|
Nhiều người Việt đã thử nghiệm dùng AI cho công việc |
ChatGPT và Copilot được sử dụng phổ biến
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một phần không thể thiếu trong môi trường làm việc công sở và doanh nghiệp tại Việt Nam, thậm chí cả trong giảng đường đại học và trường trung học cơ sở.
Mức độ người Việt biết đến và sử dụng AI thuộc hàng top thế giới. Theo một khảo sát của Microsoft được thực hiện tại 31 quốc gia, trong đó có 14 nước thuộc Châu Á - Thái Bình Dương, thì 88% lao động tri thức tại Việt Nam đã sử dụng AI trong công việc, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 75%.
Cũng theo khảo sát của Microsoft thì các công cụ AI mà người dùng Việt thường sử dụng là ChatGPT, Copilot và GitHub Copilot. Lưu ý, đây là khảo sát vào thời điểm DeepSeek chưa xuất hiện. Có lẽ hiện tại nhiều người Việt cũng đang sử dụng DeepSeek do tính miễn phí cũng như dễ dàng sử dụng của chatbotAI này.
Về nguyên nhân của việc sử dụng AI, 76% lao động Việt được hỏi cho biết họ không có đủ thời gian và năng lượng để hoàn thành công việc của mình. Họ “mắc kẹt” với một khối lượng công việc khổng lồ, từ email, các cuộc họp và xử lý số liệu. Vì thế họ đã tìm đến AI để giúp giải quyết công việc nhanh hơn. 90% người Việt được khảo sát mong muốn giao càng nhiều việc cho AI càng tốt để giảm bớt khối lượng công việc của mình.
Còn theo một nghiên cứu về mức độ nắm bắt AI của sinh viên Việt Nam, do nhóm tác giả khoa Đầu tư - Trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện vào năm 2024, thì có 97% sinh viên biết đến chatbot, 78,92% sinh viên sử dụng ChatGPT trong học tập. Trong số 21,08% sinh viên không sử dụng ChatGPT trong học tập, thì có 13,41% sinh viên sử dụng các chatbot khác. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sinh viên có cải thiện kết quả học tập sau khi sử dụng ChatGPT.
Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết AI được nhiều người Việt sử dụng để dịch tài liệu, tóm tắt nội dung hay soạn thảo email, cũng như được sử dụng ngày càng nhiều hơn cho các công việc đòi hỏi sự sáng tạo.
Ít người biết dùng AI chuyên sâu?
Mặc dù số lượng người Việt sử dụng AI khá đông đảo nhưng việc sử dụng AI một cách chuyên sâu thế nào thì chưa có nghiên cứu hay đánh giá cụ thể.
Chia sẻ tại hội thảo "Ứng dụng AI đột phá doanh số bán hàng và marketing", ông Cao Vương, nhà sáng lập AIVA Group cho biết lĩnh vực mà người Việt sử dụng AI nhiều nhất là marketing và bán hàng; phát triển sản phẩm, dịch vụ; công nghệ thông tin.
Trong ngành marketing và bán hàng, AI được sử dụng chủ yếu trong viết bài quảng cáo hay nghiên cứu từ khóa SEO. Các doanh nghiệp cũng dùng chatbot để bán hàng, đào tạo nhân sự.
Tuy nhiên, theo ông Vương, phần lớn người dùng AI chưa chuyên sâu, họ thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng AI. Nhiều người chưa biết cách đặt câu lệnh (prompt), khiến kết quả không chính xác hoặc không tối ưu.
Trên thực tế, không ít người đang sử dụng AI như công cụ tìm kiếm. Thay vì tận dụng AI để phân tích, sáng tạo nội dung, nhiều người chỉ đơn thuẩn chỉ sử dụng AI để tra cứu thông tin. Một số người dùng cũng chủ quan khi nhận kết quả từ AI. ChatbotAI có thể đưa ra thông tin sai lệch, nhưng không phải ai cũng kiểm chứng lại kết quả.
Chuyên gia AI độc lập, nhà sáng lập AAAgency Lê Hoàng Việt chia sẻ trên tài khoản cá nhân rằng sử dụng AI không đơn giản là học dùng ChatGPT hay các công cụ AI khác, mà phải xác định được dùng AI để hoàn thành mục tiêu gì, ví dụ như để tăng doanh thu, giảm chi phí hay nâng cao kết quả của một công việc nào đó.
Sau khi xác định được mục tiêu, người dùng AI cần hiểu rõ quy trình để tạo ra kết quả mong muốn, từ đó chia tách thành từng bước càng chi tiết càng tốt. Sau đó phân loại bước nào áp dụng AI, bước nào không áp dụng AI. Sau khi đã xác định được bước nào sử dụng AI thì mới đến việc lựa chọn công cụ AI nào cho phù hợp cho từng tác vụ.
Điều này đòi hỏi một kiến thức khá chuyên sâu mà không phải người dùng AI nào cũng nắm bắt được.
Chia sẻ với VietTimes, chuyên gia AI Đặng Hải Lộc cho biết hiện nay đa số người Việt đã biết dùng các công cụ chatbot AI như ChatGPT, Gemini, Grok... ở cấp độ cơ bản, nghĩa là đặt trực tiếp câu hỏi đang cần giải đáp vào chatbot để nhận được giải đáp. Ở cấp độ này thì người Việt nhanh nhạy hơn rất nhiều người dùng ở các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên số lượng người dùng biết sử dụng chatbot AI thành thạo, biết các kỹ năng viết prompt hiệu quả, biết tối ưu prompt cho nhiệm vụ cụ thể đang cần giải quyết... là không nhiều, vì điều này vừa cần sử dụng chatbot AI thường xuyên, lại vừa cần dành thời gian học và tìm hiểu cách viết prompt tối ưu.
Những người có khả năng khai thác triệt để các chức năng nâng cao của các chatbot AI hiện đại như web browser, deep research, reasoning, AI Agent...thì lại càng ít hơn nữa, vì đòi hỏi phải có hiểu biết sâu về cách AI và AI Agent hiện tại hoạt động.
Ông Đặng Hải Lộc nói rằng mặc dù người Việt dùng chatbot rất nhiều, nhưng những ví dụ sử dụng hiệu quả nhất, cao cấp nhất lại là từ người dùng nước ngoài.
Học từ ngọn, hội chứng FOMO
Cũng theo ông Đặng Hải Lộc, người Việt nhìn chung thường tiếp cận các công nghệ mới như AI, Blockchain, Big Data... theo cách học "từ ngọn", nghĩa là thích những gì có sẵn, ứng dụng hiệu quả ngay mà không cần đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Nếu thử học, thử ứng dụng mà chưa nhìn thấy hiệu quả ngay thì lại dễ dàng bỏ cuộc. Điều này dẫn đến một tình trạng phổ biến với nhiều người dùng Việt là khi có công nghệ, tính năng mới của AI ra mắt thì lập tức FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ), và luôn tìm cách để dùng ngay, thử ngay đầu tiên.
Nhưng sự nhiệt tình ngay sau đó cũng giảm sút nhanh chóng, dẫn tới không ứng dụng được AI theo chiều sâu và đi vào đời sống, công việc hàng ngày. Lối tư duy này không chỉ tồn tại ở từng người dùng cá nhân, mà ngay cả ở cấp độ doanh nghiệp Việt cũng gặp tình trạng tương tự.
Lối học và tư duy từ ngọn này khiến cho Việt Nam có mức độ người dùng AI cao, nhưng số nền tảng AI do người Việt phát triển và số doanh nghiệp ứng dụng AI thực sự hiệu quả đếm trên đầu ngón tay.
Nếu so sánh với các quốc gia xung quanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore... thì Việt Nam bắt đầu sử dụng AI sớm nhưng hầu như chưa có kết quả gì, trong khi các nước khác, đặc biệt Trung Quốc và Ấn Độ đã có rất nhiều startup AI thành công ở tầm quốc tế.
Giải pháp là gì?
Theo ông Đặng Hải Lộc, nếu không thay đổi tư duy tiếp cận thì việc sử dụng AI của người Việt sẽ khó có kết quả nổi bật trong thời gian tới, nhất là khi các hãng sở hữu công cụ AI đang loại bỏ các gói miễn phí và nâng mức thu phí để đáp ứng nhóm người dùng cao cấp có khả năng khai thác giá trị tối đa từ AI.
Không có cách nào khác là phải đưa AI vào giảng dạy từ cấp trung học phổ thông. Nó có thể nằm trong chương trình bộ môn Tin học và Công nghệ mà các học sinh đang được học. Điều này cũng đã được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhắc đến. Ông Thảo nói rằng cần đưa AI vào trường phổ thông, thí điểm ở một số trường chuyên, chất lượng cao.
Trên thực tế, việc giảng dạy về AI cũng đã được triển khai thí điểm ở một số trường phổ thông với sự hợp tác của tập đoàn Meta. Ông Sarim Aziz, Giám đốc Chính sách Công của Meta cho biết trong khuôn khổ chương trình có 9.000 học sinh tại các trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được học về AI. Tuy nhiên, việc giảng dạy này vẫn chỉ ở dạng "bề mặt", "phổ biến kiến thức".
Để khắc phục tình trạng học kiểu "bề mặt", theo chuyên gia Đặng Hải Lộc, đã đến lúc phải trang bị những kiến thức AI có tính chất nền tảng hơn cho người Việt, chẳng hạn như cách Deep Learning hay mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hoạt động như nào, AI Agent hoạt động ra sao... Đây là những kiến thức nền tảng mà nếu người dùng Việt Nam không nắm vững thì cho dù có các chatbot AI rất mạnh được cho dùng miễn phí thì người Việt cũng không thể tận dụng nó tối đa.
Khi nhà nước và các doanh nghiệp chưa thể tổ chức các lớp đào tạo AI bài bản, thì việc tự học cũng rất quan trọng. Hiện tài liệu để học viết prompt bài bản không thiếu, nhiều tài liệu được cung cấp miễn phí bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Chỉ cần người học mong muốn tìm hiểu là có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet.
Trên mạng xã hội Facebook cũng có nhiều cộng đồng AI chia sẻ kiến thức. Nhờ những group này mà có rất nhiều người dùng bình thường đã rèn luyện, học hỏi và sử dụng AI ở mức độ chuyên gia.
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, CEO Genetica cho biết công ty của ông có một nhóm làm tiếp thị liên kết là những người rất bình thường, không phải là kỹ sư công nghệ, nhưng qua việc tự học, tự trang bị kiến thức về chatbotAI, họ đã có thể sử dụng AI để tạo bài thuyết trình và tài liệu marketing cho công ty, và họ sử dụng AI như một chuyên gia thực thụ.
Người Việt có đặc tính nhanh nhạy về công nghệ. Chỉ cần thay đổi tư duy về AI, coi đó là một kỹ năng cần phải học như tiếng Anh, thì mới có thể sử dụng AI một cách hiệu quả.