|
Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Trung Quốc và Ấn Độ chứng kiến ký kết Thỏa thuận 5 điểm sau cuộc hội đàm đêm khuya ngày 10/9 (Ảnh: Đa Chiều). |
Trang tin Hồng Kông Đông Phương cho biết, hai ông đã hội đàm khi tới tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Moscow; ra thông cáo báo chí chung sau cuộc họp, nêu rõ hai nước đã đạt được những đồng thuận quan trọng nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng trên biên giới hiện nay.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc thông qua cơ chế gặp gỡ đại diện đặc biệt về các vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, tiếp tục thực hiện tham vấn về công tác biên giới và tham vấn cơ chế phối hợp, đồng thời nhất trí hai bên cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các biện pháp mới nhằm thiết lập lòng tin lẫn nhau.
Theo Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc ngày 11/9, hai bên đã thảo luận về sự phát triển của tình hình biên giới Trung Quốc - Ấn Độ và quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ, đạt được thỏa thuận 5 điểm như sau:
1. Hai Ngoại trưởng nhất trí rằng hai bên cần tuân thủ một loạt các đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được về sự phát triển của quan hệ Trung-Ấn, trong đó có việc không để sự bất đồng giữa hai nước trở thành tranh chấp.
2. Hai Ngoại trưởng cho rằng, tình hình hiện nay ở khu vực biên giới không phù hợp lợi ích của hai bên, lực lượng phòng thủ biên giới hai nước cần tiếp tục đối thoại, cách ly tiếp xúc càng sớm càng tốt, duy trì khoảng cách cần thiết, làm dịu tình hình trên thực địa.
3. Hai Ngoại trưởng cho rằng hai bên cần tuân thủ các hiệp định và quy chế biên giới hiện có, duy trì hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới, tránh mọi hành động có thể làm leo thang tình hình.
4. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc thông qua cơ chế gặp gỡ đại diện đặc biệt về các vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, tiếp tục thực hiện tham vấn về các vấn đề biên giới Trung-Ấn và các cơ chế phối hợp công tác.
5. Hai Ngoại trưởng nhất trí rằng cùng với việc tình hình bớt căng thẳng, hai bên cần đẩy nhanh hoàn tất các biện pháp mới nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh ở khu vực biên giới.
|
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ 3, trái qua) và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (thứ 3, phải qua) cùng các đồng nghiệp tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Tổ chức hợp tác Thượng Hải (Ảnh: Đông Phương).
|
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều viết, vụ nổ súng ngày 7/9 đã khiến tình hình yên ổn ở biên giới hai nước lần đầu tiên bị gián đoạn bởi tiếng súng kể từ năm 1975.
Trương Thủy Lợi, người phát ngôn của Chiến khu Miền Tây PLA sáng sớm ngày 8/9 đã đưa ra một tuyên bố, nói rằng quân đội Ấn Độ đã vượt qua giới tuyến và tiến vào khu vực núi Shenpao trên bờ nam của Hồ Pangong, khu vực phía tây của biên giới Trung-Ấn và nổ súng uy hiếp các lực lượng biên phòng Trung Quốc. Động thái này là hành vi khiêu khích nghiêm trọng. Sau đó, vào ngày 8/9, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố bác bỏ tuyên bố của phía Trung Quốc, nói rằng chính PLA đã ngang nhiên vi phạm thỏa thuận và có những hành động gây hấn, bao gồm cả việc nổ súng chỉ thiên.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu ngay trước thềm cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ đã đăng một bài bình luận, cho rằng do sự bất đồng lớn trong nhận thức về đường kiểm soát biên giới thực tế giữa hai bên và thái độ gây hấn của quân đội Ấn Độ trên thực địa, nên không chắc chắn liệu ý chí chính trị của ngoại trưởng hai nước muốn làm dịu tình hình có thể được thực hiện tại thực địa hay không. Trung Quốc cần phải chuẩn bị đầy đủ để áp dụng hành động quân sự trong trường hợp cuộc đàm phán ngoại giao thất bại. Quân đội ở tuyến một phải sẵn sáng ứng phó với các tình huống khẩn cấp bất cứ lúc nào và sẵn sàng lao vào chiến đấu.
|
Lính Trung Quốc phá dỡ một vị trí tiền tiêu của quân đội Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).
|
Về phản ứng của Ấn Độ, tờ India Today ngày 11/9 đưa tin, cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng chính thức bắt đầu lúc 23h35 đêm 10/9 theo giờ Bắc Kinh, tức muộn hơn dự kiến vài giờ.
Tin cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba bên Trung Quốc - Nga - Ấn Độ đã được tổ chức trước cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-Ấn Độ. Sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba bên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói về Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Trung - Ấn sắp họp: “Ấn Độ và Trung Quốc vẫn thường xuyên liên lạc. Chúng tôi nhắc lại rằng Ấn Độ phấn đấu giải quyết các vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình”.
Cuối cùng, ngoại trưởng hai nước đã đạt được thỏa thuận 5 điểm về tình hình biên giới và quan hệ song phương. Ông Vương Nghị nói, “Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn láng giềng, có một số khác biệt là điều bình thường, nhưng để đặt sự khác biệt vào vị trí thích hợp trong quan hệ song phương, mấu chốt là phải kiên trì đồng thuận chiến lược của lãnh đạo của hai nước về việc Trung Quốc và Ấn Độ không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác hợp tác, không gây ra mối đe dọa cho nhau và tạo cơ hội cho nhau phát triển.
Ông Subrahmanyam Jaishankar nói, “Ấn Độ không muốn chứng kiến sự leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Chính sách Trung Quốc của Ấn Độ không thay đổi và tin rằng Trung Quốc cũng không thay đổi. Ấn Độ luôn cho rằng việc phát triển quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc không nhất thiết phải lấy việc giải quyết vấn đề biên giới làm tiền đề, cũng không hy vọng quay trở lại quá khứ”.
Ngày 10/9, tờ Independent của Nga nói trong một bài báo có tựa đề “Moscow ôn hòa thúc đẩy hòa giải Trung - Ấn” rằng, Đại sứ quán Ấn Độ tại Mátxcơva tiết lộ với báo này “chúng tôi muốn bắt đầu đối thoại và giải quyết xung đột, nhưng quan hệ Trung-Ấn sẽ không được thảo luận trong cuộc họp ba bên của các ngoại trưởng Trung Quốc, Nga và Ấn Độ”.
Bài báo viết, Ấn Độ kiên trì nguyên tắc không cần sự can thiệp của nước thứ ba vào việc giải quyết các vấn đề song phương. Ông Donald Trump đã hơn một lần đưa ra các đề xuất hòa giải, nhưng phía Ấn Độ đều không có phản ứng tích cực.
|
Tình hình thực địa phía nam Hồ Pangong rất phức tạp, đường LAC (đỏ, đứt quãng) do Trung Quốc chủ trương lấn sang phía Tây rất nhiều so với LAC mà Ấn Độ chủ trương (trắng, phía bên phải) (Ảnh: Đa Chiều).
|
Đồng thời, tờ Hindustan Times nhận định rằng cuộc họp này được coi là “cuộc gặp then chốt” nhằm làm dịu tình hình hiện nay trên Tuyến kiểm soát thực tế ở biên giới. Các chuyên gia cho rằng, do Nga duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Ấn Độ, nên họ không muốn “chọn bên” giữa hai nước. Dự kiến, cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-Ấn Độ sẽ không ngay lập tức khiến hai bên đạt được đồng thuận đột phá trong vấn đề đối đầu biên giới, nhưng có thể tạo cơ sở tốt đẹp cho sợ can dự chính trị tiếp theo của cả hai bên.
Tuy hai bên đã đạt được sự đồng thuận quan trọng ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, nhưng các nhà quan sát tỏ ra không mấy lạc quan bởi thực địa hiện nay rất phức tạp. Tại một số khu vực, quân hai bên đã ít nhiều cách ly tiếp xúc, nhưng tại khu vực bờ Hồ Panggong, hai bên nhìn nhận rất khác nhau về Tuyến kiểm soát thực tế LAC. Ấn Độ cáo buộc, trong tháng 4 và 5, Trung Quốc đã đưa quân đóng giữ một số điểm lấn sang phía Tây 5 – 7 km trong khu vực mà Ấn Độ cho là lãnh thổ của họ; Ấn Độ kiên trì đòi Trung Quốc rút quân về, trở lại nguyên trạng trước đây nhưng Trung Quốc không đồng ý. Nay tuy thỏa thuận “quân hai bên cách ly tiếp xúc”, nhưng biện pháp thực thi ra sao mới là vấn đề then chốt.