Nghịch lý lãi suất

Thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng dồi dào, lãi suất qua đêm và các kỳ hạn ngắn trên thị trường liên ngân hàng giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường xuyên hút ròng tiền về, tăng trưởng tín dụng vừa phải, không có đột biến... Đáng lẽ với những điều kiện thuận lợi như thế, lãi suất huy động đầu vào phải hạ khá nhiều, nhưng tới nay chỉ có một số ngân hàng hạ một cách “nhỏ giọt” ở một số kỳ hạn. Ngay cả lãi suất tiền gửi ngắn hạn kỳ hạn 1, 2, 3 tháng của nhiều ngân hàng vẫn đụng trần 5,5%/năm. Vậy nút thắt nằm ở chỗ nào?
Trong điều kiện lý tưởng của dòng tiền nhưng lãi suất huy động lại hạ một cách nhỏ giọt. Ảnh: TTXVN
Trong điều kiện lý tưởng của dòng tiền nhưng lãi suất huy động lại hạ một cách nhỏ giọt. Ảnh: TTXVN


Không phải cứ huy động đủ vốn là tốt

Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), vốn huy động của một số ngân hàng từ đầu năm đến nay, trong đó có VIB, tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên lãi suất huy động, nhất là các kỳ hạn dài trên thị trường, vẫn đứng ở mức cao do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, không đơn thuần chỉ là ngân hàng cần vốn để cho vay.

Theo quy định mới, các đối tượng tổ chức được vay vốn bằng ngoại tệ đã thu hẹp lại kể từ đầu tháng 10-2019, nên thị trường đang và sẽ diễn ra hiện tượng một lượng khách hàng nhất định của các tổ chức tín dụng đang vay vốn bằng ngoại tệ chuyển sang vay tiền đồng, làm cho cầu tiền đồng tăng lên. Về tổng thể, tổng lượng vốn huy động và tổng lượng vốn cho vay không thay đổi, nhưng cơ cấu tiền đồng - ngoại tệ lại thay đổi và nghiêng về tiền đồng.

Quan trọng hơn cả việc dịch chuyển vay vốn bằng ngoại tệ sang tiền đồng là những yếu tố liên quan đến chỉ số an toàn hoạt động của ngân hàng, mà việc vay mượn vốn trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) không giải quyết được, phải trông cậy vào huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế (thị trường 1). Có những ngân hàng không chỉ huy động đủ vốn là được, mà phải là huy động vốn kỳ hạn như thế nào.

Thí dụ, những ngân hàng có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cao, luôn gần mức tối đa 40% theo quy định của NHNN, họ chịu áp lực thường xuyên buộc phải huy động tiền kỳ hạn 12 tháng trở lên để bù đắp và duy trì tỷ lệ 40% nói trên. Giả sử họ huy động kỳ hạn 15 tháng, thì ba tháng sau loại tiền gửi kỳ hạn này (tức thời gian tính đến ngày đáo hạn) không được tính vào huy động trung hạn nữa. Họ lại phải huy động kỳ hạn 15 tháng mới để cân đối. Cứ thế nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn ngày một cao.

Trong khi đó, đầu ra, đặc biệt là cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên mà Nhà nước kêu gọi, và không loại trừ cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng, đều thuộc tín dụng trung và dài hạn. Muốn cho vay trung và dài hạn, phải có đầu vào trung và dài hạn.

Cấu trúc lãi suất vốn huy động có vấn đề

Các ngân hàng hiện nay đều hướng đến huy động vốn trung và dài hạn thực sự. Một số ngân hàng uy tín có thể vay vốn của các định chế tài chính quốc tế với kỳ hạn 3-5 năm. Dạng vay này tất nhiên không dễ. Còn với người dân, mấy ai gửi tiết kiệm 3-5 năm. Thường khách hàng chọn kỳ hạn gửi 6-12 tháng mà phổ biến là sáu tháng. Ngân hàng hành động ra sao để kỳ hạn gửi sáu tháng được tính vào tỷ lệ huy động trung và dài hạn? Họ sẽ lách như phát hành chứng chỉ tiền gửi 24-36 tháng, nhưng nếu người mua nắm giữ tối thiểu sáu tháng, họ vẫn được quyền rút ra và hưởng một mức lãi suất nào đấy.

Xáo trộn nhất định về kỳ hạn tiền gửi trong tổng vốn huy động đang là thực tế không thể phủ nhận. Tổng tiền huy động đủ, nhưng vấn đề là chủng loại kỳ hạn huy động ngày một biến động dẫn đến cấu trúc lãi suất các kỳ hạn bị ảnh hưởng. Hiện tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống nằm dưới 40%, một số ngân hàng duy trì ở tầm 28-35%. Điều này không có nghĩa là không có các điểm “nóng” với tỷ lệ ngấp nghé 39-40%. Tính toán sơ bộ cho thấy câu chuyện 40% đang trở nên phức tạp vào thời điểm cuối năm.

Sau khi đáp ứng các tỷ lệ về dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, khả năng chi trả..., để cho vay 80 đồng trung và dài hạn, ngân hàng cần huy động được 100 đồng vốn cũng là trung và dài hạn. Đây là việc khó. Sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn thì lượng vốn huy động ngắn hạn phải gấp 2,5 lần. Như vậy, để cho vay được 80 đồng trung và dài hạn, ngân hàng phải huy động một lượng vốn ngắn hạn rất lớn. Vốn ngắn hạn có thể dư thừa tạm thời, thanh khoản dồi dào, nhưng ngân hàng cũng chỉ cho vay ngắn hạn mà thôi.

Nghịch lý này của cấu trúc tiền gửi, của kỳ hạn tiền gửi trước mắt được tháo gỡ bằng cách đẩy lãi suất tiết kiệm trung và dài hạn vượt xa lãi suất tiền gửi ngắn hạn. Để thay đổi tâm lý gửi tiền của người dân, ngoài tạo khoảng cách lãi suất giữa các kỳ hạn tiền gửi ngắn - dài, vấn đề còn là các chỉ số kinh tế vĩ mô như tỷ giá hối đoái, lạm phát, mặt bằng thu nhập bình quân đầu người... Khi chỉ số vĩ mô thực sự ổn định trong thời gian dài, một nền tảng lãi suất huy động ổn định được thiết lập, mới mong xử lý dứt điểm nghịch lý lãi suất. Ở đây xin không đề cập vấn đề nhu cầu vốn huy động của các ngân hàng yếu kém.

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/295137/nghich-ly-lai-suat-.html