẻ tấn công, duy trì cuộc chiến hạn chế. Ấn Độ đã cực kỳ thận trọng khi giành lại Kargil, thậm chí tránh không kích có thể dẫn tới việc các chiến đấu cơ bay sang phía bên kia đường kiểm soát thuộc Pakistan.
Trong mỗi trường hợp, người bảo vệ tập trung lực lượng quân sự đủ mạnh để đánh bại lực lượng xâm lược không thừa nhận trong một cuộc chiến. Điều đó buộc phía xâm lược dứng trước một lựa chọn khó khăn: công khai can thiệp hòng cứu vãn chiến dich (như Peru) hoặc chấp nhận ván cờ thất bại và rút lực lượng phi thừa nhận (như Pakistan và Phần Lan). Mục tiêu của những người phòng thủ là buộc phe xâm chiếm phải lựa chọn lui binh.
Có nguy cơ không thể giảm thiểu khi đối phó với chiến lược chống chiến tranh lai, vì nó có thể khích động phía xâm lược công khai can thiệp. Lựa chon đối phó với chiến thuật chiến tranh lai như thế nào tuỳ thuộc vào quốc gia bị tấn công. Nếu như lựa chọn là kháng cự, chiến lược phản chiến tranh lại là cách chiến đấu đáp trả. Khi được hỏi sẽ phản ứng ra sao để chống lại “người lịch sự” tràn qua từ biên giới Nga, tướng hàng đầu Estonia là Riho Terras trả lời đơn giản: “Bạn sẽ bắn ngay kẻ đầu tiên xuất hiện”.
Để chiến lược phản chiến tranh lai thành công, bên phòng thủ phải có đủ sức mạnh quân sự có khả năng ngăn ngừa ngay từ đầu, giới hạn cuộc xung đột nguỵ trang dưới hình thức mâu thuẫn vũ trang nội bộ. Đó là lý do tại sao Ukraine đã vô cùng bối rối trước chiến tranh lai. Cho tới khi Ukraine có thể tăng cường sức mạnh các lực lượng của mình tới mức Nga sẽ cần phải can thiệp vượt qua mức độ không thừa nhận để chiếm ưu thế (dùng không quân chẳng hạn), Kiev sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với chiến tranh lai.
Và trong chuyện nay năng lực của Ukraine là vấn đề quan trọng nhất chứ không phải năng lực của Mỹ hay NATO. Do phải duy trì một cuộc xung đột nội bộ không mong muốn, việc đánh bại các lực lượng không thừa nhận trong tương lại là nhiệm vụ thích hợp nhất đối với quân đội của nước bị tấn công chứ không phải đồng minh của quốc gia đó.