Không chỉ nghệ sĩ, các nhà sản xuất lẫn thí sinh cũng “nghĩ bạc đầu” trước khi quyết định cùng “bơi” vào dòng chảy cuồn cuộn này.
Từ trái qua: Hà Trần, Thu Phương, Tóc Tiên, Bằng Kiều đều là những nghệ sĩ sinh sống ở hải ngoại và chọn các chương trình truyền hình thực tế để gặp lại khán giả trong nước - Ảnh: Gia Tiến, Lý Võ Phú Hưng,BHD |
Trước live show Tự tình quê hương 5 (diễn ra ngày 17-5-2015), ca sĩ Cẩm Ly bộc bạch năm ngoái cô đã tạm ngừng tổ chức Tự tình quê hương vì quá bận rộn cho vai trò giám khảo của Giọng hát Việt nhí và Vợ chồng mình hát. Việc tham gia THTT rõ ràng cũng ảnh hưởng không ít vào công việc chính của các nghệ sĩ.
Chuyện không đơn giản
Là một trong số những ca sĩ siêng tham gia THTT nhất (thí sinh của Cặp đôi hoàn hảo, huấn luyện viên của Giọng hát Việt ba mùa liên tiếp), ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ: “THTT lấy đi rất nhiều thời gian và tâm sức của tôi. Nhưng sáng tạo và thể nghiệm cái mới, tìm kiếm và đào tạo đội ngũ kế thừa cũng là một trong những trách nhiệm của người nghệ sĩ. THTT cho chúng tôi cơ hội để làm những việc này bên cạnh những cơ hội khác như: mức độ phổ cập hình ảnh, các hợp đồng quảng cáo, biểu diễn, những mối quan hệ mới... Bị “ném đá”, bạc đầu suy nghĩ tiết mục, chiêu trò cho các thí sinh của mình cùng nhiều công việc không tên, áp lực vô hình khác khiến không phải ai cũng đủ bản lĩnh bước vào sân chơi THTT. Hôm nay phải ăn mặc ra sao, nói năng như thế nào để khác hôm qua, tạo được dư luận, dấu ấn trong sô, thiện cảm với đại đa số công chúng... là chuyện không đơn giản”.
Dẫu vậy, phải thừa nhận Đàm Vĩnh Hưng là một trong số ít nghệ sĩ rất “hợp” với THTT. Dù trong vai trò thí sinh, giám khảo, huấn luyện viên hay cố vấn, anh đều tạo được sự chú ý lớn. Anh cũng tự tin cho biết một nghệ sĩ chuyên nghiệp là người phải có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh, biến hóa linh hoạt trong từng vai trò.
Hơn nữa, đã chuyên nghiệp thì phải luôn biết tính toán, hoạch định, sắp xếp công việc hợp lý để mỗi nơi mình xuất hiện, mỗi vị trí mình tham gia đều bổ trợ chứ không ảnh hưởng đến nghề nghiệp của mình.
Tuy thế, không ít nghệ sĩ chuyên nghiệp vẫn ngại ngùng trước những lời mời đầy mật ngọt của THTT. Từng từ chối làm giám khảo Cặp đôi hoàn hảo,nhưng ca sĩ Cẩm Vân cũng bị cuốn vào “ghế nóng” Tiếng hát mãi xanh và Vợ chồng mình hát.
Cô tâm sự: “Ban đầu tôi rất ngại vì thật ra sở trường của mình, điều mình tự tin nhất khi xuất hiện trên sân khấu là hát. Những góp ý, nhận xét... của mình dù chân thành đến đâu cũng rất dễ khiến người khác tổn thương hoặc không nhận được sự đồng tình từ một bộ phận nào đó. Vì vậy, nhận lời làm giám khảo là nhận việc quá khó vào mình. Cái được chưa thấy nhưng cái lo thì rất nhiều”.
Nỗi lo lớn nhất khiến các nghệ sĩ từ chối chơi cùng THTT là đánh mất bản thân, người hâm mộ và lý tưởng của chính mình.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, người “cự tuyệt” với THTT, chia sẻ: “Bản chất của người sáng tác là cống hiến tác phẩm chứ không phải là làm... diễn viên. Nhưng nếu bạn có thêm chút khả năng diễn xuất thì bạn có quyền tham gia THTT, nhưng nó không phải bản chất nghề nghiệp của bạn mà chỉ là tạm “cuốn theo chiều gió” thôi. Tôi vẫn được mời tham gia THTT như một đạo diễn âm nhạc. Công việc này nhọc nhằn và đầy thách thức. Vì vậy, một khi đã dấn thân vào là đầu tắt mặt tối, không còn thời gian để sáng tác nữa. Chưa kể đến việc phải đặt những bữa cơm gia đình sang một bên. Mỗi người có lựa chọn, nhưng đó không phải lựa chọn của tôi”.
Ca sĩ Tùng Dương - một trong số ít những gương mặt “kén” THTT - chia sẻ: “Thích THTT nhưng tôi thấy nó ngày một “biến sắc”, kịch tính quá nhiều và đưa cảm xúc con người quá với sự thật dẫn đến rất nhiều phản ứng tiêu cực. Cái tôi lo nhất là sự thổi phồng khiến các thí sinh ảo tưởng về chương trình, về bản thân và những trò dàn xếp kết quả mà nhiều chương trình THTT hiện đang mắc phải. Thí sinh đến để tìm kiếm một con đường nghiêm túc cho riêng mình nhưng có khi lại nhận được một kết quả tung hô đầy ảo tưởng để rồi khi rời chương trình họ không khỏi chơi vơi giữa dòng nước”.
Đi cùng “sóng gió”
Ngay từ khi xuất hiện Sao mai - Điểm hẹn mùa đầu tiên (2004), một chương trình được coi là “tiền THTT” ở Việt Nam, công chúng đã thấy sự lợi hại của THTT. Hàng loạt “tân binh” đã nhanh chóng trở thành những cái tên nổi bật của làng nhạc nhẹ khi đó như: Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Khuê, Lưu Hương Giang, Cao Thái Sơn, Thái Thùy Linh, Nguyễn Hồng Nhung... Cũng từ đó, các đơn vị tổ chức mới sớm nghiệm ra rằng dù có thí sinh tốt, định dạng chương trình hấp dẫn nhưng phải có “sóng gió” thì chương trình mới hút dư luận.
Ở vị trí giám khảo, ít ai tham gia THTT mà không vài lần bị “ném đá”. Có người lập tức rút lui nhưng cũng có người vui vẻ “nhặt đá” và tiếp tục nhiệm vụ. Đạo diễn Lê Hoàng là một trong số đó. Nổi tiếng với vai trò đạo diễn sân khấu, điện ảnh cùng khả năng “đá đểu” trong viết lách, đạo diễn Lê Hoàng rất hợp để vào “vai ác” trong dàn ban giám khảo THTT, mang đến không ít tranh cãi thú vị. Nhưng với tần suất xuất hiện ngày một dày, thông tin cùng những lời nhận xét “đi vào lịch sử” ngày càng ít, cái tên Lê Hoàng đã không thể “nóng” như trước. Công việc đạo diễn của ông gần như cũng bị bỏ lửng từ đó.
Không thể phủ nhận việc dốc sức cho các chương trình THTT dài ròng rã 5 - 6 tháng trời, nhiều tên tuổi đã “hạ nhiệt”, không có được những sáng tạo mang tính đột phá, những tác phẩm đặc sắc ngay trong lĩnh vực, công việc chính của mình.
Chính nhà sản xuất âm nhạc kỳ cựu kiêm giám khảo X - Factor trong hai mùa 2011 và 2012 L.A. Reid gần đây còn phát biểu rằng việc tham gia X - Factor đã khiến ông phải hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Tờ Billboard dẫn lại lời Reid: “X-Factor gây ảnh hưởng đến gu âm nhạc của tôi, đúng hơn là phá hủy nó”.
Hoàn toàn đồng tình với nhận định mà cũng gần như là “cảnh báo” này, ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng THTT đã mang lại nhiều cái được như giúp chúng ta tìm kiếm tài năng, góp thêm màu sắc âm nhạc nhưng THTT lại không “gìn giữ” được tài năng, và đang bị lạm dụng, gây nguy hại khi tạo nên một thực tế là các bạn trẻ thiếu hiểu biết về nền tảng văn hóa nghệ thuật.
Các giá trị hầu như bị đảo lộn, sự thực dụng lên ngôi. Game show, THTT nhiều quá trong khi sô biểu diễn không có, nghệ sĩ phải “bám” vào truyền hình để quảng bá tên tuổi và kiếm sống, muốn làm nghệ thuật cũng khó.
Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền làm chương trình THTT nhưng không dễ gật đầu với một chương trình nghệ thuật thật sự. Khán giả nhìn về nghệ thuật cũng “rẻ” đi nên chỉ thích xem miễn phí; những khán giả thèm thưởng thức nghệ thuật thật sự cũng không biết đi đâu.
Nhìn toàn cục, THTT và sự mất cân đối của văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng đều là tác nhân qua lại cho câu chuyện này.
Dẫu ít nhiều tạo nên một bức tranh mất cân bằng trong đời sống văn nghệ, THTT vẫn là một nơi để đánh bóng, làm nên tên tuổi của những người tham gia, và nhà sản xuất cũng đang rất ăn nên làm ra. Vậy nên, chẳng biết vui hay buồn khi danh sách các chương trình THTT và những người bị cuốn vào đó vẫn sẽ được nối dài.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn - một giọng ca hiếm hoi chưa từng gật đầu tham gia THTT - thổ lộ: “Tôi rất thích xem các chương trình THTT vì nó thú vị hơn những chương trình bình thường và thú thật đôi khi tôi cũng muốn tham gia. Lời mời thì nhiều nhưng đứng trước các lời mời tôi buộc phải cân nhắc hai yếu tố: chương trình có phù hợp với cá tính và mục đích âm nhạc của mình không và mình có làm tốt cho chương trình hay không. Chính yếu tố thứ hai khiến tôi từ chối tất cả các lời mời vì tôi hiểu rõ THTT sống được nhờ tỉ suất người xem (rating). Ngày nay rating đó phụ thuộc nhiều vào những chiêu trò xấu, khả năng gây sốc… - những điều mà tôi khó có thể thỏa hiệp”. |