|
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee, Wisconsin, ngày 18/7 (Ảnh: AFP) |
Sau vụ ám sát hụt ông Donald Trump đầu tháng này, cựu Tổng thống Mỹ đã viết trên nền tảng Truth Social của mình rằng ông đã bị "bắn bằng một viên đạn xuyên qua phần trên của tai phải".
Tuy nhiên, vào ngày 24/7, Giám đốc FBI Christopher Wray đã nói trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện rằng chưa rõ liệu ông Trump bị trúng đạn hay chỉ là mảnh vỡ trong sự kiện ngày 13/7 ở Butler, Pennsylvania.
"Về cựu Tổng thống Trump, tôi nghĩ vẫn còn nghi vấn liệu ông ấy bị trúng đạn hay bị mảnh vỡ văng vào tai", ông Wray nói.
Ông Wray đưa ra bình luận này để trả lời câu hỏi của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Jim Jordan, người đã hỏi rằng 8 phát súng do kẻ tấn công Thomas Matthew Crooks bắn đã đi đâu.
Ông Wray nói thêm: "Có thể viên đạn đó, ngoài sượt qua tai ông Trump, cũng có thể đã rơi ở chỗ khác. Nhưng tôi tin rằng chúng tôi đã xác định được vị trí của tất cả các viên đạn".
Ông Jordan tiếp tục hỏi: "Theo tôi biết, phát súng đầu tiên là phát trúng cựu Tổng thống. Điều đó có đúng không?"
Ông Wray đáp: "Hiện tại tôi không biết câu trả lời. Tôi tin là chúng tôi sẽ biết câu trả lời, nhưng tôi không có thông tin đó ngay lúc này".
Kẻ xả súng – người đã bị lực lượng bảo vệ bắn hạ ngay tại hiện trường – đã nổ súng từ một mái nhà chỉ vài phút sau khi cuộc vận động của ông Trump vào ngày 13/7 bắt đầu. Vụ tấn công khiến tai của cựu Tổng thống Mỹ bị chảy máu, 1 người tham dự thiệt mạng và 2 người khác bị thương.
Khi được hỏi về lời khai của ông Wray, phát ngôn viên chiến dịch của ông Trump, Steven Cheung, đáp: "Bất kỳ ai tin vào những thuyết âm mưu này đều thiếu hiểu biết, hoặc đang cố tình phát tán thông tin sai lệch vì lý do chính trị".
Ông Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, đã bổ nhiệm ông Wray làm Giám đốc FBI vào năm 2017.
Trong khi đó, chuyên gia vũ khí Peter Diaczuk nói với Business Insider rằng dù là đạn hay mảnh vỡ trúng vào ông Trump, cả hai đều gây tổn thương tương tự cho phần tai và ông Trump sẽ không nhận ra được sự khác biệt.
"Cả hai đều sẽ làm rách tai vì chúng di chuyển với tốc độ cao", Diaczuk, giáo sư khoa học pháp y tại Trường Tư pháp Hình sự John Jay ở New York, cho biết.
Ngoài ra, ông Diaczuk cho biết khả năng cao là viên đạn đã trúng vào tai của ông Trump chứ không phải mảnh vỡ.
Ông Diaczuk giải thích rằng để một viên đạn vỡ ra thành nhiều mảnh, "nó phải va vào một vật gì đó rất cứng để làm vỡ cấu trúc của nó".
"Và từ những gì tôi thấy - dù tôi không có nhiều thông tin như những người đã đến hiện trường - trong ngày hôm đó và ngày hôm sau, thì có một đường ngắm rõ ràng giữa vị trí tay súng và bục diễn thuyết", ông Diaczuk nói. "Nếu đúng như vậy thì không có gì làm viên đạn vỡ ra".
"Tôi không thấy có vật gì chen ngang để khiến viên đạn vỡ ra", ông nói.
Ông Ronny Jackson, nghị sĩ bang Texas thuộc đảng Cộng hòa và từng là bác sĩ Nhà Trắng của ông Trump, trước đó cho biết trong rằng cựu Tổng thống "bị trúng đạn" gây "chảy máu nhiều" và "sưng đáng kể" toàn bộ phần trên của tai phải.
"Ghi chú viết rằng viên đạn đã sượt qua, chỉ cách chưa đến 1/4 inch (khoảng 0.6 cm) là vào đầu ông ấy, và trúng vào đỉnh tai phải. Đường đi của viên đạn tạo ra một vết thương rộng 2 cm kéo dài xuống từ bề mặt sụn tai".