Khát vọng sống
“Em có biết, rằng anh muốn được sống nhiều thế nào không?”. Tựa đề của bài hát là một câu hỏi lửng. Đó là lời tự sự của một người đàn ông nói với người vợ của mình. Chỉ là một thông điệp lặp đi lặp lại trong cả sáu khổ thơ, mỗi khổ bốn câu: “Em có biết, rằng anh muốn được sống nhiều thế nào không? Sau mỗi câu hỏi là ba câu thơ diễn giải cho thông điệp đó.
Trong phần đầu của lời bài hát, câu trả lời thật đơn giản: Anh muốn sống một cuộc đời êm đềm, với sự bình dị không thể bình dị hơn: mỗi sáng thức dậy thấy bình minh lên, bên cạnh ly cà phê và người yêu dấu nhất. Muốn sống để yêu tất cả những người đang sống bên cạnh mình.
Nhưng cuộc sống có lẽ không phải lúc nào cũng giản đơn như thế. Vì thế, trong khổ thứ ba, sự diễn giải đã có phần thẳng thắn và trực diện hơn:
“Muốn sống nhưng không phải như người ta viết trên báo chí
Nhận được mọi thứ trên đời và mọi thứ...lại cho đi
Khổ thơ thứ tư và thứ năm, phần diễn giải được đẩy lên thành cao trào, đúng như những hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống:
Em có biết, rằng anh muốn được sống nhiều đến thế nào không?
Những lúc người ta cố đẩy anh gục ngã!
Anh vẫn sẽ đứng dậy, rũ bùn, cất cao lời chém đá
“Tôi sẽ trở về, dù ai đó tưởng mọi việc đã xong” !
Em có biết, rằng anh muốn được sống nhiều đến thế nào không?
Trong phút giây sinh tử chẳng ngã lòng
Quên mọi sự xấu xa, chỉ nhớ câu tha thứ
Bởi anh hiểu rằng, đó là bùa hộ mệnh của mình
Nhưng nếu chỉ có thế thì chưa thể lý giải được vì sao người đàn ông kia lại “muốn được sống nhiều như thế”, chính xác hơn là có tình yêu với cuộc sống mạnh mẽ như thế. Bốn câu cuối cùng như khép lại tâm sự cũng chính là chìa khóa mở ra nguyên do của khát vọng với cuộc sống không chỉ của một con người nào đó mà là của tất cả mọi người, của cả thế giới này.
Em có biết, rằng anh muốn được sống nhiều đến thế nào không?
Như cỏ cây trong vườn đang ngủ giữa mùa đông
Vẫn ấp ủ trong mình mầm sống
Để sau mỗi mùa xuân về vươn dậy những chồi non.
Vâng, khát vọng sống của mỗi con người không chỉ của riêng ai, không phải bằng bất cứ giá nào. Muốn sống còn có nghĩa là khi cần vẫn có thể không tiếc cuộc sống riêng của mình mà chấp nhận cả sự hy sinh mất mát để cho những cuộc sống mới, những thế hệ mới thay cho mình. Một ca khúc ngắn nhưng chứa đựng trong đó cả một triết lý sống sâu sắc, và cũng vì thế có sức lay động mạnh đối với người nghe.
Tặng cho những người ra đi làm nhiệm vụ không trở về
Tác giả của ca khúc nói rằng, đó là những trải nghiệm của riêng mình. Ông dành tặng nó cho những người thân. Lời bài hát không có từ nào trực tiếp nhắc đến lực lượng an ninh, đến những chiến sĩ bộ Nội vụ Nga. Nhưng thật ngẫu nhiên, ca từ lại trùng hợp một cách hoàn hảo đối với hoàn cảnh của họ. Thời gian qua, các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng an ninh của nước Nga luôn phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố, ly khai, tội phạm…
Đúng như lời giới thiệu của các MC, họ là những người dũng cảm, được đào tạo để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm trong thời bình. Nhiều người còn rất trẻ, họ cũng muốn sống thật bình yên, đón bình minh mỗi buổi sáng với người thân của mình. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ, họ luôn phải đứng trước sự lựa chọn giữa cuộc sống bình yên cho riêng mình và sự hy sinh vì cuộc sống và sự bình yên cho mọi người. Mỗi khi chia tay người thân để đi làm nhiệm vụ, họ đều hứa với vợ, con bạn bè là mình sẽ trở về. Tuy nhiên, mỗi năm hàng trăm người trong số họ đã, đang và sẽ mãi mãi không trở về. Thân thể họ hòa vào đất mẹ, tên tuổi họ khắc vào bia đá.
...Khi trên màn hình lớn đặt phía sau sân khấu hiện lên di ảnh những chỉ huy và chiến sĩ an ninh đã ngã xuống trong cuộc chiến với cái ác: quân khủng bố, ly khai, tội phạm…, những người ngồi trong khán phòng tại Lễ kỷ niệm ngày truyền thống ngành nội vụ Nga không ai bảo ai bắt đầu đứng dậy để tỏ lòng biết ơn với những người anh hùng. Ống kính hướng vào nơi tổng thống Putin và các vị tướng lĩnh đứng ở hàng đầu. Tất cả đều nhìn thấy vị tổng thống lấy tay lau giọt lệ rơi trên gò má. Đó là 3`08!
Đến nay clip quay tiết mục này trên YouTube đã có hơn 9 triệu 300 ngàn lượt xem. Và đã có hơn 3.400 comment.