|
Công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra theo diện rộng. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang từng bước áp dụng chuyển đổi số để thay đổi quy trình, sản phẩm, giải pháp kinh doanh và quản trị nguồn lực. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng chuyển đổi số thành công.
Một số đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh mẽ hoặc được phân bổ nguồn ngân sách không nhỏ cho chuyển đổi số, nhưng hoạt động chuyển đổi số vẫn chưa có sự thay đổi về chất. Đặc biệt, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số cũng là bài toán mà nhiều đơn vị phải giải quyết.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI), đã có những chia sẻ thẳng thắn với VietTimes về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay.
- Ông nhận xét thế nào về nguồn nhân lực dành cho chuyển đổi số hiện nay ở các doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước?
- Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Về căn bản, nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu của tiến trình chuyển đổi số hiện nay ở các doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước còn hạn chế và yếu. Phần lớn vẫn tập trung vào đội ngũ cán bộ CNTT, trong khi về bản chất chuyển đổi số không phải là các dự án CNTT mà tập trung vào chiến lược, đổi mới, tái cấu trúc và định hình những năng lực lõi mới.
Việc đào tạo chuyên môn sâu cho cán bộ chuyển đổi số cũng còn hạn chế vì chưa tiếp cận được các cơ sở đào tạo chuẩn và chuyên sâu, do về cơ bản, chúng ta vẫn đang vừa làm vừa học, vừa làm vừa mò mẫm, vừa làm vừa hoàn thiện lý luận.
Trong thời gian qua, Viện Chiến lược Chuyển đổi số cũng đã phối hợp với Khoa Quốc tế Pháp ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI/VNU) tổ chức thành công khóa đào tạo Chuyên gia chuyển đổi số cấp cao (TOT) cho cả 3 khối doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, trường đại học và thấy rõ được hiệu quả khi học viên được cung cấp những tri thức về chuyển đổi số một cách có hệ thống, có khả năng thực hành đúng cách và tổng thể, toàn diện.
Học viên cũng là đội ngũ cán bộ chịu trách nhiệm về chuyển đổi số tại tổ chức của mình, và sau khóa học họ đã chủ động được việc xây dựng kế hoạch, chương trình chuyển đổi số cho tổ chức mình; có được sự tự tin trong việc làm chủ được tiến trình để chủ động đề xuất, triển khai các hoạt động chuyển đổi số; từng bước có năng lực đào tạo lại và hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số tại tổ chức của mình.
Điều đó cho thấy con người không thiếu, cái thiếu thực sự là việc đào tạo cho chuẩn chỉnh. Ngoài ra, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về tư duy, do vậy, việc xây dựng đội ngũ nhân lực chuyển đổi số cần phải ý thức được vai trò của lãnh đạo chủ chốt, của việc đào tạo tư duy, chứ không phải chỉ đơn thuần là thông tin các chủ trương, chính sách, đường lối và học các kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ. Hiện tại, việc đào tạo, tuyên truyền về chuyển đổi số cho đội ngũ nhân lực chuyển đổi số đang bị tập trung quá mức vào công nghệ, chính sách.
- Hiện nay ngân sách cho chuyển đổi số tại các địa phương còn rất nhiều nhưng việc giải ngân còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi còn đến hàng trăm, hàng nghìn tỉ chưa sử dụng được. Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở đâu, thưa ông?
Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Vấn đề chính hiện nay là các dự án chuyển đổi số thường đồng nghĩa với dự án CNTT. Do vậy, việc dự toán thường phải tuân theo và dựa trên các quy định về đầu tư CNTT.
Tuy nhiên, CNTT chỉ chiếm một phần nhỏ trong một dự án chuyển đổi số, về căn bản chỉ thực sự chiếm 30-50% giá trị.
Trong cơ cấu chi phí, chi phí cho kiến trúc, thiết kế và tư vấn cho các dự án chuyển đổi số hết sức hạn chế, thậm chí có thể nói là không có. Điều này, khiến một dự án chuyển đổi số, về căn bản, cũng như việc xây dựng một căn nhà, phải bắt đầu từ việc có một bản vẽ kiến trúc, để lập dự toán và xây dựng dự trình chi phí.
Tuy nhiên, do không có cơ sở để chi cho các khoản mục này nên các dự án chuyển đổi số được triển khai trên cơ sở các hoạt động, các dự án được liệt kê chứ không có kiến trúc, không có thiết kế và thậm chí không có chiến lược. Trong khi đó, về bản chất kiến trúc, thiết kế, chiến lược, tư vấn chiếm 20-30% giá trị và quyết định tính hiệu lực, hiệu quả và thành công của các dự án chuyển đổi số.
Các đơn vị kiến trúc, thiết kế, tư vấn về chuyển đổi số ở Việt Nam còn rất hạn chế, việc này lại đang được tư duy chủ yếu giao cho chính các công ty công nghệ thực hiện. Điều này chẳng khác gì việc giao bản vẽ kiến trúc cho công ty xây dựng vẽ kiến trúc. Điều đó dẫn đến nghịch lý, họ sẽ kiến trúc, thiết kế, tư vấn theo những công nghệ, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ mà họ có, có thể có lợi nhất, chứ không phải thực sự cái mà chủ thể dự án đầu tư thực sự cần.
- Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay nhưng nhiều cơ quan, doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, cải cách nội bộ từng phòng ban hay từ hoạt động kinh doanh của cả doanh nghiệp. Theo ông, vì sao có sự lúng túng này?
- Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Nguyên nhân là các tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận chuyển đổi số như một trào lưu, và còn hiểu sai lệch về chuyển đổi số quá nhiều, nhìn nhận nó mang tính phương tiện, công cụ.
Người lãnh đạo có vai trò quyết định trong tiến trình chuyển đổi số, nhưng ở nhiều tổ chức, lãnh đạo chưa ý thức được điều này, chưa thấy được việc chính mình trước hết cần phải là người biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu mới có thể lãnh đạo, chỉ đạo tiến trình chuyển đổi số đúng cách. Họ thường nắm bắt một cái khá hời hợt, coi nó là chuyên môn và giao cho đội ngũ chuyên môn phụ trách. Điều này về cơ bản đã làm sai lệch ngay từ đầu.
Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị nêu rõ chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Đây là gốc rễ, là bản chất của tiến trình chuyển đổi số, nhưng hầu như lại không được bàn đến một cách cụ thể, rõ ràng, cũng như đặt làm cơ sở để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy, đi cùng với nó là cuộc cách mạng phân giải và việc nguyên tử hóa các tiến trình, cấu trúc, bản chất của các sự vật, hiện tượng, tiến trình... Để tiến hành chuyển đổi số được, cần phải làm rất rõ các khái niệm, các lớp, các cấu phần... trong từng tiến trình, từng nội dung, từng tác vụ, nghiệp vụ...
Tuy nhiên, hiện nay có một tình trạng chung đó là việc sử dụng “từ ngữ” hết sức đại khái, mơ hồ, dẫn đến khi triển khai thực tiễn thì không phân định được, không thực sự rõ là phải làm gì, làm như thế nào và tại sao phải làm. Điều này làm cho tiến trình chuyển đổi số càng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến xa thì về cơ bản lại càng rối, giống như tình trạng luẩn quẩn trong quy hoạch ở các đô thị Việt Nam hiện nay.
- Theo ông, hạn chế lớn nhất chưa giải quyết được của thực trạng chuyển đổi số Việt Nam hiện nay là gì, cách khắc phục như thế nào?
Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Chúng ta ý thức rất tốt về vai trò và ý nghĩa của tiến trình chuyển đổi số, có thể nói là tiên phong hành động. Tuy nhiên, vai của các bên liên quan đến tiến trình chuyển đổi số thì lại chưa được đặt đúng và sự phối hợp còn hạn chế.
Chuyển đổi số, như tôi đã nhấn mạnh, không phải là một dự án CNTT, đó là một cuộc cách mạng tư duy hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới. Chuyển đổi số, từ những chương trình hội thảo ICT Summit 2017, 2018 về cơ bản đã được đề cập rất hợp lý, cần phải bắt đầu từ cải cách hành chính, cải cách thể chế, với doanh nghiệp là tái cấu trúc, là chuyên nghiệp hóa, là hệ thống hóa bộ máy quản trị. Tuy nhiên, chúng ta đã đẩy tiến trình này sang công nghệ, sang sản phẩm-dịch vụ, làm sai lệch điểm bắt đầu của nó.
Cần phải nhìn nhận lại vai trò của ngành nội vụ trong tiến trình chuyển đổi số này, vai trò của hệ thống Đảng, hệ thống lập pháp, đấy là những tổ chức có ý nghĩa mang tính quyết định nền tảng cho phép tiến trình chuyển đổi số định hình lại đúng cách. Không thể làm lộn ngược được, và tiến trình này rất dễ trở thành những “hình thái không tưởng” dựa trên những kỳ vọng mà đột phá công nghệ tạo ra, như chúng ta thực tế đang sa vào.
Lý luận về chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên, tính đóng trong việc giữ vai trò độc tôn về quyền lý luận chuyển đổi số là gì lại đang làm cho việc phổ cập và hoàn thiện lý luận chuyển đổi số gặp những thách thức, rào cản vô cùng lớn, không huy động được sức mạnh trí tuệ và sự đóng góp của những tổ chức, cá nhân có năng lực. Trong khi bản thân hệ thống các bộ, ban ngành chịu trách nhiệm còn nhiều hạn chế và quá tải.
Năm 2023 Viện Chiến lược chuyển đổi số đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia” theo đặt hàng của Nhà nước. Đây là một tài liệu lý luận hoàn chỉnh, đầy đủ về chuyển đổi số, nhưng ngay cả như vậy, chúng tôi cũng gặp rất nhiều những rào cản trong việc được đối thoại, được thừa nhận và được trao đổi với các cơ quan phụ trách. Các bên liên quan cần phải có một tinh thần mở hơn, sẵn sàng đối thoại và tiếp nhận hơn, thì việc hoàn thiện lý luận về chuyển đổi số, đặt nền tảng cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia đạt được các thành tựu ngày càng bền vững hơn sẽ được thúc đẩy tốt hơn.
- Theo ông, mỗi doanh nghiệp, tổ chức nên dành ra bao nhiêu phần trăm ngân sách để đầu tư cho chuyển đổi số?
- Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Chúng ta đừng bàn về con số, mà trước hết, các tổ chức cần phải đặt câu hỏi rất rõ rằng chúng ta thực sự muốn đưa tổ chức của mình đi về đâu, khi đó chuyển đổi số là một tiến trình mang tính phương tiện để tạo ra sự chuyển đổi đó như thế nào. Dựa trên điều đó mới biết thực sự cần làm gì, làm như thế nào, và đầu tư bao nhiêu.
Chuyển đổi số là một tiến trình, nhanh, chậm, bắt đầu từ đâu và như thế nào tùy thuộc rất lớn vào đặc thù của mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp. Không thể có một mô hình nào áp đặt và phù hợp cho tất cả, ai cũng như ai để mà công thức hóa. Điều này rất quan trọng nhưng lại đang là một sai lầm bị mắc phổ biến trong tư duy công thức - kế hoạch của đa số doanh nghiệp.
Chuyển đổi số chỉ thực sự nên bắt đầu khi tổ chức/doanh nghiệp biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu về nó. Bởi đó là một tiến trình không thể đảo ngược, không thể sửa chữa, đã làm rồi tất yếu sẽ sinh hệ quả, sẽ làm cho mọi thứ thay đổi, đảo lộn, hoặc thậm chí khi không chắc chắn sẽ làm rối loạn tổ chức/doanh nghiệp.
- Ở một số doanh nghiệp, việc chuyển đổi số chỉ là mua phần mềm theo tư vấn để rồi sau đó vài tháng là họ không sử dụng nữa vì nhiều lý do, dẫn đến tình trạng lãng phí khi đầu tư. Theo ông, để cho chuyển đổi số được diễn ra liên tục thì các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức cần làm gì?
- Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Để chuyển đổi số, tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng một tổng đồ (master plan) mang tính quy hoạch cho toàn bộ tiến trình đó, ít nhất phải dự trình 5 – 10 năm. Trong tổng đồ đó cần xác lập rõ chiến lược, lộ trình và các các kịch bản cho phép tùy theo điều kiện của tổ chức, doanh nghiệp mà có những nghị trình thực hiện phù hợp và hiệu quả nhất.
Muốn làm được vậy, các tổ chức, doanh nghiệp cần phải có những cán bộ chuyên trách ở cấp lãnh đạo cao nhất hiểu được vấn đề này, cần phải sử dụng tư vấn, và cần thiết phải có một tổng công trình sư cho tiến trình chuyển đổi số của mình.
Là một trong số các đơn vị hiếm hoi ở Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này, Viện Chiến lược chuyển đổi số tự hào là đơn vị đang làm rất tốt nhiệm vụ này và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, đào tạo, chuyển giao năng lực cho các tổ chức để thực hiện việc này.
Cuối cùng, tổ chức, doanh nghiệp cần hiểu rõ chuyển đổi số không phải là phong trào, không phải là trào lưu, đó là một phương thức phát triển mới định hình sự phát triển không phải chỉ của tổ chức, doanh nghiệp, mà cả quốc gia, cả toàn cầu trong những thập kỷ tới, là nền tảng cho những cái chúng ta đang nói đến như Net Zero, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh con người... Do vậy, cần phải thực sự nghiêm túc nhìn nhận về chuyển đổi số như một giải pháp cho sự phát triển bền vững và trường tồn của tổ chức/doanh nghiệp mình.
- Nếu được mô tả về công cuộc chuyển đổi số Việt Nam hiện nay bằng 4 từ. Theo ông 4 từ đó là gì?
- Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Làm trước, hiểu sau, hành động nhanh, thiếu đồng bộ!
- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!