Ngành vận tải hàng hóa qua đường hàng không ở Việt Nam tăng tốc bất chấp đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ngành vận tải hàng không của Việt Nam đang vượt qua đại dịch Covid-19 và các cơn gió ngược khác trong nền kinh tế toàn cầu, với số lượng chuyến bay tăng và một hãng “cây nhà lá vườn” mới được thành lập.
Ngành vận tải hàng không ở Việt Nam tăng trưởng nhanh khi quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng sản xuất (ảnh: Reuters)
Ngành vận tải hàng không ở Việt Nam tăng trưởng nhanh khi quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng sản xuất (ảnh: Reuters)

Theo Nikkei Asia, lưu lượng hàng hóa qua đường hàng không năm 2022 của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng 17% so với năm ngoái lên hơn 1,52 triệu tấn, tăng nhanh hơn mức tăng trung bình hàng năm là 15% trong 30 năm qua.

Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước và nước ngoài tăng cao khi Việt Nam củng cố vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu với mọi thứ từ hàng điện tử cho đến quần áo, với xuất khẩu tổng thể tăng gần 20% lên khoảng 336 tỉ USD vào năm 2021. Các công ty khai thác hàng hóa lớn như DHL Express của Đức hay Tập đoàn ANA của Nhật Bản đã hiện diện và đang mở rộng khai thác ở Việt Nam.

"Tháng 3 là một kỷ lục về khối lượng hàng hóa được xử lý", một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty logistics lớn của nước ngoài có chi nhánh ở Hà Nội cho biết. "Ngay cả trong đại dịch Covid-19, bạn có thể thực sự cảm nhận được động lực của Việt Nam".

Tuy nhiên, nhu cầu vận tải ngày càng tăng đã đẩy chi phí xuất khẩu bằng đường hàng không lên cao. Một số chuyên gia trong ngành cho biết mức cước vận tải hàng không đã cao hơn từ hai đến bốn lần so với thời điểm trước Covid.

Một trong những tập đoàn lớn nhất của Việt Nam, IMEX Pan Pacific Group, đang tìm kiếm một số hoạt động kinh doanh mới thông qua công ty con IPP Air Cargo. Công ty này dự kiến ​​sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2022 với tư cách là công ty đầu tiên của Việt Nam chuyên về vận tải hàng không.

IPP Air Cargo có kế hoạch ra mắt với một đội bay gồm 5 chiếc trước khi tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Bước đầu hãng sẽ thiết lập các đường bay giữa các sân bay địa phương và hai sân bay quốc tế lớn nhất cả nước ở Hà Nội và TP.HCM.

Đại diện của hãng cho biết hiện các hãng vận tải hàng không nước ngoài đang đảm trách gần 90% lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không ở Việt Nam. Hiện nay Việt Nam có 5 hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chở khách, chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng. Thị phần vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% năm 2019 và 11% giai đoạn 2020-2021.

Chủ tịch tập đoàn IMEX Pan Pacific Group, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói với báo giới: “Nếu chúng tôi không gia nhập thị trường (khi giá cước vận tải vẫn cao), thì đó sẽ là một tình huống rất xấu cho các nhà nhập khẩu”.

Trong khi đó, hãng DHL đang đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thường xuyên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Mỗi tuần một lần, một chuyên cơ vận tải Boeing 777 sẽ bay từ Sydney đến Hồ Chí Minh, rồi bay tiếp đến sân bay Chubu ở miền trung Nhật Bản và sau đó là bang Ohio ở Hoa Kỳ. Năng lực xếp dỡ hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ của DHL sẽ tăng 27% so với mức trước đây với tổng khối lượng hàng tuần là hơn 940 tấn.

Sự mở rộng dịch vụ vận chuyển sẽ giúp các nhà sản xuất dễ thở hơn bởi đôi khi họ phải vật lộn để tìm chỗ cho hàng hóa của mình trên máy bay.

Giám đốc một công ty sản xuất linh kiện máy ở miền nam Việt Nam cho biết: “Năm ngoái, đôi lúc tôi đã không tìm được đơn vị vận tải hàng không để xuất khẩu, mặc dù chúng tôi sẵn sàng trả một chi phí cao hơn”.

Việt Nam – giống như Trung Quốc – được coi là công xưởng của thế giới. Điều này càng rõ rệt hơn khi nhiều công ty đa quốc gia đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh ảnh hưởng của Covid-19.

Hãng vận tải Nhật Bản ANA Cargo, thuộc sở hữu của ANA Holdings, đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay vận tải hàng ngày giữa Việt Nam và sân bay Narita từ tháng Ba. Hãng cũng tăng các “chuyến bay chở khách kiêm vận tải hàng hóa" từ mùa thu năm ngoái khi đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu đi lại.

Korean Air của Hàn Quốc cũng như China Airlines và EVA Air của Đài Loan cũng có các chuyến bay chuyên dụng vận tải hàng hóa đi và đến Việt Nam. Hãng hàng không Korean Air chuyên chở các sản phẩm điện thoại thông minh của Samsung sản xuất tại Việt Nam.

“Không chỉ nhu cầu cao mà giá cước cao đã khiến vận tải hàng không trở thành một nguồn thu trong thời kỳ đại dịch Covid-19”, một người trong ngành cho biết.

Với việc Việt Nam mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, vận tải hàng không đã được tiếp sức với các khoang chứa hàng trong các máy bay chở khách đi và đến Việt Nam.