Nghiên cứu của Đức: hàng chục triệu ca nhiễm COVID-19 trên thế giới không bị phát hiện!

VietTimes -- Hai nhà nghiên cứu tại Đại học Gottingen (University of Göttingen) ở Đức ước tính, số lượng người nhiễm virus Corona mới được phát hiện ở các nước chỉ bằng khoảng 6% số đã nhiễm và số người nhiễm bệnh COVID-19 thực tế trên thế giới có thể lên tới hàng chục triệu người.
Nghiên cứu của hai học giả Đức cho rằng số người bị bệnh được ghi nhận trên toàn cầu chỉ chiếm 6% con số thực tế (Ảnh: AP).

Theo trang web Deutsche Welle tiếng Trung ngày 9/4,  kết quả một nghiên cứu mới cho thấy số ca nhiễm virus Corona mới thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số được xác nhận chính thức bởi cơ quan y tế các nước trên thế giới.

Christian Bommer và Sebastian Vollmer, hai nhà nghiên cứu tại Đại học Gottingen ở Đức, đã phân tích dữ liệu từ một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí The Lancet về bệnh truyền nhiễm. Nghiên cứu này đã khảo sát tỷ lệ tử vong ước tính của virus Corona mới và thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi tử vong để đánh giá chất lượng các báo cáo về dịch bệnh chính thức.

Hai nhà nghiên cứu Đức phát hiện ra rằng những dữ liệu này cho thấy, số trường hợp nhiễm virus Corona mới được xét nghiệm phát hiện ở các quốc gia chỉ chiếm khoảng 6% tổng số người đã mắc bệnh COVID-19 trong thực tế. Họ cho rằng số ca nhiễm virus Corona mới thực sự trên toàn thế giới có thể đã lên tới hàng chục triệu.

Giáo sư Sebastian Vollmer: các quốc gia đã có sai sót lớn về số lượng và chất lượng xét nghiệm phát hiện các ca bệnh (Ảnh: It.org)

Ông Sebastian Vollmer, một cựu Giáo sư Kinh tế học phát triển tại Đại học Gottingen nói: “Những phát hiện này có nghĩa là chính phủ và quốc hội các nước cần phải thận trọng hơn khi xây dựng chính sách dựa trên số lượng ca bệnh”.

Ông cảnh báo: “Các quốc gia đã có những sai sót lớn về số lượng và chất lượng xét nghiệm phát hiện các ca bệnh. Điều này có nghĩa là các ghi chép chính thức về dịch bệnh phần lớn là không đầy đủ và không có căn cứ”.

Các trường hợp đã nhiễm bệnh lên tới hàng chục triệu

Hai ông Christian Bommer và Sebastian Vollmer ước tính rằng tính đến ngày 31/3/2020, số ca nhiễm virus Corona mới thực tế ở Đức là khoảng 460.000 người. Với cách tương tự, họ tính toán rằng số ca nhiễm bệnh ở Mỹ có thể vượt quá 10 triệu trường hợp, Tây Ban Nha hơn 5 triệu, Italy khoảng 3 triệu và Vương quốc Anh khoảng 2 triệu trường hợp.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, cùng ngày hôm đó, số ca nhiễm được xác nhận tổng hợp trên toàn thế giới là khoảng 900.000 người.

Hai nhà nghiên cứu nói: “Mặc dù dữ liệu của Đại học Johns Hopkins tại thời điểm đó được công bố trên The Lancet cho thấy số người bị bệnh trên toàn thế giới ít hơn một triệu, nhưng chúng tôi ước tính rằng số ca nhiễm bệnh thực tế phải lên tới hàng chục triệu”.

Việc xét nghiệm không đủ và chậm trễ là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở Italy và Tây Ban Nha cao hơn Đức nhiều (Ảnh: Reuters).

Hai nhà nghiên cứu cho rằng việc xét nghiệm không đủ và chậm trễ có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở các nước châu Âu như Italy và Tây Ban Nha cao hơn nhiều so với ở Đức. Họ ước tính rằng các trường hợp bị bệnh được (chính quyền) xác nhận ở Đức chỉ chiếm 15,6% trong số tất cả các trường hợp nhiễm bệnh (thực tế), ở Italy chỉ 3,5% và 1,7% ở Tây Ban Nha. Ở Mỹ và Anh thậm chí còn thấp hơn, chỉ là 1,6% và 1,2%.

Dịch bệnh bùng phát trở lại chỉ là vấn đề thời gian

Hai nhà nghiên cứu kêu gọi các nước hãy nâng cao khả năng xét nghiệm để phát hiện tình hình lây nhiễm virus Corona mới, áp dụng các biện pháp cách ly người nhiễm bệnh và truy tìm những người tiếp xúc với họ.  

Hai ông cảnh báo, nếu các quốc gia không hành động như vậy, “virus Corona mới sẽ vẫn không được phát hiện trong một thời gian dài và dịch bệnh bùng phát trở lại chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi!”.