Khởi cuộc
Ngày 22 tháng 8 năm 1967, có lệnh gọi Bác sĩ Lê Điều, Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Việt - Xô lên phố Nguyễn Cảnh Chân gặp đồng chí Lê Đức Thọ. Lê Điều hơi hoảng, cứ nghĩ cơ quan mình có chi sơ suất trong việc phục vụ bảo vệ sức khỏe cán bộ cao cấp?
"Tôi biết đồng chí trong danh sách cùng với GS Bửu Triều chuẩn bị sang Cộng hòa dân chủ Đức tu nghiệp. Nhưng bây giờ có nhiệm vụ quan trọng..." - ông Thọ nói.
Nhiệm vụ ấy là BS Lê Điều được cử sang Liên Xô, mà như ông Lê Đức Thọ dặn đi dặn lại, tuyệt đối không được nói với ai, ngay cả với người thân như vợ con...
Bác sĩ Lê Điều
|
BS Lê Điều khi ấy cũng không thể biết, thời điểm đó có hai việc tuyệt đối bí mật đã diễn ra. Một là bản Di chúc của Bác đang được Bác hoàn chỉnh mang tên Tuyệt đối bí mật. Hai là kế hoạch của Bộ Chính trị về việc gìn giữ thi hài của Bác lâu dài cho hậu thế nếu chẳng may Bác đi xa cũng mang cái tên Tuyệt đối bí mật!
Tên gọi giống nhau. Và mục đích khác nhau. Nhưng đều chuẩn bị cho cái ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta. Cũng oái ăm, Bác Hồ không biết, nhưng một BS bình thường như Lê Điều lại biết.
Trước hôm lên đường, bà vợ ông được tổ chức gọi gặp.
Anh ấy đi B có việc gấp. Việc này là bí mật quân sự. Chị biết vậy cho...
Tinh mơ ngày 2-9-1967, một chiếc xe con của Tổng Cục đường sắt xuôi về Phủ Lý nhưng một hồi lại ngoặt lên hướng Bắc. Trên xe chở ba người: BS Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm khoa giải phẫu BV 108. BS Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm khoa nội tiết BV Bạch Mai (cả hai người hiện nay đã mất). Người thứ ba là BS Điều. Nhóm công tác do BS Quyền phụ trách.
Bác sĩ Điều cùng với các chuyên gia Liên Xô - Ảnh do BS Điều cung cấp.
|
Lộ trình của ba người, nói thì gọn nhưng dài dặc. Đến Đồng Đăng đáp tàu đi Bắc Kinh. Vào Liên Xô qua ngả Ieckut. Đến Maxcơva, cả ba được đón tiếp chu đáo thân tình dưới sự phụ trách của Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm KH Liên Xô, viện sĩ X.X Đêbôv.
Một môi trường công tác mới. Vô số việc. Cũng y cụ: những dao, kéo cũng chỉ khâu và những bộ đồ giải phẫu y tế. Nhiều dụng cụ y tế lần đầu dược trông thấy. Những thao tác điêu luyện trong phẫu thuật với mục đích hoàn toàn khác! Rồi các loại hóa chất... Nhiều hôm dị ứng tay, mắt sưng vù, đầu nhức như búa bổ... Nhưng cả ba anh em đều thấm triệt cái nhiệm vụ lẫn sứ mạng mà mình đang thực hiện bắt đầu bằng sự giới thiệu của Viện sĩ X.X Đêbov.
Các đồng chí đang ở trong khu vực của Lăng Lênin. Căn phòng này, khu vực đây, cũng như công nghệ các đồng chí sắp được biết lần đầu tiên, không phải công dân nào của LB CHXHCN Xô Viết cũng có thể đặt chân tới và tiếp cận.
Họ được các giáo sư, viện sĩ trực tiếp chăm sóc thi hài V. Lênin (giai đoạn sau) và những người trực tiếp chăm sóc thi hài Đimitơrov từ giai đoạn đầu, giảng dạy, hướng dẫn tỉ mỉ. Do cả ba anh em đều dùng được tiếng Pháp nên việc học tập cũng được tiến triển nhanh bởi trong số giáo sư, viện sĩ trực tiếp giảng dạy hướng dẫn có một viện sĩ gốc Do Thái mà ông này nói thông làu đến 7 thứ tiếng.
Vâng cái năm ấy, tôi mới ba bảy tuổi... Ông Điều đưa tôi coi tấm giấy mời in khá đẹp mang số 0609 của Ban tổ chức mời ông dự lễ kỷ niệm 50 Cách mạng Tháng Mười vào dịp ông đang học. Bây giờ những người thầy đáng kính của khóa học đặc biệt ấy, chẳng biết những ai còn, ai mất? Giọng ông bồi hồi rồi chỉ tay vào tấm ảnh ngả vàng nhưng hãy còn sắc nét…
Giữa năm 1968, cả nhóm đang học thì có lệnh từ nhà sang phải về nước. Sau mới biết, nguyên nhân ở nhà sốt ruột! Nhỡ ra anh em đang học mà… Bác bỗng mệnh hệ nào?
Món quà ông mang về cho mấy mẹ con là mấy mét vải! Đi B làm sao có quà, có vải? Theo kịch bản, một người bạn thân tới nhà đưa quà nói là mới đi công tác nước ngoài về!?
Về nước, cả nhóm công tác tiếp tục chương trình đang dở dưới sự chỉ đạo trực tiếp, bí mật của đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Lê Văn Lương. Cả nhóm như vững tin hơn bởi Anh Cả Nguyễn Lương Bằng bao giờ cũng bình tĩnh, khoan thai...
Cả nhóm được coi những phim, những hình ảnh về Bác ở một cự ly gần. Phải nhập tâm tất thảy những động thái tình cảm trên khuôn mặt của Bác Hồ qua phim ảnh, qua những cuộc tiếp xúc gặp gỡ của Bác với nhiều đối tượng với dân với quân. Từ đó tìm ra những nét điển hình đặc trưng nhất. Những nét ấy sau này sẽ là vĩnh cửu... Chuyên gia trực tiếp hướng dẫn ông chỉ đạo như thế.
Cả nhóm tích cực học tập thử nghiệm tiếp những phần việc ở bên Liên Xô còn đang dang dở. Rồi việc đôn đáo đi tìm loại kính đặc biệt để làm hòm kính. Nghĩ ra sáng kiến dùng bàn đá ở An Dương để thay thế bàn kim loại v.v. Cũng trong thời điểm này, cả nhóm công tác đã thực hiện được một việc khiến những ông thầy Xô Viết rất hài lòng: tiến hành thành công giai đoạn đầu của việc ướp xác trên một tử thi vô danh sau nhiều ngày tìm kiếm ròng rã (đạo lý người Việt chỉ cho phép làm công việc khoa học ấy trên những tử thi vô thừa nhận) phục vụ cho công việc chính yếu sau này.
Hai tổ công tác Việt Xô trong buổi làm việc.
|
Tuyệt đối bí mật
Rồi cái ngày không ai muốn ấy đã xảy ra...
Suốt cả buổi chiều mồng 2-9-1969, trong căn hầm sâu hút mang mật danh 75B ngay cạnh nhà tang lễ Việt Xô, sau ba tiếng đồng hồ cặm cụi trong đau đớn và mẫn cán, các thầy thuốc Việt Xô, trong đó có BS Lê Điều đã thực hiện thành công những công việc bước đầu. Những việc mà để thi hài Bác Hồ không những có mặt trong những ngày tang lễ mà còn có thể bảo quản an toàn dài lâu.
Như một tài liệu sau này đã mô tả.
… Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn, họ đã nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên gương mặt và đôi bàn tay của Bác. Đặc biệt là các chi tiết ở mặt và miệng đòi hỏi phải làm tỉ mỉ công phu. Mỗi mũi tiêm, mỗi đường thuốc đều phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành nhằm đạt kết quả cao nhất... (Giữ yên giấc ngủ của Người - Nxb QĐND - 2000.Trg 45).
Rồi ngay đêm đó, Bác được đưa trở lại Hội trường Ba Đình. "Các đồng chí có yêu cầu gì không?" - Tổng Bí thư Lê Duẩn vừa khóc vừa hỏi các thầy thuốc Việt Nam khi công việc đã hoàn tất. Thể theo nguyện vọng của mọi người, TBT Lê Duẩn đã cho phép đồng chí Siêu (người đặc trách ghi những bức hình không ai muốn có trong thời điểm đau thương ấy) chụp sáu thầy thuốc Việt Nam bên Bác.
Sáu thành viên trong tổ công tác đặc biệt bên Bác (chụp chiều muộn ngày 2-9-1969)- Ảnh do GS Điều cung cấp.
|
Sau những ngày tang lễ, một thử thách đặt ra không những đối với các thầy thuốc Việt Nam mà với nhân dân cả nước. Đó là việc các thầy thuốc Liên Xô đề nghị với Chủ tịch HĐBT A.N Côxưghin, Trưởng đoàn nhà nước Liên Xô sang dự lễ tang là phải đưa Bác sang Liên Xô để bảo quản vì sợ rằng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm không thích hợp.
Đành một nhẽ việc giữ gìn thi hài Bác bên ấy sẽ an toàn nhưng đi thì vậy, còn cái sự về ai dám chắc ở thì tương lai không có trục trặc này khác? Qua nhiều lần bàn thảo, truyền thống độc lập tự chủ sáng tạo vốn tiềm tàng hay là kiến thức, tay nghề của các thầy thuốc Việt Nam được lĩnh hội qua các chuyên gia Xô Viết đã thuyết phục được Chủ tịch HĐBT Liên Xô (và có lẽ cả hai) hay lý do gì nữa không biết? Cuối cùng, Chủ tịch HĐBT Liên Xô đã đồng ý và chấp thuận cho Viện sĩ X.X. Đêbov sử dụng ngay chiếc chuyên cơ của ông bay về Maxcơva gấp để lấy thêm dụng cụ thuốc men phục vụ cho công tác đặc biệt này.
Hành trình của Thượng úy Lê Điều (thời điểm này ông được chuyển sang quân đội với hàm thượng úy, nói đúng hơn là tái ngũ bởi người bác sĩ Quân y Lê Điều nguyên là lính của Trung đoàn 18, Sư 325 từng trải qua nhiều trận đánh ác liệt của mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa) tiếp tục một mặt trận mới! Là bám theo theo lộ trình công việc của những đơn vị tiền thân Bộ Tư lệnh Lăng sau này: Nhà hầm đặc biệt 75A, 75B ở Hà Nội; K9 hay K84 ở Đá Chông, K2 ở Hòa Bình. Tháng 12 năm 1969, đưa Bác từ B75 lên K84. Cuối năm 1970, chuyển Bác từ K84 về Hà Nội. Rồi lại đưa Bác lên K84. Rồi từ K84 về K2.
Những lần di chuyển trong mưa lũ gió rét, ban ngày hoặc giữa đêm khuya hay nắng như đổ lửa, trong tầm soi mói của không quân Mỹ và phải giữ bí mật tuyệt đối. Họ không được phép sai lầm hoặc thất bại. Phải đảm bảo nhiệt độ trong xe chở thi hài Bác xấp xỉ 16 độ C trong khi chưa có xe đặc dụng. Thời gian di chuyển không quá 4 tiếng. Độ xóc cho phép, nôm na là cái cốc đựng nước để trên xe tính đến miệng 3 phân phải giữ không có giọt nào sánh ra ngoài.
BS Lê Điều bên thi hài Bác (ảnh chụp chiều muộn 2-9-1969)- Ảnh BS Điều cung cấp.
|
Biết bao giọt mồ hôi do hoảng, do sợ bởi tình huống không lường trước đột ngột phát sinh đã túa trên gương mặt của các thầy thuốc Việt Nam và Liên Xô. Nhưng do thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình làm thuốc nên may mắn chưa có một trục trặc xảy ra dù nhỏ.
Do đặc thù nghiêm cẩn, nghiệt ngã của việc bảo quản thi hài Bác, nói nôm na là làm thuốc và do công tác giữ bí mật nên có thời gian ở ngay Hà Nội mà thượng úy Lê Điều cũng như anh em phải ở lì bên căn nhà hầm 75B ở bệnh viện 108. Bà vợ ông chỉ biết chồng đang đi công tác! Tổ công tác chỉ biết vùi đầu vào công việc dưới sự chỉ đạo riết róng khe khắt của chuyên gia bạn. Tỉ mỉ, chăm chỉ, thận trọng, âm thầm và cả quyết liệt nữa, họ đang tính đếm chủ đích cho cái ngày không phải phiền bạn nữa. (Cái ngày, cái thời điểm độc lập hoàn toàn tự chủ trong công tác đặc biệt này mãi mới diễn ra vào năm 1992)
Nhưng cũng có khi rảnh... Những khi ấy là ông trèo lên tầng thượng, dõi cặp mắt về phía con đường dẫn qua nhà ông gần ngay bệnh viện xem con gái có bất thần đi học qua không? Một trong những nỗi ngại dai dẳng là khi được phép cải trang ra phố, bất ngờ gặp phải người thân hay đồng nghiệp, bạn bè hỏi đi đâu mà lâu nay biệt tích thế, bây giờ đang làm gì thì nói năng ra làm sao? Thôi tốt nhất là chẳng dám đi đâu sất!
Dấu chân người lính
Thời gian dài đứng chân ở K84, ông có những lúc rảnh nghĩ về cái căn hộ chật chội 7,5 mét vuông của gia đình ở khu tập thể bệnh viện Việt Xô. Đó là một cái nhà tắm được cải tạo lại. Thế là tranh thủ lúc rỗi, ông đi cắt gianh rồi tỉ mẩn đánh gianh theo cái cách của những anh vụng! Rồi ông đi rừng cách xa đơn vị chặt bương với tre. Ấy là BS Lê Điều đang âm thầm tính toán chuẩn bị cho cái nhà tre sẽ cất trên tầng thượng của khu tập thể. Lại cậy nhờ anh bạn từng đưa quà, kịch bản anh mua hộ được một nếp nhà của bà con dân tộc. Căn nhà tre lá ấy được dựng lên thật. Đồng chí Vũ Kỳ một lần tới chơi, cười rồi lắc đầu ôi cái nhà của ông Lê Điều.
Chả biết ông Vũ Kỳ cười gì nhưng BS Lê Điều từng khéo léo chuẩn xác trong công tác đặc biệt kia nhưng vụng khốn vụng khổ trong việc làm nhà. Năm đầu, cả nhà khốn khổ dùng giấy dầu chắm dặm tứ tung chỗ này chỗ khác do dột. Rồi mọt đục. Năm thứ hai chỉ vài trận gió sơ sơ thì cái nhà của ông Lê Điều được xếp gọn một góc ở dạng nguyên vật liệu.
Bác sĩ Điều
|
Thành tựu làm kinh tế những năm ông trên rừng ấy là tăng gia trồng sắn với anh em. Họ chia cho ông. Ông cặm cụi chế thành bột sắn. Bà vợ ông cười, cho đến giờ hai cô con gái đầu của ông bà hãi nhất là cái hương bột sắn, bánh sắn. Bà đã tỉ mẩn hấp đồ lên nhưng chắc ăn mãi phải ngán? Nhưng những năm khó khăn ấy, bột sắn là thứ quý đối với bà vợ và ba đứa con nhỏ...
Những gian nan ấy có tự ngày xưa… Lê Điều vào bộ đội rồi học trường Y kháng chiến ở Chiêm Hóa cùng lớp với ông Phạm Song Bộ trưởng sau này. Sau đó là liên miên các trận đánh của Trung đoàn 18. Cô vợ lính vò võ ở vùng tự do Ninh Bình. Hòa bình, bà đi học Dược rồi về công tác ở Hà Tây ông thì ở Hà Nội.
Gần nhau được ít năm thì ông biền biệt với công tác đặc biệt này. Một lần nhân ngày lễ, ông được chuyên gia biếu một tấm drap trải giường trắng muốt thêu rất đẹp. Ông mang về, hai vợ chồng ngắm nghía mãi định bụng sẽ thay cái vỏ chăn tiết kiệm được kết bằng hàng chục mảnh vải nhiều mầu khác nhau đã tã... Nhưng ông chợt nói với bà cái quy định công tác rằng... Đôi hồi, nhưng bà đồng ý với ông là cứ mang cái drap báo cáo tổ chức đã. Ông được hoan nghênh nhưng tấm drap phải sung vào công quỹ.
... Đầu năm 1980, tại BTL Lăng, BS Lê Điều hào sảng ký vào biên bản kiểm nghiệm giữa Việt Nam và Liên Xô về tình trạng bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở tình trạng tốt nhất. Và tay nghề chuyên môn trong công tác đặc biệt cũng đang vững nhất! Sau đó ông chuyển về công tác ở BV Quân Y 103. Rồi ông về hưu với quân hàm Đại tá.
Nhưng ông đang có sức. Và hình như lần biền biệt sang Ănggôla để làm kinh tế, ông lại cũng chả gặp may? Bên bạn có nội chiến nên công việc lẫn khoản tài chính thanh toán cho các chuyên gia Y tế lẫn Giáo dục cũng trục trặc luôn... Bởi thế nên thấy 5 năm ông chưa về, bà sang đó để phụ giúp cơm nước cho ông, phụ giúp luôn cả chuyên môn cho ông nữa... May mà hai ông bà đã lành lặn thoát khỏi xứ bom đạn ùng oàng ấy thanh thản bên đứa cháu nội trong căn hộ ấm cúng trong khu tập thể BTL Lăng mà tôi đang ngồi đây.
Chao ôi, nhiều người tài năng tận tụy lắm. Tôi nhớ nhiều đến BS Mẫn, BS Quyền đã mất. Như BS Châu, như y sĩ Hát, hộ lý Ảm đã bao năm gắn bó cùng! Tôi chỉ từng là một người lính trong một đội quân tận tụy và tài năng với nhiều chiến công âm thầm mà bây giờ người ta gọi Bộ tư lệnh Lăng.