Ngư dân Bình Thuận thoát tử trên biển và lý giải chuyện cứu sinh của thuyền thúng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –Tàu bị sóng đánh chìm giữa biển khơi, nhưng 2 chiếc thuyền thúng bé nhỏ lại là vật cứu sinh, giúp 9 ngư dân thoát nạn. Vì sao chiếc thuyền thúng mỏng manh lại có thể "thắng" được cả sóng to gió lớn giữa trùng khơi?

Thuyền thúng trên các tàu cá của ngư dân miền Trung
Thuyền thúng trên các tàu cá của ngư dân miền Trung

Với câu hỏi mà không ít bạn đọc quan tâm gửi cho VietTimes sau khi các ngư dân của Bình Thuận trong vụ tai nạn chìm tàu được cứu sống ấy, chúng tôi đã liên lạc với một người từng có kinh nghiệm hơn 10 năm đi biển là ông Phan Huy Hoàng - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi - để được nghe những chia sẻ thú vị về việc vì sao chiếc thuyền thúng giúp ngư dân Bình Thuận sống sót.

Bắt đầu câu chuyện, ông Hoàng cho biết: “Vụ chìm tàu BTh 97478 TS và sự trở về của những ngư dân này sau chừng ấy ngày lênh đênh trên biển là cả một kỳ tích. Kỳ tích cả về kỹ năng sinh tồn lẫn thể trạng, vì không phải ai cũng có thể sống sót trở về trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy”!

Quay trở lại chuyện về chiếc thuyền thúng, ông Hoàng cho biết, thuyền thúng là vật dụng quá quen thuộc với ngư dân Việt Nam và việc 9 ngư dân sống sót trên những chiếc thuyền thúng không có gì mới. Bởi đó là một phương tiện đa dụng cho ngư dân đánh bắt hải sản ở biển từ hơn trăm năm nay.

Thuyền thúng là một phần quan trọng trong văn hóa của các cộng đồng ngư dân ven biển Việt Nam, là biểu tượng rất riêng của nghề biển Việt Nam. Thuyền thúng được ngư dân sử dụng như một thói quen, tập quán đi biển từ lâu đời nay, giúp như dân mở rộng phạm vi hoạt động và tác nghiệp linh hoạt khi trên biển, như chong đèn, sửa lưới, câu cá mực…

"Thuyền thúng không chỉ là phương tiện hoạt động sản xuất, đánh bắt cá, mà còn là phương tiện cứu sinh của ngư dân trên tàu cá mỗi khi ra khơi. Với vai trò đó, việc thuyền thúng phát huy tác dụng cứu sinh với ngư dân chúng tôi là chuyện bình thường”- ông Hoàng cho biết.

Nói về khả năng cứu sinh của thuyền thúng, ông Hoàng phân tích: “Do kết cấu bằng vật liệu nhẹ, bền và hình dáng tròn, thấp, nên thuyền thúng có tính ổn định rất cao, chịu được va đập, và nhất là khó bị lật khi gặp sóng, nên đã giúp ngư dân có thể sống sót trên thuyền”.

Không những vậy, sự kết hợp giữa hình dáng tròn giúp thuyền thúng trượt khỏi các con sóng đánh, chiều cao thành thấp và đặc biệt là đáy thuyền thúng bằng, đàn hồi nên giúp thuyền có thể ổn định và đi trôi theo các con sóng, nên đã phát huy được vai trò cứu sinh cho ngư dân.

Với tính đa dụng và hiệu quả cứu sinh của thuyền thúng mà trước đây đã từng có chương trình hỗ trợ cấp phát thuyền thúng cho ngư dân, cũng như thiết kế thuyền thúng như thuyền cứu sinh cho ngư dân mỗi khi đi biển.

Thuyền thúng được kéo lên bờ

Thuyền thúng được kéo lên bờ

Lần theo lịch sử chiếc thuyền thúng, có nhiều thông tin cho rằng thuyền thúng là sản phẩm sáng tạo của ngư dân trong thời kỳ Pháp thuộc, nhằm tránh việc đánh thuế đối với tàu thuyền đi biển.

Vào thời điểm đó, người Pháp đánh thuế rất cao đối với tàu thuyền của Việt Nam, khiến ngư dân vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn. Thế là chiếc thuyền thúng ra đời, khi không phải là “thuyền” theo định nghĩa của người Pháp, mà chỉ là “một chiếc thúng” lớn, đủ chở vài người và các sản vật đánh bắt, để né được thuế thuyền.

Thuyền thúng được làm và thiết kế từ kinh nghiệp ngàn đời của ngư dân Việt Nam. Cần phải có nhiều nghệ nhân chuyên làm thuyền thúng cùng phối hợp để cho ra đời một chiếc thuyền đạt yêu cầu, vì đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng định lượng của người nghệ nhân lành nghề.

Thân thuyền thúng được làm bằng những nan tre được lựa chọn kỹ lưỡng và ngâm tẩm để tránh mối mọt, rồi đan lại với nhau. Sau khi đan thành hình, thân thuyền thúng được phủ nhiều lớp vật liệu để chống thấm nước và bảo vệ cốt tre được gọi là dầu rái. Sau này, lớp vật liệu phủ được thay bằng sơn hoặc nhựa đường, do dầu rái khan hiếm.

Về sau, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, thuyền thúng được sản xuất với nhiều biến thể, với nhiều loại vật liệu từ tre truyền thống cho đến sợi thủy tinh, vải và composite, làm cho thuyền nhẹ và bền hơn.

Các thế hệ ngư dân đã sử dụng thuyền thúng hơn 100 năm nay, nhờ vào kỹ thuật sản xuất và sáng tạo vượt trội của họ. Với hình dạng tròn và làm từ vật liệu nhẹ đã giúp chúng di chuyển một cách tự nhiên trên biển, di chuyển trên những ngọn sóng và hiếm khi bị lật.

Ngư dân bị nạn trên tàu BTh 97478 TS được đưa về bờ
Ngư dân bị nạn trên tàu BTh 97478 TS được đưa về bờ

Trước đó, ngày 21/6, tàu cá do ông Bùi Văn Toàn (50 tuổi, ở thành phố Phan Thiết, Bình Thuận), làm thuyền trưởng, xuất bến Phan Thiết ra vùng biển Trường Sa đánh cá.

Hôm 10/7, trên đường trở về bờ, khi cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) 84 hải lý thì tàu gặp nạn, bị sóng đánh chìm. Toàn bộ phao cứu hộ, lương thực đều chìm theo tàu. 15 thành viên kịp xuống hai thuyền thúng, chia làm hai nhóm thoát thân.

Sau 9 ngày lênh đênh, điều kỳ diệu đã đến với nhóm ngư dân trên một trong 2 chiếc thuyền thúng, khi tàu cá của ngư dân Bình Định do ông Lê Thanh Toàn, (38 tuổi, ở thành phố Quy Nhơn) làm thuyền trưởng đi qua phát hiện, tiếp cận ứng cứu kịp thời vào chiều 19/7.

Điều kỳ diệu tiếp tục xảy ra với số ngư dân trên chiếc thuyền còn lại, khi sau 12 ngày trôi dạt trên biển, trưa 22/7, các ngư dân sống sót được tàu hàng Buffalo đang hành trình từ Ai Cập đi Trung Quốc phát hiện, cứu ở vị trí cách đất liền TP Nha Trang (Khánh Hòa) 214 hải lý.

Như vậy, sau 12 ngày gặp sự cố, đã có 9 thuyền viên được cứu sống gồm: Bùi Văn Toàn (thuyền trưởng tàu cá BTh 97478 TS), Nguyễn Thành Luyến, Hà Văn Tấn, Trần Theo, Trần Thuận Thanh, Nguyễn Văn Mỹ, Bùi Văn Vinh, Lê Văn Dũng và Nguyễn Thành La.