Người đoạt giải Nobel Vật lý 2019 khẳng định loài người sẽ chẳng sống ở đâu khác ngoài Trái Đất

VietTimes -- Nhà thiên văn học Michel Mayor – người đồng nhận giải Nobel về Vật lý năm nay cho rằng, bất cứ ý tưởng viển vông nào về việc chuyển đến sống ở một hành tinh khác cũng chỉ là mong muốn khó trở thành hiện thực.
Chân dung hai nhà thiên văn đoạt giải Nobel Vật lý 2019
Chân dung hai nhà thiên văn đoạt giải Nobel Vật lý 2019

Với việc phát hiện ra hành tinh đầu tiên quay quanh một ngôi sao giống như mặt trời bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta, Michel Mayor và Didier Queloz đã cùng nhận giải Nobel Vật lý năm 2019. Nhờ vào các thiết bị hiện đại tại Đài thiên văn Haute-Provence ở miền Nam nước Pháp, họ đã phát hiện ra hành tinh khí khổng lồ tương tự như Sao Mộc và đặt tên cho nó là 51 Pegasib. Trong khi đó, một nửa còn lại của giải Nobel Vật lý năm nay được trao cho nhà vật lý học James Peebles thuộc Đại học Princeton với công trình lý thuyết về vũ trụ học.

Như vậy là đã có hơn 4.000 ngoại hành tinh khác đã được tìm thấy trong Dải Ngân hà, nhưng rõ ràng là không có hành tinh nào trong số đó có thể dễ dàng lui tới.

Trả lời phỏng vấn của AFP, Mayor khẳng định: “Chúng ta sẽ không thể sống ở ngoại hành tinh đâu". Ông cảm thấy cần phải “dập tắt” ngay những tuyên bố nói rằng chúng ta có thể chuyển đến sống ở một hành tinh khác nếu một ngày nào đó không còn tồn tại được trên Trái Đất.

Tất cả các ngoại hành tinh được biết đến, hoặc các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta, đều ở khoảng cách quá xa để có thể dời tới đó. Mayor nhấn mạnh rằng, ngay cả trong trường hợp khả quan có một hành tinh gần chúng ta và có thể sống được thì khoảng cách để di chuyển cũng mất tới vài chục năm ánh sáng.

Trả lời phỏng vấn của AFP, Mayor chia sẻ: “Chúng ta cần bảo vệ và chăm sóc hành tinh của chúng ta, nó rất đẹp và vẫn hoàn toàn có thể sống được.”

Nhà vật lý thiên văn Stephen Kane thuộc Đại học California ở Riverside, đồng tình với Mayor về quan điểm này. Ông cũng cho rằng, tại thời điểm này, không một ngôi sao nào có thể ở được.

"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu loài người đi vào quỹ đạo của Sao Mộc trong vài thế kỷ tới, vì khoảng cách đến ngôi sao gần nhất ngoài hệ mặt trời lớn hơn khoảng 70.000 lần so với khoảng cách tới Sao Mộc. Tất cả các ngôi sao đều nằm ngoài tầm với. Việc tiếp cận các ngôi sao nằm ngoài hiểu biết của chúng ta về vật lý học trong mối quan hệ giữa khối lượng, gia tốc và năng lượng. Vì thế mà chúng ta sẽ còn ở Trái Đất rất lâu đấy", Kane nói.

Giáo sư Andrew Fraknoi, Chủ tịch danh dự của Bộ môn thiên văn học tại Đại học Foothill (California) cũng đồng tình rằng chúng ta sẽ không thể tới những ngôi sao này trong tương lai gần, nhưng ông cũng cho rằng, chẳng thể biết được khoa học công nghệ sẽ tiến bộ như nào trong tương lai và chẳng có điều gì là không thể xảy ra.

Theo livescience