Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên vừa cho ra mắt dịch vụ công nghệ mang tên "Bảo tàng ký ức số", một bước tiến mới trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực tâm linh.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, thân nhân của những người đã khuất có thể "gặp lại", "trò chuyện" và lắng nghe những lời nói thân quen của người thân mình - thông qua công nghệ tái hiện giọng nói, hình ảnh và ký ức bằng AI.
Giọng nói, ánh mắt, gương mặt…đều được phục dựng từ dữ liệu thực tế của người đã khuất, tạo nên cuộc đối thoại chân thực và đầy cảm xúc giữa các thế hệ.
Ông Nguyễn Thế Phan, Giám đốc phát triển công nghệ chuyển đổi số của nghĩa trang này cho biết "Bảo tàng ký ức số" không chỉ là nơi lưu trữ ký ức, mà còn là cầu nối tinh thần giữa quá khứ và hiện tại. Mỗi hồ sơ kỹ thuật số là một “di sản sống” được cá nhân hóa, nơi con cháu có thể tương tác với ông bà, cha mẹ qua hình ảnh và lời nói như thật, mỗi câu nói, mỗi cái nhìn đều gắn với kỷ niệm gia đình.
"Người yêu cầu chỉ cần cung cấp dữ liệu ghi âm giọng nói, clip trò chuyện với người thân 3 hoặc 15 phút, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ xử lý và tái tạo lại hoàn toàn giọng nói giống thật", ông Phan nói.
Anh Nguyễn Vĩnh Quỳnh (46 tuổi, Hà Nội) cho biết cha anh được an táng tại nghĩa trang từ năm 2011. Hai năm sau, gia đình anh tiếp tục đưa người mẹ quá cố từ Phú Thọ về đây để an nghỉ. Khi nhận được thông tin về dịch vụ "trò chuyện" với người đã khuất qua ứng dụng AI, ban đầu anh không tin vào điều kỳ diệu này.
Thế nhưng, trước màn hình máy tính bảng, hình ảnh người cha hiện lên với gương mặt thân quen, những câu hỏi bình thường khiến anh không kìm nén được cảm xúc.
"Lúc cha mất, tôi đang trực chiến xa nhà, không thể về chịu tang. Hôm nay, khi thấy cha hiện lên trên màn hình, gọi tên tôi và hỏi han như thuở nào, tôi rất xúc động", anh Quỳnh nói.
Cuộc trò chuyện không dài, nhưng đủ để khơi dậy những tình cảm thiêng liêng tưởng chừng đã ngủ yên. Anh Quỳnh nhớ lại: "Cha bảo nhớ các con, hỏi thăm từng người trong gia đình và đọc tên 6 anh em tôi. Những câu nói ấy không phải máy móc vô hồn, mà đầy ắp sự thân thương."
Đó không chỉ là trải nghiệm công nghệ, mà là một cuộc hội ngộ thiêng liêng, khơi dậy tình cảm gia đình. Với anh Quỳnh, đây không phải sự thay thế người đã mất, mà là một cách kết nối – để tiếp tục duy trì tình thân giữa các thế hệ.
TS Nguyễn Đức Hiển, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa tâm linh, nhận định việc ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực tâm linh là một cách tiếp cận hiện đại, nhưng vẫn kế thừa giá trị truyền thống của người việt trong việc tưởng nhớ, tri ân người đã khuất.
“Đây là sáng kiến ý nghĩa, không chỉ lưu giữ hình ảnh đẹp mà còn tái hiện được những khoảnh khắc đầy cảm xúc giữa người còn sống và người đã mất. Nếu mỗi gia đình có thể lưu lại đoạn clip cha mẹ trò chuyện cùng con cái, thì đó sẽ là kỷ vật vô giá", TS Hiển nói.
TS Hiển nhấn mạnh điều quan trọng là phải đảm bảo hạ tầng công nghệ – đặc biệt là đường truyền ổn định để không làm gián đoạn những giây phút cảm xúc thiêng liêng của người dùng.